Koala Úc may hơn... hải cẩu Canada
19:34' 04/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nước Úc chia đôi: Một bên kêu gọi diệt 20.000 gấu túi koala để "bảo vệ môi trường sinh thái cho các loài khác". Bên kia lại phản đối, vì koala vừa là một biểu tượng sống của Úc, vừa thuộc về Trái đất chứ không chỉ thuộc về Úc.

Bắn hạ koala một cách chuyên nghiệp!

Gần đây, một số nhà sinh thái học Úc đã đề nghị diệt 20.000 gấu túi koala trên đảo Kangaroo ở ngoài khơi bang Nam Úc. Từng được xem là "thiên đường của koala", hiện nay đảo này đang đối diện với một cuộc khủng hoảng sinh thái do koala sinh sản nhiều tới mức gây ảnh hưởng đến các loài khác trên đảo. Theo một số nhà khoa học, vấn đề này đã được... dự đoán từ nhiều năm trước đây.

Koala, một biểu tượng sống của Úc.

Vào thập niên 1920, gấu túi koala gần như tuyệt chủng vì nạn săn bắn để kinh doanh bộ lông dầy của chúng. Ít nhất có khoảng ba triệu bộ lông koala được bán ra thị trường trong và ngoài nước. Để bảo vệ koala - một trong các biểu tượng của nước Úc, chính quyền đã cho mang khoảng 20 con koala ra đảo Kangaroo để tiện bảo vệ chúng. Sau gần một thế kỷ, tới giữa thập niên 1990, một nhóm công tác đặc biệt của chính phủ đã khuyên phải diệt bớt vài trăm con koala trên đảo này, sau khi đã chứng kiến cảnh tượng đau buồn về hàng loạt koala chết đói trên một đảo khác - đảo Victoria. Thế nhưng đề nghị diệt bớt koala hồi ấy đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của công chúng. Lý lẽ căn bản vẫn là: Việc giết koala có thể làm cho ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề, vì du khách đến đảo chỉ là để quan sát koala trong thiên nhiên và được chụp ảnh cùng những con gấu túi dễ thương này.

Ngày nay, đảo Kangaroo có trên 30.000 koala tàn phá các rừng cây khuynh diệp, với mức trung bình một con koala có thể xơi 1.000 lá khuynh diệp mỗi ngày. Đây quả là "thiên đường" của koala, do không có các thú săn mồi để diệt bớt và qua đó giúp cân bằng dân số koala nên bọn gấu túi này tha hồ phát triển. Thế nhưng do trời sinh koala mà không sinh kịp... lá khuynh diệp, chúng liền chuyển sang xơi thử các loại lá khác, thậm chí ăn cả lá thông nhọn. Kỹ thuật tàn phá tiêu biểu của koala là ăn bất cứ thứ gì tìm được, kéo ngã xuống, tước và ăn lá, xong kéo đến nơi khác với cường độ tàn phá ngày càng mãnh liệt hơn, làm chết từ cành này sang cành khác và chết cả từng cây một... Vì vậy, nhà sinh học David Paton, thuộc ĐH Adelaide, cho rằng diễn biến sinh thái trên đảo Kangaroo đã nghiêm trọng tới mức cần diệt 2/3 số koala trên đảo!

"Kết luận của các nhà nghiên cứu hồi những năm 1995-1996 cũng giống như hiện nay, nghĩa là cần phải làm giảm đáng kể số koala để môi trường sinh thái có thể̀ hồi phục." - ông Paton nói. Không chỉ có vậy, ông còn đề nghị phải áp dụng cả biện pháp hạn chế sinh đẻ và các chương trình khác để quân bình số koala, sao cho dân số loài gấu túi này không tạo nên sức ép đối với môi trường sinh thái. Lập luận của ông: Dự báo trong mười năm tới, dân số koala trên "thiên đường" này sẽ tăng gấp đôi, tức 60.000 con. Vì vậy, cần diệt bớt 2/3, chỉ chừa lại 1/3 dân số hiện nay.

Koala bé con này chắc chắn làm si mê nhiều du khách nước ngoài khi đặt chân lên đất Úc.

Trong khi đó, luật hiện hành của bang Nam Úc vẫn còn quy định phạt 1.000 đô-la nếu bắn hạ một con koala. Mặc dù vậy, ông David Paton vẫn khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình: "Chính quyền cần có một quyết định sớm và triệt để, nếu không thì hệ sinh thái tuyệt vời trên đảo Kangaroo sẽ phải trả một giá đắt, và do đó sẽ tạo nên những vấn đề lớn đối với các loài sinh vật khác trên đảo. Các loài ấy cũng có quyền, thậm chí còn lớn hơn quyền của loài koala, được tồn tại trên đảo này. Sẽ là... đạo đức giả nếu chính quyền không chấp nhận loại bớt koala tại đây. Bởi vì trước kia, chính họ đã cho phép tiến hành một chiến dịch diệt bớt loài kangaroo nhỏ tammar wallaby vốn là thú bản địa của đảo này, trong khi koala lại chẳng phải là loài bản địa của đảo Kangaroo"!

Đề nghị này được một số công ty du lịch ủng hộ, với lập luận nếu để koala cứ sinh sôi nẩy nở thì thế nào môi trường sinh thái trên đảo Kangaroo cũng bị hủy hoại, và khi ấy sẽ chẳng du khách nào muốn đặt chân lên đảo. "Nếu nghiêm túc trong chuyện phát triển du lịch bền vững và bảo vệ môi trường, chúng ta cần phải có một hành động nào đó." - Craig Wickham, chủ một tua du lịch sinh thái, nói.

Mới đây, trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters hôm 30/4/2004, bà Sandra Kanck - thuộc Đảng Những người Úc dân chủ, đảng chính trị lớn thứ ba ở Australia, cũng đưa ra lời kêu gọi cần bắn hạ 20.000 koala trên đảo Kangaroo. Bà Kanck nói: "Chúng ta cần vượt qua cảm xúc để trở nên thực tế hơn. Nạn đói đang xảy ra với hàng ngàn con koala. Du khách sẽ nghĩ gì về một sinh cảnh với những thân cây trần trụi và những con koala đói đến tuyệt vọng, đi lang thang trong một phong cảnh bị tàn phá? Có thể koala là đáng yêu và đáng được vuốt ve, ôm ấp song tôi đề nghị nên trao cho những thợ săn chuyên nghiệp làm "việc ấy" một cách nhanh chóng và sạch sẽ"!

"Koala là quan trọng cho nước Úc"

Trên đây chỉ là những lời kêu gọi, lời đề nghị "giải quyết" bớt 20.000 koala trên đảo Kangaroo. Trong suốt thời gian ấy, qua theo dõi tin tức từ các nguồn trên mạng Internet, tôi vẫn chỉ gặp những thông tin cho biết chính quyền bang Nam Úc vẫn lưỡng lự, chưa duyệt kế hoạch do các nhà khoa học đề nghị. Bởi họ lo ngại việc diệt hàng loạt 20.000 con koala sẽ bị dư luận trong và ngoài nước lên án. Từ đó, hậu quả có thể là hàng ngàn lao động trong ngành du lịch sẽ bị mất việc vì du khách tẩy chay, không đến địa phương này nữa.

Vì vậy, hôm 3/5, tôi thật sự ngạc nhiên trước cái tin do một tờ báo điện tử ở Việt Nam đăng tải, cho biết "Úc khôi phục việc săn bắn gấu túi số lượng lớn" (!). Lời mở đầu tin này cho biết: "Chính phủ Úc vừa cho phép giết 20.000 chú koala...". Có thật vậy không?

Kiểm chứng lại, hóa ra đây chẳng qua chỉ là một tin dịch sơ sài (và có nhiều lỗi về kiến thức lẫn vốn ngoại ngữ) từ bản tin Reuters hôm 30/4 mà tôi vừa trích dẫn ở trên! Và sự thật, qua cái tin dịch ẩu của báo ấy, đã bị biến đổi theo hướng hoàn toàn ngược lại: Lời kêu gọi của bà Kanck bị "phiên dịch" thành... "Chính phủ Úc vừa cho phép"! Trong khi đó, trong bản tin nguyên văn của Reuters, tiếp theo đoạn dẫn lời kêu gọi và biện bạch của bà Kanck là một câu quan trọng hàng đầu trong tin ấy, phản ánh sự quyết định mới nhất của chính quyền địa phương - song đã bị bản dịch "dỏm" bỏ qua: "Nhà cầm quyền bang Nam Úc đã bác bỏ các lời kêu gọi về việc thải loại (koala), và đang nghiêng theo hướng triệt sản, tái định cư (koala)".

Chính phủ Canada vừa bật đèn xanh cho phép ngư dân giết hơn 300.000 hải cẩu trong năm 2004, bắt đầu từ hôm 12/4/2004.

May mà anh bạn đồng nghiệp phụ trách tờ báo điện tử ấy đã kiểm tra lại và cho... bóc bỏ cái tin (dựng đứng) này vào đầu buổi chiều nay 4/5. Dù sao, phải nói là koala Úc may hơn hải cẩu Canada!

"Sẽ không có việc thải loại bớt koala!" - ông Iain Evans, Bộ trưởng Môi trường bang Nam Úc khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của Hãng CNN. "Một trong các sự lựa chọn đang được cân nhắc là tăng cường chương trình triệt sản koala, tìm kiếm các phương pháp mới để làm các gấu túi cái không thể thụ thai, cũng như "tái định cư" chúng trong đất liền. Dự kiến chương trình này sẽ tiêu tốn khoảng 1,2 triệu đô-la Úc để triệt sản cho 3.400 koala và đưa 1.100 trong số đó trở về đất liền. Vì vậy, cần vận động gây quỹ thêm nhiều triệu đô-la trong các năm tới để xúc tiến chương trình này." - ông Evans nói.

"Koala mang lại 2,5 triệu USD cho ngành du lịch Úc. Ai cũng yêu thích koala, và chúng là của toàn cầu." - bà Deborah Tabart, người điều hành Tổ chức Koala châu Úc (AKF), nói -"Hãy bắt đầu với việc chứng tỏ sự kính trọng dành cho koala và nói rằng koala là quan trọng cho nước Úc. Tôi không nói rằng mình có giải pháp, và tôi cũng không tin ai đó đã tìm ra giải pháp, song tôi nghĩ chúng ta cần cùng nhau động não để bàn bạc với nhau, chứ đâu thể lạnh lùng tiến hành chuyện (giết bớt hàng vạn koala) mà có người đã đề nghị".

Bốn bang này ở phía Đông nước Úc còn tập trung nhiều koala trong môi trường tự nhiên.

Hiện có gần 100.000 koala trên nước Úc, tập trung nhiều trong vùng hoang dã ở các bang Queensland, New South Wales, Victoria, và bang Nam Úc. Mỗi bang này đều có những luật lệ riêng về koala. Thí dụ, bang New South Wales đã thừa nhận sự tàn phá sinh cảnh của koala vẫn tiếp diễn trên địa bàn của mình nên công bố chính sách quy hoạch môi trường, trong đó có nội dung bảo vệ vùng sinh sống của koala.

Nhiều năm qua, chính sách định cư của Úc đã hủy hoại xấp xỉ 80% sinh cảnh của koala để lấy đất xây trang trại, thị trấn và thành phố,... Nhiều vùng sinh sống khác của koala gặp phải nạn hạn hán, nạn cháy rừng và cả nạn sâu bọ phá hại cây cối,... Thậm chí hầu hết diện tích trong 20% sinh cảnh còn lại của chúng cũng chưa được đưa vào vùng bảo vệ mà vẫn thuộc sở hữu đất đai của tư nhân. Đặc biệt, trong mười năm gần đây, việc hoạch định phát triển trên diện tích một triệu héc-ta ở bờ biển phía Đông (nơi tập trung bốn bang có nhiều koala sinh sống nhất trong tự nhiên) đã càng khiến cho sinh cảnh cùng dân số loài gấu túi này suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, dân số koala bị chia cắt thành từng nhóm nhỏ cô lập trong các vùng rừng nhỏ còn sót lại.

Chưa hết, vì hàng năm tại Úc vẫn có khoảng 4.000 koala bị chết vì... xe cán và chó cắn. Cũng vì vậy, AKF thậm chí cón đưa ra các hướng dẫn rất chi tiết để người dân Úc giữ cho lũ chó của mình không bị... "stress" để trở nên hung dữ, và do đó càng trở nên nguy hiểm với những con gấu túi lạc loài lỡ chui vào sân vườn, bãi rào của họ.

"Sự thật là nước Úc hiện không còn nhiều koala do cây rừng đã bị tàn phá quá nhiều - hậu quả của việc quản lý tồi đất đai trong hơn 200 năm qua. Vì vậy, chính phủ cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ loài koala và sinh cảnh của chúng bằng sự tăng cường các luật bảo vệ cụ thể." - AKF kêu gọi. 

Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) đã xếp koala vào danh sách các loài động vật "có tiềm năng bị tổn thương". 

Linh Chi

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ô nhiễm cadmium: Báo động từ gạo hương lài Thái Lan (04/05/2004)
EU mới và sự... lộn xộn về chính sách hạt nhân (03/05/2004)
Truy kích HIV tận các "thánh địa"! (01/05/2004)
Phi công bay thử: nghề nguy hiểm (29/04/2004)
Dùng muỗi... "hạt nhân" tấn công bệnh sốt rét! (28/04/2004)
Nghiệm thu chất phụ gia PDP: Tranh cãi nảy lửa! (27/04/2004)
Anh: Thử nghiệm chứng minh thư sinh trắc học (26/04/2004)
Côn trùng và xác chết là tình yêu của tôi! (26/04/2004)
Thái Lan: Lắng nghe câu chuyện những dòng sông (20/04/2004)
Trung Quốc: Mười năm tới, hơn 10.000 máy bay siêu nhẹ! (19/04/2004)
Máy bay nhỏ Beaver ba chìm bảy nổi (18/04/2004)
VAM-1 và bài học... hàng không dân dụng (18/04/2004)
Người máy ASIMO gặp gỡ bạn bè Việt Nam (17/04/2004)
"Bàn tròn" cho phát triển bền vững, liệu đã đủ? (15/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang