Cư dân ven biển: Khu bảo tồn biển là gì?
19:04' 10/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đó là kết quả bất ngờ về nhận thức của người dân, thu được từ cuộc điều tra cộng đồng ở các vùng biển và ven biển theo Dự án ADB 5712-REG (quản lý môi trường vùng biển và ven biển ở khu vực biển Đông). . Và không chỉ có vậy, hãy còn lắm bất cập khác nữa... 

Cuộc khảo sát đã phỏng vấn chính quyền và các cộng đồng tại 150 xã thuộc 58 huyện duyên hải của 29 tỉnh ven biển Việt Nam. Dự án do Công ty GEC (Công ty Tư vấn Môi trường Toàn cầu) phối hợp với Quỹ Quốc tế Vì Thiên nhiên (WWF) thực hiện. 

Khảo sát sử dụng phương pháp RRA (Rapid Rural Appraisal - trao đổi, phỏng vấn nhanh người dân sống ở nông thôn) để tìm thông tin về mối quan hệ giữa các cộng đồng dân cư và tài nguyên biển, tác động qua lại giữa hai nhân tố này; về nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với tài nguyên biển và ven biển, đặc biệt là vấn đề đa dạng sinh học biển và các khu bảo tồn biển; về các vấn đề luật pháp, thể chế, chính sách liên quan đến việc quản lý tài nguyên biển; cùng các vấn đề xã hội và nhu cầu về cơ sở hạ tầng.

Kết quả khảo sát cho thấy:

Việt Nam có 125  huyện có vị trí ven biển với khoảng 81.500 hộ dân, chiếm 17% diện tích cả nước. Các cộng đồng ven biển đều là những cộng đồng ổn định và được tổ chức tốt. Cư dân địa phương phần lớn sinh sống từ nhiều năm nay hoặc từ nhiều thế hệ. Tình trạng suy thoái nguồn lợi đa dạng sinh học biển như hiện nay đang là một thử thách đối với tính đoàn kết trong cộng đồng của địa phương.

Trong công cuộc cải tổ nền kinh tế cả nước, đời sống của người dân ven biển đã được cải thiện. Các địa phương được trao trách nhiệm lớn hơn trong việc ra các quyết định kinh tế. Tuy nhiên những cải cách này vẫn còn hạn chế do: thiếu cơ sở hạ tầng như đường giao thông có chất lượng tốt, thiếu các phương tiện cầu cảng thích hợp, thiếu các xưởng chế biến và đầu mối tiêu thụ...

Nguồn lợi về sinh vật biển và ven biển đang bị suy giảm: Khảo sát 22 trong tổng số 29 tỉnh ven biển cho thấy số lượng loài bị biến mất ở địa phương ngày một tăng lên. Nguyên nhân bao trùm là do sự khai thác bừa bãi của  các hộ ven biển vì mục đích sinh nhai. Cộng đồng ngư dân không còn áp dụng các phương thức khai thác truyền thống mà đa số (21/29 tỉnh) sử dụng phương thức đánh bắt có tính chất hủy diệt. Trong khi đó, các cơ quan có chức năng giám sát và thi hành luật lại rất thiếu thốn về nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị và các quyền hạn cần thiết để xử lý vi phạm.

Vấn đề quản lý vùng biển khai thác mới chỉ được khoanh vùng chức năng ở mức tối thiểu. Việc mở cửa nghề khai thác cá ở Việt Nam theo kiểu "tự do cho tất cả", cùng thời điểm nguồn lợi sinh vật biển đang bị suy giảm đã tạo nên một sự lộn xộn và tranh giành để thu hoạch nguồn lợi ít ỏi còn lại. Các chuyên gia cảnh báo: Khuynh hướng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với đa dạng sinh học các loài sinh vật biển. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài cùng với sự lỏng lẻo của pháp luật như hiện nay, sẽ rất bất lợi cho khả năng tái phục hồi nguồn lợi này.

Vệ sinh và rác thải: 20/29 tỉnh ven biển đều đề cập đến, với nhiều mức độ khác nhau, về  tình trạng thiếu thốn nhà vệ sinh. Hầu như các xã ven biển đều thiếu nhà vệ sinh công cộng và tư nhân. Người dân vẫn có thói quen xả rác ở bãi biển, đợi thủy triều lên cuốn rác thải ra khơi. Ngoài ra, các phương tiện du lịch và giao thông cũng xả thẳng rác xuống biển mà không hề qua xử lý.

Khu bảo tồn và ven biển: Khái niệm về khu bảo tồn biển được các cộng đồng dân cư ven biển hiểu biết rất ít, hoặc hầu như không có khái niệm gì. Nhiều cộng đồng cho rằng khu bảo tồn là khu vực hạn chế đánh bắt. Họ cho rằng việc thành lập một khu bảo tồn biển nào đó có nghĩa là một phần diện tích biển trong vùng sẽ vĩnh viễn bị cấm khai thác.

Tàu thuyền xả thẳng rác xuống biển mà không hề qua xử lý.

Sự không ổn định của vùng ven biển: 19/29 tỉnh ven biển đều có hiện tượng nghẽn bùn ở vùng cửa sông, hiện tượng bị xói mòn ven biển, sa mạc hóa các vùng đất nông nghiệp. Vào một thời điểm nhất định trong năm, tại một số xã ở vùng cửa sông, tàu thuyền không đi lại được do bị nghẽn bùn.

Thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng yếu kém là vấn đề bao trùm trong công tác quản lý môi trường vùng biển và ven biển, ông Peter McNamee, chuyên gia dự án, cho biết. Các cộng đồng ven biển đang là nạn nhân của các buôn lái do giá cả không ổn định. Lái buôn là người quyết định giá, giá bán thường bị hạ thấp vào mùa đánh bắt cao điểm. Tại các địa phương có phần lớn cư dân sống bằng nghề đánh bắt, hầu hết đều không có các xưởng chế biến hải sản.

Hệ thống giao thông vận tải yếu kém, trong khi thị trường địa phương không đủ lớn để tiêu thụ sản phẩm đánh bắt.  Sản lượng đánh bắt trong những năm gần đây đã tăng nhiều so với trước do người dân đánh bắt xa bờ, tuy nhiên thị trường để tiêu thụ các loài không có giá trị xuất khẩu lại thiếu. Vòng lẩn quẩn này khiến cho người đánh bắt chẳng thu được mấy lợi nhuận từ các cố gắng khai thác của họ. Sản phẩm đánh bắt được không quay trở lại địa phương để thúc đẩy các ngành nghề liên quan phát triển.

Nhà nước đã có chương trình phát triển đánh cá xa bờ với mục tiêu tăng số lượng tàu thuyền Việt Nam ngoài khơi để tăng sản lượng đánh bắt, phục hồi nguồn lợi cá ven bờ, tạo ra ảnh hưởng đa dạng nhiều ngành nghề khác nhau cho cộng đồng vùng biển. Tuy nhiên, kết luận của cuộc khảo sát điều tra cho thấy hiệu quả của chương trình là "chưa thấy rõ". Dù đã có Quỹ Phát triển Đánh bắt Xa bờ nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân. Đa số cư dân cộng đồng ven biển đều thiếu các yếu tố cần thiết khi vay vốn do không có thế chấp, không đủ khả năng đàm phán về điều khoản vay trong trường hợp sản lượng thấp hay thiên tai.

Trong quá trình phỏng vấn, rất nhiều  ngư dân cho biết họ cảm thấy rất "đói" kiến thức về kỹ thuật sử dụng tàu lớn để đánh bắt hải sản ở khơi xa. Các nông dân sống bằng nghề  nuôi trồng thủy sản chủ yếu là do học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau một cách không chính thức. Hiện tượng nuôi trồng tự phát và chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính đã dẫn đến sự chết dần của các loài thủy sản nuôi trồng, sự lây lan dịch bệnh dẫn đến phá sản.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra  các giải pháp được cộng đồng đề xuất trong cuộc phỏng vấn, bao gồm: Hỗ trợ cho đánh bắt cá xa bờ, hỗ trợ vốn vay, đầu tư nâng cấp  cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học, trạm y tế, xưởng chế biến hải sản, hệ thống xử lý nước thải, phương tiện thu gom rác... cần được các chính quyền ven biển xem là những giải pháp quan trọng nhất. Sự cần thiết phải có các cán bộ kỹ thuật giúp đỡ ngư dân về đào tạo kỹ thuật, giúp các xã trồng cây ngăn chặn xói mòn, di chuyển đụn cát, sa mạc hóa đất nông nghiệp...

Các giải pháp khác được đề cập trong cuộc phỏng vấn: Nâng cao nhận thức là giải pháp cho những vấn đề vệ sinh cộng đồng cũng như giảm bớt những cách đánh bắt có tính hủy diệt. Ổn định giá cả: Chính phủ mua sản phẩm từ biển và xây dựng các xưởng chế biến hải sản, giúp ổn định  thị trường. Xây dựng đê biển là giải pháp cho tình trạng không ổn định về đường ven biển (nghẽn bùn, xói mòn và xâm nhập mặn). Khoanh vùng biển để kiểm soát các phương thức đánh bắt có tính hủy diệt, tạo điều kiện quy hoạch và phát triển các ngành kinh tế. Kiểm soát vấn đề rác thải công nghiệp và sinh hoạt để giải quyết vấn đề ô nhiễm của xã từ ngoài khơi và trên thượng nguồn. Tái định cư đối với các xã có mật độ dân số quá cao, thiếu đất sản xuất; hoặc những xã  bị đe dọa về môi trường như thiên tai hay xói mòn.

Được biết các kết quả của cuộc khảo sát này đã được  sử dụng để chuẩn bị cho các dự án sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển và ven biển; đầu tư hợp lý cho các chương trình phát triển kinh tế; các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân địa phương; cơ chế cho cộng đồng dân cư và các tổ chức tham gia bảo vệ, quản lý tài nguyên biển và ven biển.

Thu Thảo

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Bà Cá ngựa" và quy định mới của CITES (10/06/2004)
Buôn bán... khí thải - ngành kinh doanh mới (07/06/2004)
Vì sao ông VXM đăng ký sáng chế ở Mỹ? (07/06/2004)
Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể (06/06/2004)
Trung Quốc: Nâng nghiên cứu KH-CN lên tầm thế giới (06/06/2004)
Đánh cá không lành mạnh: San hô nước lạnh gặp nguy! (04/06/2004)
Trung Quốc và hậu quả của sinh vật xâm hại (04/06/2004)
Trăn Mianmar - phần nổi của tảng băng chìm (04/06/2004)
Đừng để cơ chế thị trường chi phối 100% KH-CN! (04/06/2004)
Bao nhiêu người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất? (04/06/2004)
"Bệnh" kéo dài, đã thành mạn tính... (02/06/2004)
Đánh cá bất hợp pháp - một loại cướp biển (01/06/2004)
"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế (31/05/2004)
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang