LHQ thảo luận nhân bản người
Vấn đề nhân bản đã được đưa vào chương trình nghị sự của LHQ. Các nước thành viên ủng hộ một hiệp ước cấm nhân bản người song lại bị chia rẽ về việc sử dụng phôi người trong nghiên cứu y học.
Từ hôm nay (21/10), Uỷ ban pháp luật của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bắt đầu một phiên thảo luận kéo dài hai ngày. Trọng tâm của phiên thảo luận sẽ là hai dự thảo nghị quyết đối lập: dự thảo của Costa Rica kêu gọi thiết lập một hiệp ước cấm mọi dạng nhân bản trong khi dự thảo của Bỉ yêu cầu chỉ cấm nhân bản trẻ em, cho phép các quốc gia tự quyết trong việc sử dụng phôi người làm nghiên cứu.
Tháng 11/2003, Uỷ ban pháp luật đã bỏ phiếu hoãn xem xét hiệp ước cấm nhân bản trong hai năm. Trong tháng 12/2003, Hội đồng Bảo an đã quyết định chỉ hoãn thảo luận hiệp ước này một năm. Đại sứ của Costa Rica tại LHQ Bruno Stagno Ugarte cho biết dự thảo nghị quyết của nước này có 62 nước ủng hộ, trong đó có Mỹ. Ông nói: ''Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ giành được đa số. Đây là vấn đề cực kỳ khẩn cấp và điều đáng lo ngại là các nhà khoa học Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành công nhất trong nhân bản người''.
Các nhà khoa học Hàn Quốc tuyên bố trong tháng 2/2004 rằng đã nhân bản phôi người và trích tế bào gốc từ đó. Còn các nhà chức trách Anh đã cấp giấy phép nhân bản người đầu tiên để nghiên cứu tế bào gốc trong tháng 8 vừa qua. Cả Anh và Hàn Quốc đều nằm trong số 22 nước ủng hộ dự thảo của Bỉ. Nếu giành được đa số, dự thảo của Bỉ sẽ uỷ quyền cho một uỷ ban soạn thảo hiệp ước cấm nhân bản người vì mục đích sinh sản mà không có sự bảo lưu nào.
Dự thảo của Bỉ cũng yêu cầu các nước ký kết đảm bảo rằng: kết quả nhân bản liệu pháp - sử dụng phôi người phục vụ nghiên cứu y học - không được sử dụng để thúc đẩy nhân bản người. Tuy nhiên, Stagno Ugarte lại đặt ra câu hỏi: liệu các hiệp ước khắt khe đó có hiệu quả hay không. Nhà ngoại giao Bỉ Marc Pecsteen de Buytswerve cho biết nhân bản là một vấn đề rất khó khăn và các nước ủng hộ dự thảo của Bỉ ''vẫn hy vọng đối thoại với bên kia để đạt được sự nhất trí''.
Ông Stagno Ugarte nói rằng cả hai phía đang đối thoại. Tuy nhiên, ông cho biết mọi thoả hiệp phải thừa nhận ''mọi hình thức nhân bản người đều trái ngược với nhân phẩm con người''. Dự thảo của Costa Rica có đoạn ''nhân bản người, vì mục đích nào đi nữa, đều là vô đạo đức, không thể biện minh và không thể chấp nhận''.
Giáo hội Thiên chúa La Mã và các nhóm chống nạo thai ủng hộ dự thảo của Costa Rica. Theo họ, nghiên cứu tế bào gốc tương tự như giết người bởi nó huỷ phôi người để lấy tế bào. Costa Rica và Vatican cho rằng tế bào gốc trưởng thành - bao gồm tế bào lấy từ dây rốn và nhau thai - có thể được sử dụng để nghiên cứu.
Ông Pecsteen cho biết: ''Tế bào gốc trưởng thành đáng để khám phá song tế bào gốc phô thai hứa hẹn hơn nhiều. Giới khoa học nên khám phá cả hai song hai loại tế bào không thể thay thế cho nhau. Dự thảo của Bỉ rõ ràng là đại diện cho xu thế chủ đạo của nghiên cứu khoa học và y học tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
-
Minh Sơn (Theo AP, CNN, BBC)