Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức
00:16' 31/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Góp ý thẳng thắn của PGS TS Phương Ngọc Thạch (phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế TP.HCM), cùng GS TSKH Lê Huy Bá (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) về nguyên nhân của thực trạng sử dụng đội ngũ KHCN tại TP.HCM.

PGS TS Phương Ngọc Thạch: Thực tế vẫn là... đồ trang sức!

Các chủ trương về phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) đưa ra thì nhiều và đúng, nhưng thực tế cách làm, cơ chế chính sách lại không phù hợp, nhiều khi còn hạn chế. Ngân sách dành cho KHCN quá nhỏ bé: Năm 2002, khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm 2% tổng ngân sách Nhà nước. Hiện nay chỉ còn dưới 1%, và nghe đâu dự kiến tổng mức đầu tư toàn xã hội cho KHCN sẽ đạt 1% ở năm 2005, và khoảng 1,5% vào năm 2010. Với sự đầu tư như vậy, KHCN Việt Nam thật khó mà tăng trưởng, thực tế vẫn là... đồ trang sức!

Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động KHCN cấp Bộ đã gia tăng qua các năm, đạt 12.215 triệu đồng vào năm 1996, tăng dần lên 12.558 triệu đồng, 18.494 triệu đồng, 17.680 triệu đồng và 41.196 triệu đồng tương ứng với các năm từ 1997 đến năm 2000. Từ năm 2001 đến 2003, đầu tư của Nhà nước cho hoạt động KHCN tiếp tục tăng ở mức tương ứng là 46.250 triệu đồng, 53.830 triệu đồng và 52.094 triệu đồng. Mức tăng kinh phí trên đây phản ánh mức gia tăng tổng chi ngân sách cho KHCN của cả nước, bằng 0,96% tổng chi ngân sách vào năm 1997, 1,26% vào năm 1998, 1,28% vào năm 1999 và bằng 2%  từ năm 2000 đến năm 2003.

Năm

Kinh phí (triệu đồng)

Tỷ lệ % tổng chi ngân sách

1996

12.215

 

1997

12.558

0,96

1998

18.494

1,26

1999

17.680

1,28

2000

41.196

2

2001

46.250

2

2002

53.830

2

2003

52.094

2

(Nguồn: Đổi mới cơ chế quản lý KHCN ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương)

Trong thời đại ngày nay, vai trò của nguồn nhân lực KHCN ngày càng tăng. Để có đội ngũ này, phải đào tạo song công tác này của ta cũng có vấn đề. Trước hết, chi phí đóng góp của người dân và chất lượng đào tạo là những vấn đề bức xúc mà người dân đang quan tâm. Người ta hô hào xã hội hóa giáo dục và thậm chí thương mại hóa giáo dục nhằm tăng phần đóng góp của người dân cho giáo dục - đào tạo. Vừa qua, với chính sách xã hội hóa, phần đóng góp của người lao động cho học tập tăng lên đáng kể, thực tế đã làm hạ thấp thu nhập của người lao động. Phần tài chính do dân đóng góp cho lĩnh vực đào tạo ở cấp trung học phổ thông đã là 51,5%, dạy nghề 62,1%, trong khi chi ngân sách cho giáo dục của Việt Nam còn thấp so với các nước, năm 2003 là 16% tổng chi ngân sách, năm 2003 dự kiến đưa lên 20%. So với các nước, đầu những năm 1990, chi ngân sách cho giáo dục -đào tạo của Thái Lan là 20% tổng chi ngân sách, Hàn Quốc là 22%.

Hiện nay, lại còn có ý kiến của các vị có thẩm quyền cho rằng cần tăng học phí của hệ đại học. Rằng, mặt bằng học phí Việt Nam phải ngang bằng các nước để nâng cao chất lượng đào tạo. Thế nhưng người dân có biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước như thế nào không? Năm 2002, GDP của Việt Nam là 430 USD/người, của Trung Quốc là 940 USD/người, của Thái Lan là 2.200 USD/người!

Ngoài ra, chất lượng giáo dục không phải chỉ phụ thuộc vào đầu tư. Mức đầu tư cho mỗi học sinh Phần Lan chỉ có 5.000 USD/năm, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc,... song giáo dục Phần Lan đứng hàng đầu trong các nước phát triển trên thế giới. Không phải học phí cao thì chất lượng đào tạo cao, thí dụ chúng ta đều biết ở Đức không có học phí đại học song chất lượng đào tạo của Đức thuộc loại cao nhất thế giới. Theo tôi, việc nâng học phí là biểu hiện của nạn độc quyền trong giáo dục, còn tệ hại hơn nhiều so với nạn độc quyền trong kinh doanh.

PGS Phương Ngọc Thạch: Cần tôn trọng khoa học và tôn trọng các nhà khoa học! (Ảnh: Thu Thảo)

Tệ “làm quan rồi mới học” để đáp ứng yêu cầu công tác, theo tôi, cần phải xem xét lại. Ở các nước phát triển, cũng như thời kỳ phong kiến trước đây ở nước ta, có học, có đỗ “ông nghè” mới làm việc, mới làm quan. Vậy mà ở ta hiện vẫn còn hiện tượng làm quan rồi mới học, học để lấy bằng phù hợp với tiêu chuẩn Nhà nước đề ra, chưa thực sự thấy học là cần thiết để đáp ứng yêu cầu công tác. Nhiều cán bộ quản lý, kể cả cán bộ quản lý khoa học được bố trí trước, rồi sau đó mới đào tạo! Việc làm này là phản khoa học. Chính điều này đã làm đảo lộn đạo đức xã hội, giảm chất lượng đào tạo, kích thích nạn... bỏ tiền ra mua bằng và ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động giáo dục ở nước ta. Theo tôi, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân về chất lượng chuyên môn và đạo đức của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nước ta hiện nay

Chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ khoa học chưa thật sự là đòn bẩy khuyến khích cán bộ khoa học tận tâm, tận lực với nhiệm vụ. Mức lương vừa thấp, vừa không có điều kiện làm việc tốt nên không thể khuyến khích các nhà khoa học làm việc.

Hơn nữa, lương cao chưa phải là động lực quyết định, mà cái chính là họ cần thái độ tôn trọng khoa học và tôn trọng các nhà khoa học. Họ cần sự công bằng, họ không thể yên tâm bỏ sức ra làm trong khi có những quan tham tiêu bạc tỷ. Thu nhập cao không phải điều quan trọng, cái quan trọng là nhà khoa học thấy mình có đóng góp cho xã hội.

Cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học còn bất cập. Một số người do có quan hệ nên thường xuyên có đề tài, trong khi nhiều nhà khoa học, chăm lo công việc nghiên cứu nên ít có quan hệ rộng rãi nên thường ít có đề tài, mặc dù Nhà nước có đề ra việc đấu thầu đề tài, nhưng nhiều khi mang tính hình thức.

Thủ tục hành chính cản trở công tác nghiên cứu triển khai. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng r8àng đã quá mệt mỏi trong việc chạy đề tài và lo thủ tục thanh quyết toán đề tài.

Vì vậy, tôi kiến nghị:

- Cần tăng ngân sách chi cho KHCN, chi cho đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật, tăng tỷ trọng đầu tư cho khoa học, cho đào tạo để người dân đóng thuế được thụ hưởng đóng góp của mình.

- Không tăng học phí, để người dân có thể tiếp cận được với giáo dục. Cần loại bỏ hẳn chủ trương “làm quan rồi mới học”. Cần tăng lương và tạo điều kiện làm việc cho cán bộ khoa học, đừng biến khoa học thành một thứ đồ trang sức.

- Đồng thời, cần thiết phải cải cách hành chính trong hoạt động KHCN. Cốt lõi của cải cách hành chính là chỉnh đốn đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động KHCN, đừng để tình trạng chính sách một đằng, thực thi một nẻo.

GS TSKH Lê Huy Bá: 30 năm nghiên cứu khoa học, không có cả một... chỗ ngồi riêng để làm việc

Vấn đề bất cập nhất trong nghiên cứu khoa học hiện nay là chính sách bất cập trong việc sử dụng đội ngũ nghiên cứu khoa học. Mặc dù TP.HCM đang có nhiều nỗ lực trong việc đào tạo nhân tài nhưng đào tạo nhân lực thành tài rồi thì... để đó, bỏ lây lất, không trọng dụng và phát huy nguồn lực chất xám này!

Theo báo cáo "Tầm nhìn 2020" của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 2001), trình độ và năng lực KHCN của Việt Nam đứng ở vị trí rất thấp so với các nước trên thế giới và khu vực.

Đặc biệt,  năng lực về công nghệ Việt Nam thua kém khá xa so với nhiều nước cùng khu vực. Kết quả điều tra và tính toán của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết: Năm 2000, chỉ số công nghệ của Việt Nam là -0,51. Trong khi đó, chỉ số công nghệ của Trung Quốc là -0,35; Thái Lan là -0,07; Indonesia là -0,66; Philippines là 0,54; Malaysia là 1,08, Singapore là 1,95.

(Nguồn: Đổi mới cơ chế quản lý KHCN ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương)

Bản thân tôi làm nghiên cứu khoa học trên 30 năm, học vị học hàm đều đủ cả. Vậy mà cho đến nay, tôi không có nổi một phòng thí nghiệm để làm việc, không có cả một... chỗ ngồi dành riêng để làm việc. Trong khi đó, được mời đi thỉnh giảng một số nước trong khu vực Đông Nam Á, tôi càng thấy rằng ở các nước người ta rất coi trọng người làm khoa học  và tạo mọi điều kiện để nhà khoa học có thể dốc sức nghiên cứu. Các GS đều có phòng thí nghiệm để nghiên cứu và xây dựng ê-kíp làm việc của mình. Trong thư viện, họ có ngăn đọc riêng được cập nhật tài liệu và sách chuyên ngành mà họ nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể nhận đề tài nghiên cứu  trực tiếp mà không cần thông qua xét duyệt hay đấu thầu như ở ta.

Trong khi đó, việc xét duyệt đề tài ở ta hiện nay dường như chỉ dành cho một phận nào đó. Nếu chỉ làm khoa học thuần túy mà không kiêm nhiệm chức sắc, anh sẽ khó khăn nhiều hơn trong việc nhận đề tài. Trong khi đó, có vị "ôm sô" hết đề tài này đến đề tài khác, không làm xuể phải đi... thuê lại! Nắm vấn đề lơ mơ, báo cáo đề tài không chất lượng, nhưng vì có chức quyền nên hội đồng dễ thông cảm để... nghiệm thu. Thậm chí có những đề tài được cấp kinh phí cả tỷ bạc, vậy mà đến khi giải trình kinh phí lại không giải trình được một nửa số tiền đó tiêu vào việc nào (!). Thực ra, ai cũng có thể hiểu số tiền ấy được chi vào những việc nào...

GS Lê Huy Bá: Giao và duyệt đề tài nghiên cứu khoa học đều có "vấn đề"! (Ảnh: Thu Thảo)

Nhiều năm ngồi ở ghế Hội đồng chấm luận án thạc sĩ, tiến sĩ, tôi nhận thấy chất lượng luận văn nghiên cứu ngày càng sa sút. Mặc dù chưa phải đánh rớt thí sinh nào song tôi luôn cảm thấy không thoải mái với sự dễ dãi của hội đồng. Có lần, tôi được mời làm phản biện số một của một đề tài nghiên cứu, có rất nhiều điểm yếu kém nên tôi đề nghị sửa đổi và không cho nghiệm thu đề tài. Vậy là lần sau đó, người ta lập hội đồng nghiệm thu mới mà quên mất... mời tôi!

Đã nhiều năm rồi, tôi không nhận được bất cứ lời mời nào của phía TP.HCM. Và mặc dù cũng rất nhiều lần đăng ký đề tài nhưng không được duyệt. Hiện nay, ngoài việc giảng dạy tại Khoa Địa lý, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, tôi chủ yếu nghiên cứu khoa học từ đề tài đặt hàng của các tỉnh bạn như Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tây Ninh... Ngoài ra, tôi nhận nghiên cứu từ các đề tài đi... thuê khoán của các chủ nhiệm nhiều đề tài!

Nông Khắc Ý - Thu Thảo (ghi) 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Hồ sơ UFO (vật thể bay lạ) càng thêm dày (14/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang