,
221
2123
Vấn đề
vande
/khoahoc/vande/
497236
GS Nguyễn Mộng Giao: Cần chính sách đãi ngộ xứng đáng
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,
Gặp gỡ Việt Nam 5:

GS Nguyễn Mộng Giao: Cần chính sách đãi ngộ xứng đáng

Cập nhật lúc 19:18, Thứ Hai, 09/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Tâm huyết, được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao, GS Nguyễn Mộng Giao (Phân Viện Vật lý tại TP.HCM) đã dành cho VietNamNet một cuộc trò chuyện thú vị.

Được biết hiện nay, GS đang phụ trách một nhóm vật lý trong chương trình hợp tác quốc tế tại Fermilab. GS có thể cho biết đôi nét về chương trình này?

Quốc kỳ Việt Nam bên quốc kỳ các cường quốc khoa học tham gia chương trình hợp tác D0.

GS Nguyễn Mộng Giao: Nhóm Nghiên cứu Năng lượng cao của chúng tôi gồm sáu người, phần lớn là các nhà khoa học trẻ mới tốt nghiệp ĐH hoặc vừa hoàn thành luận án thạc sĩ, đang tham gia nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm D0 (D Zero) thuộc Fermilab, trung tâm khoa học hàng đầu thế giới. Mục đích của D0 là đo tính chất và quy luật tương tác của các hạt sơ cấp bằng máy gia tốc hai chùm tia proton và phản proton tại vùng năng lượng cực lớn (2GeV, tương đương 2 tỷ electronvolt). Hiện nay, đây là máy gia tốc mạnh nhất trên thế giới, có cấu trúc như một nhà máy khổng lồ, kết nối với hàng loạt siêu máy tính cực mạnh.

Tôi đã từng có nhiều năm tham gia làm việc tại Nga với máy gia tốc Serpukhov và đạt được những thành tựu lớn như cùng tìm ra hạt lamda C+ và đo đạc quá trình phân cực của hạt lamdao. Do vậy, các nhà khoa học quốc tế khi tham gia các hội nghị Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) đã tìm và mời tôi tham gia làm việc tại các trung tâm nghiên cứu lớn của thế giới như CERN, KEK, và INFN.

Gần đây, GS Boaz Klima đã gặp gỡ, trao đổi với tôi rồi trở về, đề nghị Fermilab mời nhóm của tôi sang hợp tác làm việc. Sau một thời gian, các nhà khoa học quốc tế ở đây nhận thấy nhóm của tôi tuy ít người, lại đến từ một nước đang phát triển nhưng có đủ khả năng để tham gia vào cộng đồng khoa học quốc tế. Vì thế, năm 2001 họ đã chính thức kết nạp nhóm của tôi làm thành viên của D0. Đây là cơ hội lớn cho các nhà khoa học trẻ được tham gia nghiên cứu ở trình độ rất cao, đồng thời cũng là niềm vinh dự của Việt Nam khi quốc kỳ của chúng ta được treo cùng với quốc kỳ của một số cường quốc khoa học khác trên thế giới (cả châu Á chỉ có bốn nước tham gia D0 là Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam - NV).

GS được coi là một trong những "kênh" liên tục đưa sinh viên và các nhà khoa học trẻ ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Vậy chi phí cho các chuyến đi như thế do ai thanh toán, và hiệu quả đạt được có cao không?

- Trong thời gian làm việc ở Fermilab, tôi được quyền đưa thêm người đi theo để hỗ trợ cho công việc, và tất cả chi phí đều do Fermilab đài thọ. Tất nhiên, những người mà tôi đưa đi đều là những sinh viên xuất sắc nhất, được chọn lọc và đào tạo kỹ càng trong nước, có khả năng làm việc hiệu quả. Tôi muốn tạo điều kiện cho họ được tiếp xúc và làm việc với những giáo sư giỏi nhất để có thể học hỏi kinh nghiệm, bởi vì lĩnh vực của chúng tôi là vật lý thực nghiệm nên cần phải cọ xát nhiều với thực tiễn. Sở dĩ tôi làm được việc tại Fermilab là vì tôi đã có nhiều năm làm việc tại Nga và hầu hết các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới.

Cho đến nay, tôi đã đưa được sáu lượt người sang Mỹ, mỗi lượt từ ba đến bốn người, tất cả đều là sinh viên mới tốt nghiệp ĐH. Ngoài ra, tôi còn đưa một số sinh viên sang Italia làm việc, vì tôi là thành viên của Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế tại Trieste. Nhìn chung, sau một thời gian làm việc thì mọi người đều thăng tiến rất nhanh về mặt chuyên môn. Điều quan trọng là tôi chọn đưa theo những người thông minh và có quyết tâm cao trong nghiên cứu khoa học, bởi vì kiến thức học được trong nước quá ít.

Vậy cơ hội mà các nhà khoa học trẻ có được là gì khi ra nước ngoài tham gia nghiên cứu?

- Khoa học là của giới trẻ, bởi những người trẻ tuổi luôn đi đầu trong khoa học, chẳng hạn như Albert Einstein khám phá ra thuyết tương đối khi mới 25 tuổi. Những nhà khoa học có tuổi sẽ chỉ cho lớp trẻ con đường đi, còn đi như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lớp trẻ, bởi vì họ có sự say mê và lòng quyết tâm. Khi ra nước ngoài, họ được tiếp cận nền khoa học tiên tiến của thế giới, được sử dụng những thiết bị hiện đại nhất, và được trả lương cao. Ngoài ra, họ còn có cơ hội được học tập lên cao tại các trường ĐH của Mỹ. Chẳng hạn, trong số những người cùng làm việc với tôi tại Fermilab, ba người đã được tiếp nhận làm luận án tiến sĩ tại ĐH Northwest Illinois (Mỹ), và sắp tới có thể thêm hai người nữa.

Cơ hội dành cho các sinh viên trẻ không nhỏ, miễn là họ có khả năng thực sự và quyết tâm phấn đấu vươn lên. Tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho các em được học hỏi, nghiên cứu ở Mỹ, bởi vì Fermilab không nói "Ông chỉ được mang theo chừng này người", mà họ hỏi "Công việc của ông cần bao nhiêu người?" và hỗ trợ tối đa cho công việc.

Không chỉ muốn giới thiệu sinh viên vật lý, tôi còn có thể giới thiệu sinh viên các lĩnh vực khác nữa, nếu đấy là người giỏi thực sự.

Nếu tất cả những nhà khoa học có điều kiện hợp tác với nước ngoài đều tích cực đưa sinh viên đi như GS, liệu khoa học Việt Nam có thể phát triển được không?

GS Nguyễn Mộng Giao: Một nước văn hiến không thể thiếu một đội ngũ khoa học mạnh.

- Để đưa được người ra nước ngoài nghiên cứu, bản thân nhà khoa học đó phải giỏi và có vị trí cao trong cộng đồng khoa học quốc tế, hơn nữa phải gần gũi với sinh viên để chọn lấy những em có tài.

Nước ta có rất nhiều giáo sư, nhưng số người thực sự có tài năng, tầm vóc và có cống hiến cho khoa học lại không đáng kể. Nếu những người này cố gắng, đồng thời Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, họ có thể giúp đỡ cho anh em trẻ được ít nhiều.

Một nước văn hiến không thể thiếu một đội ngũ khoa học mạnh, thế nhưng Nhà nước chưa thực sự chú trọng đến vấn đề phát triển khoa học mà chỉ mới ưu tiên cho bộ máy hành chính. Ai cũng muốn được giữ chức vụ cao, bởi vừa có nhiều tiền lại ít phải làm việc, trong khi các nhà khoa học phải ngày đêm cật lực nghiên cứu. Chúng tôi như những người chèo thuyền ngược dòng, nếu dừng lại là tụt hậu ngay.

Đưa người ra nước ngoài chỉ là một yếu tố. Điều quan trọng là Nhà nước phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng. Lương thấp và cuộc sống khó khăn sẽ trở thành một tấm gương xấu cho sinh viên, vì vậy sẽ không còn mấy người muốn đi theo con đường khoa học nữa.

Khi tôi thuyết phục một số sinh viên trước đây của tôi giờ đang thành đạt ở nước ngoài về nước làm việc, các em hỏi tôi: "Lương của thầy bây giờ được bao nhiêu?". Khi biết mức lương giáo sư như tôi là 1,2 triệu đồng, họ nói ngay: "Liệu 20 năm nữa, chúng em có đạt được vị thế như thầy bây giờ không? Và bao nhiêu năm nữa chúng em mới đạt đến mức lương 1,2 triệu đồng? Hình ảnh của thầy bây giờ chính là hình ảnh của chúng em trong tương lai. Thầy khuyên chúng em về nước để làm việc trong môi trường như thế được sao?".

Đấy là câu hỏi mà tôi không thể nào trả lời được!

Nhiều đồng nghiệp ở nước ngoài hỏi tôi tại sao một nhà khoa học như tôi mà lại chịu mức lương như thế, tôi trả lời rằng đấy là khó khăn chung của cả nước. Họ bảo không phải là khó khăn chung, bởi họ biết nhiều người cho con em ra nước ngoài du học, mua xe hơi, mua cả nhà riêng, còn tiền thì tiêu như rác. Vấn đề này, tôi cũng không thể nào trả lời được!

Theo GS, bản chất của công tác nghiên cứu khoa học là gì?

- Nghiên cứu khoa học không phải là phát minh ra một điều gì mới mẻ. Tất cả mọi thứ, từ thuyết tương đối, lỗ đen đến các hạt cực bé, đều đã và đang tồn tại trong thiên nhiên, được viết sẵn trong "cuốn sách của thiên nhiên". Công việc của các nhà khoa học là tìm ra những bài học chưa ai biết đến trong cuốn sách đấy.

Hiện nay GS đang được cộng đồng khoa học quốc tế trọng vọng và đãi ngộ xứng đáng. Xin được hỏi GS một câu cuối cùng: Nếu có một sinh viên nào đấy tìm đến và nói với GS '"Hãy cho em được làm việc tại Fermilab", GS sẽ xử lý như thế nào?

- Đó là một nguyện vọng tốt, cần được ủng hộ. Thông thường, để đến được với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, sinh viên phải chứng minh được khả năng của mình, sau đó rèn luyện tại cơ sở trong nước một thời gian. Bước đệm này giúp cho các em làm quen với môi trường nghiên cứu và công việc ở nước ngoài. Nhưng nếu em nào xuất sắc, đáp ứng được yêu cầu của công việc, ngay lập tức tôi sẽ giới thiệu em đấy sang Mỹ. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều em tìm đến với tôi như thế.

Xin cảm ơn GS!

,
,