Nhân bản vô tính: LHQ đã không thể bỏ phiếu
Tối 18/11, Uỷ ban lập pháp của Đại hội đồng LHQ đã quyết định từ bỏ nỗ lực soạn thảo một hiệp ước quốc tế cấm mọi hình thức nhân bản, bao gồm cả nghiên cứu tế bào gốc. Nguyên nhân là 191 quốc gia thành viên vẫn bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề nhân bản liệu pháp sau bốn năm thảo luận.
Như vậy, chiến dịch vận động cấm mọi hình thức nhân bản vô tính do Mỹ đứng đầu đã thất bại. Đề nghị của Costa Rica, được Mỹ và 61 nước khác ủng hộ, kêu gọi cấm mọi hình thức nhân bản người, trong đó có cả nhân bản phôi người phục vụ mục đích nghiên cứu y học (nhân bản liệu pháp hay nhân bản phôi người nhằm nghiên cứu tế bào gốc). Đề xuất còn lại của Bỉ, được 21 nước khác ủng hộ, cũng cấm nhân bản người vì mục đích sinh sản song lại cho phép các chính phủ có quyền quyết định nên cấm nhân bản liệu pháp hay không.
Ông Mohamed Bennouna, đại sứ Morocco tại LHQ đồng thời là chủ tích uỷ ban luật pháp, nói: ''Với việc một số nước coi nghiên cứu tế bào gốc là phá huỷ sự sống của con người và những nước khai coi đó là con đường nghiên cứu y học có tiềm năng chữa bệnh, chúng tôi cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ không thể chịu đựng được khi bị chia rẽ về một vấn đề giống như nhân bản vô tính''. Thay vào đó, uỷ ban lập pháp đã thông qua một nghị quyết thành lập uỷ ban làm việc nhằm soạn thảo một tuyên bố chính trị không ràng buộc.
Nhóm làm việc do ông Bennouna đứng đầu sẽ được thiết lập vào tháng 2/2005 để soạn thảo tuyên bố trên. Tuyên bố được dựa trên đề xuất của Italia. Theo dự kiến, uỷ ban lập pháp sẽ thông qua tuyên bố đó vào ngày 18/2/2005. Đề xuất của Italia kêu gọi mọi quốc gia thông qua và thực thi luật quốc gia cấm các nỗ lực ''tạo ra sự sống của con người thông qua các tiến trình nhân bản và mọi nghiên cứu nhằm đạt được mục đích đó''. Ông Bennouna nói rằng thoả hiệp mang tính giữ thể diện trên sẽ giành được ''sự ủng hộ chung''.
Tuy nhiên, giới ngoại giao nói rằng những người ủng hộ và chống đối nhân bản liệu pháp có sự diễn dịch khác nhau đối với thuật ngữ ''sự sống của con người''. Những người chống đối có thể khăng khăng rằng thuật ngữ đỏ bao gồm cả phôi thai người nhân bản.
Mặc dầu vậy, cả hai phe đều cho là đã giành được chiến thắng. Bernard Siegel, luật sư đứng đầu các nhà khoa học trong chiến dịch vận động ủng hộ nhân bản liệu pháp, nói: ''Vấn đề mấu chốt là nghiên cứu tế bào gốc vẫn sẽ tiếp tục. Tuyên bố sẽ không đóng băng nghiên cứu tế bào gốc''. Còn tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Adam Ereli nói rằng Mỹ hài lòng vì LHQ không bỏ phiếu ủng hộ nhân bản. ''Chúng tôi tự hào về nỗ lực ngăn chặn nhân bản người vô tính của mìnhi. Do vậy, việc LHQ chưa có bất kỳ hành động nào ủng hộ nhân bản là một thành công khiêm tốn của chúng tôi'' - Ereli nói.
Những người phản đối kế hoạch của Mỹ nói rằng quyết định của uỷ ban lập pháp cho thấy đa số các nước trong tổng số 191 thành viên LHQ muốn mở cửa đối với nhân bản liệu pháp. Tuy nhiên, đại sứ Costa Rica Bruno Stagno Ugarte, cho biết phe ủng hộ cấm nhân bản toàn diện có lẽ đã dành chiến thắng dễ dàng nếu hai đề nghị được đưa ra bỏ phiếu và thủ tục không phức tạp như hiện nay.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nghiên cứu tế bào gốc và Quốc hội Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Bush thông qua luật hà khắc cấm nhân bản liệu pháp. Tuy nhiên, ông Bush đã hạn chế sử dụng tiền trợ cấp của liên bang cho hoạt động nghiên cứu tế bào gốc, chỉ cho phép tài trợ cho việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai tồn tại từ tháng 8/2001.
-
Minh Sơn (Tổng hợp)