Uỷ ban Pháp luật Liên hợp quốc phản đối nhân bản người
Ngày 18/2, Uỷ ban Pháp luật của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua tuyên bố kêu gọi các nước cấm mọi hình thức nhân bản người, kể cả kỹ thuật nghiên cứu nhân bản vô tính.
Với một đa số phiếu sít sao, 71/149 nước thành viên Ủy ban Pháp luật LHQ đã bỏ phiếu ủng hộ việc thông qua tuyên bố trên, nhưng lại có tới 35 phiếu chống và 43 phiếu trắng. Nội dung tuyên bố này được sự hậu thuẫn của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi được Ủy ban Pháp luật của LHQ thông qua, tuyên bố còn phải được đưa ra Đại Hội đồng LHQ gồm 191 nước thành viên để bỏ phiếu tiếp.
Theo giới ngọai giao, các nước thuộc khối Hồi giáo có thể sẽ bỏ phiếu trắng vì không có sự nhất trí của mọi quốc gia thành viên trong Uỷ ban Pháp luật. Còn các nước như Anh, Bỉ, Trung Quốc và Singapore cho rằng, họ sẽ không bị ràng buộc bởi tuyên bố trên và vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu tế bào gốc vì mục đích chữa bệnh tại nước họ.
Nhiều nhà khoa học nói rằng kỹ thuật nhân bản liệu pháp trên mang lại hy vọng trị bệnh cho khoảng 100 triệu bệnh nhân Alzheimer, ung thư, tiểu đường và tổn thương dây sống. Tuy nhiên, các nước chẳng hạn như Mỹ, Costa Rica coi loại nghiên cứu này là huỷ hoại sự sống của con người, dù phục vụ bất kỳ mục đích gì đi nữa.
Đại biểu Gavin Watson của Anh cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống lại tuyên bố này bởi nó ''có thể được diễn giải như một lời kêu gọi cấm hoàn toàn mọi hình thức nhân bản người''. Trong một tuyên bố ngay sau đó, Đại sứ Emyr Jones Parry của Anh tại LHQ gọi tuyên bố không ràng buộc là yếu đuối, đồng thời kêu gọi các nước không khoan nhượng.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 họp vào sáng 16/2 tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin không bổ sung quy định về quyền cho phôi, mang thai hộ, quyền cho con, nhân bản vô tính, quyền được chết..., vào dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển nêu lý do: ''Với các quyền cho phôi, quyền mang thai hộ và nhân bản vô tính, chúng tôi nhận thấy những nội dung này là khá mới, xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên cần có sự nghiên cứu kỹ hơn''.
-
Minh Sơn (Tổng hợp từ Reuters, Vietnamnet)