TP.HCM:
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập!
07:11' 27/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Rốt lại, người dân được gì từ kinh phí mỗi năm TP.HCM chi hơn 20 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học? Tiết lộ về một cơ chế bất cập trong sử dụng đội ngũ khoa học - công nghệ (KH-CN), để đi tìm các nguyên nhân sâu xa...

Ngày 26/5/2004, GS Hoàng Anh Tuấn, 71 tuổi, nguyên giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM trong suốt 13 năm (1983-1997) đã ra trước một Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học, do Sở KH-CN TP.HCM lập ra, để bảo vệ một đề tài nghiên cứu đầy tâm huyết của ông.

Đó là đề tài “Thực trạng sử dụng đội ngũ khoa học và công nghệ trên địa bàn TPHCM. Nguyên nhân và các giải pháp phát huy hiệu quả”. Đề tài này đã được nghiên cứu suốt từ tháng 11/2002 đến nay. Nhiều tiết lộ bất ngờ trong đề tài mới được nghiệm thu này...

Từ việc đầu tư...

Đội ngũ KH-CN ở TP.HCM

TP.HCM có 228.789 người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trong đó, có 2754 tiến sĩ. Thế nhưng, số người trực tiếp hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ chiếm 0,8% tổng số người nói trên.

Bắt đầu từ việc đầu tư...

Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia) có mức kinh phí nghiên cứu vào khoảng 26 triệu đồng/người/năm (2002), tương đương 1.700 USD/người/năm.

Trong khi đó, năm 2001, TP.HCM đầu tư 28 tỷ đồng cho KH-CN, với 1.847 nhà khoa học tham gia các chương trình, dự án của Thành phố. Tính ra, bình quân suất đầu tư cho nghiên cứu KH-CN ở TP.HCM là 15 triệu đồng, tương đương 1.000 USD/đầu người.

Thử so sánh với các nước: Ở Hàn Quốc, con số đó gấp... hơn 30 lần (65.975 USD/người/năm), và áp dụng 15 tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH-CN. Còn một nước ở gần ta là Indonesia thì đầu tư cho nghiên cứu KH-CN chỉ hơn ta có... ba lần (6.663 USD/người/năm)!

Chỉ 0,8% cán bộ trực tiếp có hoạt động nghiên cứu (Ảnh: Thu Thảo)

Theo nhận định của GS Hoàng Anh Tuấn, thì “Lấy lý do “nghèo” nên đầu tư thấp, thực sự là do đầu tư dàn trải, cùng với việc sử dụng vốn đầu tư cho KH-CN không hiệu quả nên trong những năm qua đã không tạo được thành quả lớn để đóng góp cho sự phát triển”. Với TP.HCM, và kể cả trong cả nước, kinh nghiệm Hàn Quốc về tiêu chí đánh giá hiệu quả nghiên cứu KH-CN vẫn còn là điều khá mới mẻ!

Thế nhưng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn ít vẫn chưa phải là vấn đề, bởi đề tài của GS Hoàng Anh Tuấn còn cho biết: Đã phát ra 100 phiếu điều tra để thăm dò ý kiến các nhà khoa học. Không hẹn mà gặp, 100% số người được hỏi đã “biểu” đồng tình, rằng “phương thức quản lý chưa hợp lý”, và “chính sách đãi ngộ chưa tương xứng” mới là hai nguyên nhân chính gây trở ngại cho việc phát huy đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP.HCM.

... Đến cái lỗ cũng kêu trời!

Nếu như tiền bạc và điều kiện làm việc vẫn là khá tệ trong nhiều trường hợp thì trong quản lý cũng có không ít chuyện vô lý đến “cười ra nước mắt”.

Chằng hạn, UBND TP.HCM ra Quyết định 20/2003/QĐ-UB, ghi rõ: ”Phấn đấu ít nhất 90% đề tài nghiên cứu từ ngân sách được ứng dụng trong vòng sáu tháng sau nghiệm thu”. Điều trớ trêu là khi các nhà khoa học ở TP.HCM hỏi thăm dò đoàn các nhà nước ngoài đến thăm TP.HCM: ”Ở nước các ông, có bao nhiêu phần trăm đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế?” thì đoàn Cuba trả lời “10%”, đoàn Hàn Quốc: ”20%”. Ấy thế mà TP.HCM “dám”... “phấn đấu 90%”! Quyết định này của UBND TPHCM đã khiến các nhà khoa học phải bổ ngửa: ”Nếu cứ nghiên cứu là thành công thì các doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra để hợp đồng với các nhà khoa học nghiên cứu cho họ, chứ không chờ lấy kinh phí từ cơ quan nhà nước”.

GS Hoàng Anh Tuấn: Biết sai mà không sửa là tại sao? Thực chất là coi nhẹ khoa học và không coi trọng nhà khoa học! (Ảnh: Thu Thảo)

Một trường hợp khác: Trong dự toán của Dự án “Các hệ thống công trình lấn biển Cần Giờ”, chỉ ghi các lỗ khoan thăm dò địa chất sâu 5m. GS Nguyễn Sinh Huy, chủ nhiệm Dự án, thấy cần có ba lỗ khoan sâu 15m để đảm bảo chất lượng công trình. Thế nhưng Kho Bạc TP.HCM đã không chi thanh toán do... dự toán không có ghi! “Chặt” đến mức nếu tính là ba lỗ khoan sâu 5m (cho đủ 15m) cũng không được tính nốt! Phải là mỗi lỗ sâu 5m, mới được chi!

Hoặc như trường hợp của PGS TS Nguyễn Trọng Hoà - ĐH Kiến trúc TP.HCM, kể: ”Nếu tôi cần mua một chiếc máy năm triệu đồng để phục vụ nghiên cứu, dù có chứng từ hẳn hoi vẫn không được chấp nhận. Thế nhưng nếu vẫn sử dụng số tiền đó song lại giải trình là... photocopy tài liệu thì được chấp nhận!”.

Tác giả đề tài nghiên cứu đã dẫn lời của TS Hoàng Xuân Long, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách KH-CN (Bộ KH-CN) lý giải tình trạng nói trên: ”Cơ chế cấp phát tài chính hiện hành tạo sự “nói dối” mà cả người cấp kinh phí và người được cấp kinh phí đều thừa nhận. Điều đáng thắc mắc là địa phương và cả Chính phủ đều biết là không phù hợp. Biết sai mà không sửa là tại sao? Thực chất là coi nhẹ khoa học và không coi trọng nhà khoa học!”.

Và nhà khoa học phải... tự cứu

“TP.HCM là trung tâm của khu vực, có tiềm lực khoa học và công nghệ nhưng chưa phát huy bài bản nguồn lực này. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, chưa giải quyết thoả đáng về giống mới; còn hoạt động công nghệ sinh học gần như là số không... Thành phố quyết tâm triển khai tốt chương trình đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng những trung tâm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.” (trích phát biểu của bí thư Thành Uỷ TP.HCM Nguyễn Minh Triết trong buổi làm việc với bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Hoàng Văn Phong, ngày 21/4/2003)

Thật vậy, điều tra từ đề tài này cho thấy: Nhà khoa học làm việc ở cơ quan thuộc Nhà nước quản lý và đạt bậc Tiến sĩ cũng chỉ hưởng thu nhập bình quân khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng. Từ Thạc sĩ xuống đến Cao đẳng thì thu nhập bình quân cũng tụt theo tương ứng từ khoảng hơn 1,2 triệu xuống năm - bảy trăm ngàn đồng. Trong khi đó, ở các liên doanh hoặc đơn vị 100% vốn nước ngoài, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 400-500 USD là chuyện thường. 

Trong báo cáo của mình, GS Hoàng Anh Tuấn đã dẫn chứng hai trường hợp do “phương thức quản lý chưa hợp lý” và “chính sách đãi ngộ chưa tương xứng” nên đã phải rời bỏ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam để chuyển sang làm việc cho công ty nước ngoài. Chuyện này chỉ mới được GS TS Phạm Văn Biên, viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam tiết lộ vào tháng 7/2003. Theo tiết lộ nói trên thì TS Kiều Minh Lực, chuyên ngành Di truyền Động vật đã rời Viện “sau khi được một công ty Thái Lan ở TP.HCM mời gọi với lương tháng 1.000 USD và tặng trước một xe Land Cruiser”. Còn TS Đặng Thị Hạnh, chuyên ngành Di truyền Chăn nuôi cũng đã rời Viện trong khoảng thời gian nói trên, sau khi “TS Hạnh bị Bộ KH-CN loại ra khỏi danh sách thi chuyển lên ngạch chuyên viên chính vì bậc lương hiện lãnh là thấp”. Xin lưu ý là hai nhân vật nói trên đã từng đỗ Tiến sĩ ở nước ngoài (Nhật và Đức)!

Không chỉ có vậy... Vì tác giả của bản Báo cáo khoa học này cũng đã phỏng vấn ThS Lê Đức Trung, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ và Sinh học Thuỷ sản (Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thuỷ sản II) và được nghe lời than phiền: ”Các ao tôm đã hút gần 70% kỹ sư của Trung tâm!”. Một loạt kỹ sư thuỷ sản đã rời bỏ công việc ở cơ quan nhà nước để đi làm “kỹ sư tự do”, nghĩa là làm tư vấn cho các trang trại nuôi tôm của tư nhân. Có người trước đó bị cơ quan chức năng từ chối cấp 30 triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi tôm, thì sau khi làm “kỹ sư tự do” để tư vấn cho 200 trang trại nuôi tôm của tư nhân, người này đã sở hữu được hơn 4ha nuôi tôm công nghiệp. Có trường hợp kỹ sư thuỷ sản được chủ trang trại trả 120 triệu đồng nhờ tư vấn cho một vụ tôm (bốn tháng). Tính ra, một ngày công của anh “kỹ sư tự do” này bằng... một tháng lương và thu nhập của một tiến sĩ công tác ở cơ quan nhà nước! Khi được phỏng vấn, những “kỹ sư tự do” này đã trả lời hồn nhiên: “Thu nhập cao không phải là điều tối thượng. Cái “đã” hơn là được làm đúng nghề mình học, được cọ xát với thực tế và có được niềm vui khi thành công!”.

Không chỉ những kỹ sư trẻ có được niềm vui ấy... Khi một đơn vị là Tổng Công ty Lương thực miền Nam “chịu” “ủng hộ” 500 tấn lúa cho GS TS Bùi Song Cầu (ĐH Bách khoa TPHCM), một trong những nhà khoa học đầu đàn ở TP.HCM, để thử nghiệm đề tài “Thiết kế, chế tạo hệ thống si-lô bảo quản nông sản xuất khẩu”, GS Cầu đã phải cảm động mà thốt lên: ”Nếu không có những cái đó (ý nhắc đến sự giúp đỡ của Tổng Công ty Lương thực miền Nam), tôi cũng không biết công trình của mình sẽ đi về đâu!”...

Dân cũng bị “thiệt” theo...

GS Hoàng Anh Tuấn: Người dân góp tiền cho nghiên cứu thông qua việc đóng thuế, nhưng họ không được hưởng lợi từ các công trình nghiên cứu khoa học! (Ảnh: Thu Thảo)

Cũng chuyện thủ tục... “Hội Cơ học Việt Nam muốn chủ trì nghiên cứu chế tạo chiếc máy bay loại nhỏ mang tên VAM-1 tại TP.HCM. Thủ tục hồ sơ phải trình lên đến Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi muốn bay thử nghiệm, cũng phải xin phép Thủ tướng và đến nay cũng chỉ mới ở giai đoạn “sắp bay thử nghiệm”. Nếu 100 năm trước, hai anh em nhà Wright cũng phải “làm thủ tục” như ta ngày nay, liệu bây giờ thế giới đã có máy bay hiện đại các kiểu để bay chưa?” - tác giả bản Báo cáo đặt câu hỏi!

Lại nữa... Cũng Báo cáo nói trên, trang 75 có nêu trường hợp: “Đề tài nghiên cứu của GS Đỗ Thới Đồng đã kết luận: Phương thức đền bù giải toả ở vùng ven đô là sự tước đoạt quyền lao động của nông dân và bần cùng hoá họ... Đúng đến 100%. Đã tổ chức báo cáo với đồng chí Bí thư Thành Uỷ (khoá VI), nhưng không được tham khảo sử dụng!”...

Cuối cùng, sau những hiện tượng nói trên, ai là người bị thiệt? Lần đầu tiên, một Báo cáo khoa học đã mạnh dạn chỉ rõ: “Đó là người dân TP.HCM. Người dân góp tiền cho nghiên cứu thông qua việc đóng thuế, nhưng họ không được hưởng lợi từ các công trình nghiên cứu khoa học”!

Thành tựu qua cách nhìn của một đề tài khoa học...

Ngay trong buổi họp nghiệm thu đề tài, GS Hoàng Anh Tuấn đã nêu một số liệu mà ông thu thập được nhưng không nêu trong bản Báo cáo. Ấy là Việt Nam hiện có 1.500 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín của quốc tế. Thế nhưng, với tỷ lệ 1.500 công trình nghiên cứu trong tổng số 21.000 nhà khoa học đang làm việc trong các chương trình nghiên cứu và phát triển (thường được giới chuyên môn gọi là R&D – Research & Development, Nghiên cứu và Phát triển) thì cũng chỉ tương đương với số lượng công trình nghiên cứu đã đăng tải của 6.400 nhà khoa học Thái Lan trong 20 năm trước! Một sự tụt hậu ghê gớm và cũng chỉ có số liệu toàn quốc.

Còn ở TP.HCM, liệu có bao nhiêu công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học tầm cỡ quốc tế thì không ai biết được, vì... không có số liệu!

TS Phan Xuân Biên: Chính sách của Nhà nước đã ban hành, dù muốn hay không thì giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cũng phải thực hiện. (Ảnh: Thu Thảo)

Trong 162 trang của Báo cáo nghiệm thu đề tài “Thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TPHCM...”, chỉ có hai trang 66 và 67 nêu hai trường hợp được xem là “khởi động đáng phấn khởi”.

Đó là Phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học phân tử của Khoa Sinh học, thuộc trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nơi tập hợp được nhiều cán bộ trẻ với trang thiết bị hiện đại do Nhà nước đầu kinh phí 7 tỷ đồng.

Tiếp đó là Công ty Thuốc Thú Y Trung Ương 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nơi có một trung tâm nghiên cứu khoa học đã ứng dụng thành công nhiều thành tựu hiện đại của thề giới để sản xuất các loại vắc-xin và thuốc thú y phòng, trị bệnh cho gia súc trong toàn quốc. Hiệu quả công tác của Công ty Thuốc Thú Y Trung ương 2 là “thu nhập bình quân của cán bộ KH-CN ở đây là 4 triệu đồng/người/tháng”.

Bản Báo cáo cũng điểm lướt qua một vài “điểm sáng” như Viện Công nghệ Sinh học, Viện Sinh học Nhiệt đới, Phân Viện Bảo quản và Chế biến Sau Thu hoạch, Trung tâm Polymer và Vật liệu Composit... và kết luận một cách đầy ý nghĩa: “Kỳ vọng những “điểm sáng” tương tự sẽ ngày càng nhiều với những mô hình hoàn thiện hơn, đúng nghĩa là những vườn ươm nhân tài”.

Thế còn những “vườn ươm” khác?

Dẫn thông tin từ Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, Báo cáo cho biết chỉ số chất lượng giáo dục Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang điểm 10. So sánh với 12 nước ở châu Á, Việt Nam chỉ đứng trên... một nước. Đó là Indonesia, với 3,44 điểm! Không thấy tác giả nêu chỉ số chất lượng giáo dục ở TP.HCM.

Nền giáo dục đã vậy, còn trong thực tế cuộc sống... Bản báo cáo không ngần ngại nêu ra một thực trạng: Đó là nếp nghĩ “Học để... làm quan”! Nếp nghĩ đó, nay đã được cơ chế hiện thời biến tướng thành cách dùng người, theo kiểu: ”Muốn trọng dụng người tài, phải gắn cho họ một chức vụ". Tài càng cao thì chức vụ phải càng to, và do đó “nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao lại chuyển sang làm công tác lãnh đạo. Thế là khuyết một nhà khoa học giỏi và sản sinh ra một nhà lãnh đạo không có kinh nghiệm!”.

Đã vậy, việc đào tạo, tái đào tạo đội ngũ thế nào mà trong số 100 phiếu điều tra ý kiến phát ra, chỉ có mỗi một kỹ sư ở Công ty Vinamilk là tự hào: ”Ở Việt Nam, chắc chỉ có công ty sữa là công ty duy nhất tự lo đào tạo nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật bằng ngân sách của công ty. Cứ hai năm một lần, công ty tuyển sinh viên và gửi đi đào tạo nước ngoài. Đến nay, công ty đã có 350 kỹ sư chuyên ngành, luôn được cập nhật các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới... Đây là bí quyết thành công của công ty trong 28 năm qua”. Còn những nơi khác?

Hội đồng nghiệm thu chấm điểm: “Khá”!

Báo cáo khoa học “Thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP.HCM...” đã được Hội đồng nghiệm thu gồm 11 người, do Sở KH-CN thành lập, nhất trí với thực trạng mà tác giả đã vạch ra.

PGS TS Nguyễn Xuân Vinh: "Báo cáo này cần được phổ biến rộng trong giới khoa học, doanh nghiệp và quản lý!" (Ảnh: Thu Thảo)

Tuy nhiên, theo PGS TS Ngô Văn Lệ, hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cùng PGS TS Nguyễn Xuân Vinh (Viện Khoa học - Xã hội TP.HCM) cùng nhiều thành viên trong Hội đồng thì, khi phân tích về nguyên nhân của thực trạng nói trên, tác giả “cần làm rõ hơn ở cấp vĩ mô, cần đi sâu phân tích chính sách bất hợp lý như hiện nay mới có tầm để giải quyết thực trạng”!  

Một chuyên viên Sở KH-CN TP.HCM có mặt trong buổi họp nghiệm thu đã đề nghị tác giả nêu thêm mối quan hệ liên ngành giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động quản lý khoa học, nhất là trong quan hệ với Sở Tài chính TP.HCM. Nghe vậy, TS Phan Xuân Biên, phó trưởng ban Ban Văn hoá - Tư tưởng Thành uỷ TP.HCM nói vui: ”Cơ chế một cửa... nhưng cửa đó tắc là thua!”. TS Biên phân tích thêm: "Đây là một đề tài nghiên cứu rất quan trọng, nhất là đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đề tài đã nêu lên được nhiều vấn đề bức xúc, từ cơ chế chính sách, quan điểm sử dụng các nhà khoa học, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý khoa học. Tuy nhiên, Báo cáo còn bao quát, ôm đồm. Lẽ ra, nên lấy thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN làm trọng tâm để phân tích về cơ chế. Sau đó, đề xuất biện pháp giúp Nhà nước giải quyết vấn đề".

PGS TS Ngô Văn Lệ: Cần làm rõ hơn ở cấp vĩ mô, cần đi sâu phân tích chính sách bất hợp lý như hiện nay mới có tầm để giải quyết thực thực trạng! (Ảnh: Thu Thảo)  

Cũng theo TS Biên, Báo cáo khoa học của GS Hoàng Anh Tuấn còn những mắc mướu như chưa làm rõ, như chính sách thu hút lực lượng khoa học trên địa bàn TP.HCM, nhất là các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố. "Mặc dù tác giả Báo cáo này đã có một số đề xuất nhằm tháo gỡ vấn đề, kể cả đề xuất biện pháp cho giám đốc Sở KH-CN TP.HCM song chính sách của Nhà nước đã ban hành, dù muốn hay không thì giám đốc Sở cũng phải thực hiện." - ông Biên phân tích.

Trong khi đó, GS TS Đào Văn Lượng, giám đốc Sở KH-CN TP.HCM lại tỏ ý băn khoăn bởi lẽ, trong một báo cáo gần đây của Bộ KH-CN, Bộ đã đánh giá cao TP.HCM trong một số thành tựu hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học. Liệu Báo cáo của GS Hoàng Anh Tuấn có mâu thuẫn với đánh giá của Bộ không?

Về phần mình, GS Hoàng Anh Tuấn cho rằng “nguyên nhân xuyên suốt và sâu xa là lãnh đạo còn coi nhẹ khoa học. Có tình trạng lãnh đạo tách rời khoa học và kinh tế. Nếu chỉ tập trung đầu tư cho kinh tế và nghĩ như thế mới là thúc đẩy phát triển thì chỉ là ngộ nhận... Hàng năm, Thủ tướng đều có tổ chức gặp gỡ với doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe và cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng. Thế nhưng Thủ tướng chưa lần nào gặp gỡ giới khoa học. Đang có sự trì trệ về mặt hành chính nhà nước, không pháp lý hoá kịp các Nghị quyết của Đảng vốn xem “KH-CN là quốc sách”!

GS Đào Văn Lượng: Liệu Báo cáo của GS Hoàng Anh Tuấn có mâu thuẫn với đánh giá của Bộ KH-CN? (Ảnh: Thu Thảo) 

Trở lại với thực tế, GS Đào Văn Lượng đã kể một câu chuyện nhỏ khá ý nghĩa vào cuối buổi họp nghiệm thu. Đó là chuyện, bức xúc trước một số thủ tục bất hợp lý trong quản lý khoa học, Sở KH-CN TP.HCM đã đề xuất một số biện pháp mới nhằm hạn chế bớt những thủ tục bất hợp lý, nhất là trong thủ tục quản lý tài chính luôn gây phiền hà cho các nhà khoa học. Đề xuất của Sở đã được gởi đến các nhà khoa học cùng các cơ quan, ban, ngành để lấy ý kiến đóng góp. Cuối cùng, hai cơ quan quan trọng nhất có liên quan đến những bất hợp lý nói trên là Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính TP.HCM đã gởi văn bản cho Sở KH-CN, trả lời như sau: ”Sở KH-CN TP.HCM cần căn cứ vào các chính sách hiện hành để thực hiện”. Thế là... tắt!

Dù sao, theo công bố của GS Đào Văn Lượng, trong vai trò chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Báo cáo khoa học của GS Hoàng Anh Tuấn được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá, với số điểm 86,2!

  • Nông Khắc Ý 

Rời khỏi cơ quan nhà nước: Do đãi ngộ, lương thấp, hay cơ chế?

Theo những tiết lộ trong Báo cáo khoa học “Thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP.HCM” của GS Hoàng Anh Tuấn, TS Kiều Minh Lực và TS Đặng Thị Hạnh là hai nhà khoa học ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp (KHKTNN) Miền Nam đã chuyển sang làm việc cho công ty nước ngoài với mức lương gấp mười lần cao hơn.

Phóng viên VietNamNet đã tìm gặp hai nhà khoa học nói trên để tìm hiểu thực hư, cùng những trăn trở của hai nhà khoa học nói trên sau khi rời khỏi một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học lớn trong cả nước.

TS Kiều Minh Lực: "Tôi cần có điều kiện để nghiên cứu”

● Tại Công ty CP, 100% vốn nước ngoài, chuyên về giống, thực phẩm gia súc, gia cầm (đóng tại Khu Công nghiệp Biên Hoà):

Chào anh Kiều Minh Lực! Được biết trước đây, anh từng là cán bộ của Viện KHKTNN Miền Nam và hiện chuyển sang làm việc cho Công ty CP . Công việc có tốt hơn không?

TS Kiều Minh Lực (1961), tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Di truyền Giống vật nuôi tại Đại học Iwate, Nhật vào năm 1997. Về nước, từ 1997 đến tháng 1/2002, công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam.

Từ 2002 đến nay, TS Kiều Minh Lực  làm việc tại Công ty CP ở Khu Công nghiệp Biên Hoà.

- TS Kiều Minh Lực: Xin mời anh ra xe, ta xuống Siêu thị Cora ngồi uống nước và nói chuyện...

(Phóng viên VietNamNet cùng TS Kiều Minh Lực ra khỏi Công ty CP để đến Siêu thị Cora - nay mang thương hiệu là Big C - ở Ngã Ba Vũng Tàu để uống nước và trao đổi)

Chiếc xe hơi này là của anh mua?

- Không! Chiếc xe này là do Công ty trang bị cho tôi để làm phương tiện đi lại. Chủ quyền xe vẫn thuộc về Công ty.

Một chút tò mò: Vì sao anh chuyển sang làm việc ở công ty nước ngoài, do điều kiện lương bổng cao?

TS Kiều Minh Lực (Ảnh: Bích Vân)

- Khi học tiến sĩ ở Nhật, tôi được học bổng 1.500 USD/tháng. Số tiền này ở Nhật cũng đủ cho tôi sống và tập trung vào làm việc. Khi về nước, tôi nộp đơn xin vào làm việc ở Viện KHKTNN Miền Nam. Lúc đó, tôi có trao đổi với GS TS Phạm Văn Biên, viện trưởng: ”Tôi chấp nhận lương thấp. Nhưng tôi chỉ có một ước muốn là được nghiên cứu khoa học...”. Quả thật, ngay tháng lương đầu tiên, tôi được lãnh 800.000 đồng. Nhưng không lãnh một lúc, mà chia ra lãnh hai lần, mỗi lần 400.000 đồng. Lãnh lương ra, thấy tủi thân kinh khủng...

Vì vậy mà anh buộc phải chuyển sang làm việc cho công ty nước ngoài?

- Ồ, không! Lĩnh vực chuyên môn của tôi là nghiên cứu di truyền giống. Lĩnh vực này chủ yếu là đánh giá về di truyền, chọn lọc nhằm tạo ra giống tốt. Thế nhưng nói thật là điều kiện nghiên cứu ở ta chưa tốt. Cơ sở và điều kiện để nghiên cứu như trang trại và vật nuôi có, nhưng việc tiếp cận giữa nhà khoa học và nhà sản xuất, chăn nuôi lại rất khó. Nhà sản xuất chưa tin vào nhà khoa học. còn công việc nghiên cứu khoa học không thể một ngày, một bữa mà cho ra kết quả ngay để mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất được. Tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà sản xuất nhưng họ thiếu nhiệt tình. Đây không phải là lỗi của Viện hay ông viện trưởng mà là do sự gắn kết giữa nhà sản xuất với nhà khoa học là chưa có. Riết rồi, tôi đâm nản...

Chuyển sang công ty nước ngoài, điều kiện làm việc của anh có khá hơn không?

- Nguyện vọng lớn nhất của tôi là tạo ra được nhiều giống vật nuôi năng suất cao. Ở Công ty CP, tôi được giao nghiên cứu cải thiện di truyền đàn heo giống cụ kị (GGP) để sản xuất ra heo giống ông bà và giống thương phẩm. Thế là tôi đã có vật nuôi cụ thể để nghiên cứu, chọn lọc cải tiến di truyền trên đàn heo, một công việc hết sức thú vị đối với tôi. Tôi coi những con heo của Công ty như chính của mình vậy. Hiện đã có những tín hiệu đáng mừng về con giống của Công ty CP. Con giống ngày càng tốt hơn và được khách hàng ưa chuộng hơn.

Điều kiện làm việc ở CP có nhiều áp lực căng thẳng?

- Chủ yếu, họ đánh giá hiệu quả công việc chứ không tạo áp lực cho nhân viên.

Tiền lương của anh có khá hơn trước kia không?

- (Cười...)

Gấp mười lần so với trước đây?

- Tiền lương của tôi chỉ đủ sống để nuôi mình, vợ và ba đứa con. Cháu lớn nhất đang học lớp 10, cháu kế học lớp 6, còn cháu út đang học lớp 2. Còn vợ tôi phải ở nhà chăm sóc con và lo việc nội trợ trong gia đình....

TS Đặng Thị Hạnh: “Tôi đã quá mệt mỏi với cơ chế nhà nước”

● Tại Công ty Bayer (TP.HCM):

Từ một cán bộ của Viện KHKTNN Miền Nam nay chuyển hẳn sang làm việc cho Công ty Bayer (Đức), chị có hài lòng với công việc hiện nay?

TS Đặng Thị Hạnh (1961) tốt nghiệp tại Đại học Tổng hợp Leipzig, CHDC Đức vào năm 1990. Về nước, TS Đặng Thị Hạnh công tác tại Viện KHKTNN  Miền Nam từ 1992 đến tháng 6/2002. Từ đó đến nay, chị làm việc tại Công ty Bayer (Đức).

- TS Đặng Thị Hạnh: Ở công ty mà tôi đang làm hiện nay, điều kiện làm việc rất tốt. Tài liệu chuyên môn (sách, tạp chí) đầy đủ. Mỗi người một máy tính nối mạng Internet với cổng truyền riêng, tốc độ truyền rất nhanh, thuận tiên cho việc tìm kiêm thông tin mới. Nói chung, tôi đã học hỏi được nhiều thứ và cập nhật được lượng kiến thức rất lớn kể từ khi sang công ty này.

Không khí làm việc thế nào, có thoải mái không?

- Ở bộ phận của tôi, mọi người có thể thẳng thắn góp ý với sếp. Ngoài ra, công ty còn có thùng thư để mọi người có thể góp ý (không cần ký tên) về điều kiện làm việc nếu cảm thấy có gì chưa tốt. Một lần cần thu thập ý kiến góp ý nhưng chẳng có gì trong thùng thư, sếp (người nước ngoài) la: ”Bộ tất cả mọi người đều đã thỏa mãn với điều kiện làm việc ở đây hết rồi sao?”!

Thường, chị làm việc mấy giờ trong ngày?

- Chúng tôi làm việc theo giờ hành chính. Tuy nhiên, có những lúc việc làm chưa xong thì cũng phải ở lại làm cho xong. Có cái hay là điều kiện làm việc và quản lý công việc ở đây rất tốt, khiến cho mọi người đều tập trung làm hết việc ở công ty. Không có chuyện “vừa làm, vừa chơi” được. Về nhà, chỉ có nghỉ ngơi...

Chị có được công ty cho đào tạo thường xuyên không?

TS Đặng Thị Hạnh (Ảnh: Bích Vân)

- Công ty rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, tạo mọi điều kiện cho nhân viên học các khóa bồi dưỡng ngoài giờ. Có nhu cầu học thêm gì để phục vụ công việc, chúng tôi có thể tự tìm nơi học hoặc báo với Phòng Nhân sự để họ tìm giúp. Mọi khoản học phí do Công ty trả. Nếu không có điều kiện đi lại để học, Công ty có thể cho xe đưa đón. Họ chỉ không cho chúng tôi thời gian, nghĩa là chỉ được học ngoài giờ làm việc mà thôi!

Cuối năm, công ty của chị có thực hiện bình bầu ABC như ở các cơ quan nhà nước của ta?

- Họ cũng có đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người, nhưng cách làm hơi khác. Người quản lý bộ phận sẽ gặp riêng từng nhân viên để trao đổi về kết quả làm việc của người đó. Nếu không đồng ý với nhận xét của sếp, nhân viên có thể trình bày thẳng thắn ý kiến của mình để sếp hiểu được những khó khăn của nhân viên. Đồng thời, cũng qua trao đổi giữa hai người (quản lý và nhân viên) để có thể tìm ra giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong công việc, nhằm làm cho công việc được tốt hơn.

Một câu hỏi tế nhị: So với trước đây khi làm việc ở cơ quan nhà nước, thu nhập của chị hiện nay thế nào?

- Khi còn làm việc ở cơ quan nhà nước, thu nhập “phần cứng” của tôi là khoảng hơn một triệu đồng. Còn thu nhập hiện nay thì tôi không thể tiết lộ, vì đó là nguyên tắc của Công ty. Nói chung, lương của hai vợ chồng (chồng tôi là giảng viên đại học) bảo đảm gia đình có cuộc sống ổn định, không phải phân tâm, phân sức để tìm nguồn tăng thêm thu nhập.

Công việc cụ thể của chị ở Công ty Bayer?

- Tôi làm ở bộ phân kỹ thuật. Thật ra thì nó cũng không thật đúng với chuyên môn sâu của tôi. Nhưng điều quan trọng mà Công ty cần là chúng tôi phải biết được người chăn nuôi đang gặp khó khăn gì, họ cần gì và tìm ra được các giải pháp giúp người chăn nuôi tăng hiệu quả, đồng thời có lợi cho Công ty. Ngoài ra, do điều kiện làm viêc rất tốt nên nếu ai ham học hỏi thì có thể cập nhật kiến thức chuyên môn rất nhanh.

Chị có thể cho biết lý do chị chuyển nơi làm việc?

- Thực tế, tôi ra đi không phải vì quá khó khăn về mặt tài chính và cũng không có vấn đề gì với Viện. Lý do chính là, sau 11 năm làm cán bộ nghiên cứu, tôi thấy hầu như không đóng góp được gì cho khoa học và sản xuất. Tôi quyết định đi nơi khác để tạo diều kiện cho những cán bộ nghiên cứu trẻ hơn có điều kiện phấn đấu. Ngoài ra, thú thực tôi cũng cảm thấy quá mệt mỏi trong việc "chạy" đề tài cũng như quá trình thực hiện để đạt được kết quả tốt và lo đủ thủ tục thanh quyết toán các đề tài...

  • Bích Vân (thực hiện)
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Hồ sơ UFO (vật thể bay lạ) càng thêm dày (14/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những... cái đáng ngờ (11/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang