Châu Á: cần một hệ thống cảnh báo sóng thần như Mỹ
Khác với châu Á, nước Mỹ có một hệ thống giám sát sóng thần liên bang cùng hệ thống báo động địa phương hiện đại để người dân có thể sơ tán khi sóng thần sắp ập tới.
Một chiếc phao do NOAA triển khai để chuyển tiếp thông tin tới mạng vệ tinh địa tĩnh. |
Hệ thống giám sát sóng thần liên bang này rất phức tạp, với các trạm địa chấn, máy dò ở sâu trong đại dương, phao cảm biến trên mặt biển, vệ tinh cũng như máy đo mực nước biển đặt gần bờ. Thiết lập sau trận động đất năm 1964 tại Alaska gây ra sóng thần, hệ thống này được đặt nằm dưới sự quản lý của Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Theo các chuyên gia, số lượng người chết ở châu Á có lẽ sẽ thấp hơn nhiều nếu những nước bị ảnh hưởng cũng có hệ thống cảnh báo tương tự.
Trung tâm của hệ thống giám sát sóng thần liên bang là một mạng lưới gồm 6 máy giám sát (còn gọi là máy dò sóng thần) nằm dưới đáy đại dương, trải dài từ quần đảo Aleutian của Alaska tới giữa Thái Bình Dương. Mỗi máy dò sóng thần đều được trang bị dụng cụ đo áp lực. Máy theo dõi những biến động có khả năng gây ra sóng thần. Thông số của máy ghi được truyền lên phao nằm trên mặt biển rồi được chuyển tiếp tới mạng vệ tinh địa tĩnh của NOAA.
Dữ liệu vệ tinh được phân tích tại các trung tâm cảnh báo sóng thần của NOAA tại Hawaii và Alaska. Những trung tâm này có nhiệm vụ cảnh báo cho các quan chức phụ trách tình trạng khẩn cấp và quân đội Mỹ để họ kịp thời thông tin cho chính quyền địa phương và người dân ở bờ biển phía tây. Tuy nhiên, theo Paul Whitmore thuộc Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Alaska, hệ thống máy dò sóng thần chỉ là một nguồn thông tin và thường không phải là nguồn quan trọng nhất. Những cảnh báo đầu tiên về sóng thần có thể được đưa ra, dựa trên dữ liệu địa chấn do hàng chục cơ quan chính phủ và trường đại học thu thập.
Cảnh báo sóng thần thường được phát đi chưa tới một lần mỗi năm ở Mỹ. Lần cảnh báo gần đây nhất là vào tháng 11/2003. Whitmore nói: ''Phần quan trọng nhất của toàn hệ thống cảnh báo là phản ứng của địa phương. Chúng tôi đưa ra cảnh báo và chính quyền địa phương chính là người hành động''.
Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã soạn thảo nhiều kế hoạch đối phó với sóng thần. Một số hạt thậm chí còn lắp đặt còi báo động sóng thần tiên tiến trên các bãi biển Thái Bình Dương. Khi nghe thấy tiếng còi, mọi người nên chạy tới chỗ đất cao càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng mọi người không nên chờ tới khi nghe thấy còi báo động rồi mới chạy. Whitmore nói: ''Nếu bạn sống trên bãi biển và thấy động đất, hãy chạy tới chỗ đất cao hơn mực nước biển 30m. Nếu không thể thì chạy sâu vào đất liền chừng 1,6km. Một cách nữa là sơ tán theo chiều thẳng đứng. Một số người sống sót sau thảm hoạ sóng thần hôm 26/12 là do ẩn nấp trong các tầng cao hơn của các toà nhà. Sóng thần có thể kéo dài 12 tiếng. Do vậy mọi người không nên trở về nhà ngay sau cơn sóng thần đầu tiên. Ngay khi sóng thần dội vào bờ, NOAA sử dụng mạng lưới gồm chừng 100 trạm giám sát mực nước biển ở ven bờ đề xác định mức độ nghiêm trọng của lũ lụt và thời gian nó kéo dài.
Mỗi năm, NOAA chi khoảng 3 triệu đôla để vận hành hai trung tâm cảnh báo sóng thần ở Alaska và Hawaii. Bên cạnh đấy, cơ quan này còn chi 4,5 triệu đôla cho các chương trình giảm nhẹ hậu quả của sóng thần. Do sóng thần có liên quan chặt chẽ tới các hoạt động núi lửa quanh Vành đai lửa Thái Bình Dương nên NOAA tập trung vào bờ biển phía tây chứ không phải bờ biển phía đông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sóng thần không xảy ra ở bờ biển phía đông. Năm 1929, một trận động đất mạnh 7,2 độ Richter và lở đất ở ngoài khơi bờ biển Newfoundland đã tạo ra một con sóng lớn, làm chết 29 người.
Cách đây bốn năm, các nhà khoa học cũng đưa ra bằng chứng: các vết nứt ở thềm lục địa ngoài khơi bờ biển Carolina có thể xuất hiện, tạo ra một cơn sóng thần gây nguy hiểm cho Carolina cũng như bang Virginia. Cũng trong năm nay, nhà vật lý địa chất Bill McGuire thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thảm hoạ Benfield (Anh) khuyến cáo: nếu núi lửa ở quần đảo Canary phun trào, nó có thể gây ra một cơn sóng thần cực mạnh, đe doạ tới bờ biển phía đông của nước Mỹ.
Các nhà khoa học khác cho rằng khả năng đó là rất nhỏ. Tuy nhiên, họ nhất trí rằng cần thiết lập thêm nhiều trạm giám sát nữa, không chỉ ở quần đảo Canary mà còn ở Ấn Độ Dương và các điểm nóng địa chấn tiềm năng khác trên thế giới.
-
Minh Sơn (Tổng hợp từ MSNBC, NOAA, Reuters)