Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới
18:56' 19/05/2004 (GMT+7)

Hôm nay 19/5, Ngân hàng tế bào gốc phôi thai đầu tiên trên thế giới sẽ chính thức được khai trương tại Hertfordshire (Anh). Ngân hàng này chứa hai dòng tế bào gốc được các nhóm thuộc ĐH London và Trung tâm sự sống ở Newcastle phát triển.

Ích lợi

Tế bào gốc trong đĩa cấy.

Tế bào gốc là tế bào chủ của cơ thể, có tiềm năng trở thành nhiều loại mô khác nhau. Việc lưu giữ tế bào gốc mở ra những phương pháp mới để sửa chữa và thay thế các mô bị bệnh hoặc tổn thương trong cơ thể.

Ngân hàng tế bào gốc tại Anh do Hội đồng Nghiên cứu Y học (MRC), cùng Hội đồng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Khoa học Sinh học (BBSRC) tài trợ. Thuộc sự quản lý của Viện Kiểm soát và Tiêu chuẩn Sinh học quốc gia (NIBSC), Ngân hàng sẽ có vai trò lưu giữ, mô tả đặc điểm và cung cấp các dòng tế bào gốc được kiểm soát về chất lượng cũng như được ủng hộ về mặt đạo đức cho nghiên cứu, và cuối cùng là cho điều trị.

Các dòng tế bào trên được lấy từ tế bào gốc vốn tiếp tục sinh sôi vô hạn định. Ngân hàng sẽ lưu giữ những dòng tế bào gốc ban đầu được lấy từ mô của phôi thai, bào thai và mô trưởng thành. Đơn xin lưu giữ các dòng tế bào gốc tại Ngân hàng, hoặc tiếp cận với các dòng tế bào gốc đang được lưu giữ phải được một Uỷ ban Giám sát cấp cao xem xét và phê chuẩn.

Bộ trưởng Y tế Anh Warner cho biết: ''Đây là ngân hàng đầu tiên thuộc loại này trên thế giới, qua đó khẳng định vị thế của Anh là nước đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc. Nghiên cứu tế bào gốc có thể mang lại lợi ích cho hàng nghìn bệnh nhân có cuộc sống bị tàn lụi bởi các căn bệnh như Parkinson, đột quỵ và Alzheimer''.

GS Colin Blakemore, giám đốc điều hành MRC, cho biết việc nghiên cứu tế bào gốc hứa hẹn khả năng điều trị các căn bệnh vô phương cứu chữa hiện nay. Ngân hàng tế bào gốc sẽ đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu có thể khám phá tiềm năng to lớn của lĩnh vực khoa học này, nhằm mang lại lợi ích cho bệnh nhân trong tương lai. Trong khi đó, GS Julia Goodfellow, giám đốc điều hành BBSRC, cho biết: ''Liệu pháp tế bào gốc sẽ vẫn là một giấc mơ nếu chúng ta không thể hiểu và kiểm soát các tiến trình kích thích tế bào gốc biến thành những loại tế bào chuyên biệt - như tế bào não hoặc tuyến tuỵ. Ngân hàng sẽ giúp chúng ta đạt được điều đó bằng cách cung cấp tế bào được phân lập và mô tả chi tiết phục vụ nghiên cứu''.

Và... phản đối

Mặc dù vậy, các nhóm chống nạo thai đã phản đối việc thành lập Ngân hàng tế bào gốc này, cho rằng trích tế bào gốc từ phôi người là vô đạo đức!

TS Helen Watt, thuộc Trung tâm Tư vấn Đạo đức Sinh học Linacre, đã buộc tội: Việc nghiên cứu tế bào gốc là vi phạm quyền con người và quyền của phôi thai, còn những nghiên cứu như vậy đang nỗ lực "biến phôi người thành dược phẩm".

Những người phản đối cho rằng sử dụng tế bào gốc từ phôi người hoàn toàn là phi đạo đức và không cần thiết. Ngay cả những người ủng hộ cũng thừa nhận rằng cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hiểu chính xác cơ chế hoạt động của tế bào gốc và tiềm năng của chúng có thể được khai thác như thế nào để điều trị những chứng bệnh như tiểu đường, ung thư, Parkinson và Alzheimer.

Lịch sử nghiên cứu tế bào gốc

Vào giữa những năm 1800, các nhà khoa học bắt đầu nhận ra rằng tế bào là những khối kiến tạo cơ bản của sự sống và tế bào dẫn tới việc hình thành các tế bào khác. Vào đầu những năm 1900, giới khoa học châu Âu nhận ra rằng mọi tế bào máu bắt nguồn từ một ''tế bào gốc'' đặc thù. Mặc dù ''cấy ghép tuỷ xương'' - thực tế là liệu pháp cấy ghép tế bào gốc - hiện được tiến hành để trị nhiều bệnh và tế bào thần kinh của bào thai đã được cấy thử nghiệm vào não người mắc bệnh Parkinson trong mười năm qua song mãi cho tới rất gần đây, các nguồn tế bào có thể được sử dụng để tái tạo các cơ quan khác mới sẵn có.

Cách đây 20 năm, các nhà khoa học đã phát hiện ra cách trích tế bào gốc từ phôi chuột. Sau nhiều năm nghiên cứu chi tiết sinh học của tế bào gốc phôi chuột, vào năm 1998, các chuyên gia thuộc ĐH Wisconsin (Mỹ), do James Thomson đứng đầu, đã phân lập và nuôi tế bào gốc từ phôi người. Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Johns Hopskins do John Gearhart làm trưởng nhóm cũng đã phân lập tế bào mầm (tế bào sinh dục) của người. Năm 1999 và 2000, các nhà khoa học phát hiện rằng việc điều khiển các mô của chuột trưởng thành có thể khiến chúng cung cấp những loại tế bào nhất định. Chẳng hạn, một số tế bào tuỷ xương có thể được biến thành tế bào thần kinh hoặc gan. Tế bào gốc trong não dường như có khả năng hình thành nên các loại tế bào khác.

Các loại và chức năng tế bào gốc

Tế bào gốc thường là những tế bào ở giai đoạn rất sớm có khả năng phân chia để tạo ra nhiều tế bào gốc hơn, hoặc trong những điều kiện thích hợp có thể biến thành các loại tế bào chuyên biệt khác chẳng hạn như tế bào thần kinh, cơ, da, gan, v.v...

Tất cả động vật, bao gồm cả con người, có xuất phát điểm từ một tế bào được hình thành khi tinh trùng kết hợp với trứng. Một tế bào đó chứa mọi ADN của động vật và có khả năng phát triển thành một sinh vật hoàn chỉnh. Với sự phân bào không ngừng, các tế bào vẫn chứa mọi ADN song chúng trở nên chuyên biệt hơn và hạn chế hơn về khả năng phát triển thành mọi loại cơ quan và mô. Tuy nhiên, một số tế bào giữ được khả năng tái tạo mô nếu nó bị tổn thương hoặc suy yếu. Chẳng hạn, khi một người mất hoặc cho máu, tế bào gốc sẽ bù lại nguồn đã mất. Nếu da bị tổn thương, tế bào da tái tạo tế bào da mới. Gan cũng chứa tế bào gốc cho nó tái tạo một số vùng bị tổn thương. Gần đây, giới khoa học phát hiện tuỷ xương chứa tế bào gốc có khả năng hình thành tế bào gan.

Trong điều kiện bình thường, mọi cơ quan và mô không thể tái tạo. Não, dây thần kinh, cơ tim và mô tuyến tuỵ được cho là không có khả năng tái tạo. Tuy nhiên, gần đây, các nhà khoa học phát hiện tế bào gốc từ nhiều vùng não có thể tạo ra tế bào thần kinh mới trong môi trường thích hợp. Thủ tục thường được gọi là ''cấy ghép tuỷ xương'' thực chất là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù vẫn còn gây tranh cãi trong điều trị ung thư vú song nó được chấp nhận như liệu pháp ở nhiều bệnh liên quan tới máu, như máu trắng và thiếu máu aplastic.

Tế bào gốc hiện được phân lập theo ba cách. Có thể lấy chúng từ mô trong bào thai bị sẩy, phôi thai còn thừa trong các chương trình thụ tinh ống nghiệm và một số mô trưởng thành trong cơ thể sinh vật sống. Mỗi nguồn dường như có những lợi thế và hạn chế riêng. Có thể tránh được hiện tượng đào thải nếu lấy tế bào gốc từ mô trưởng thành của một người mắc một chứng bệnh nào đó rồi nuôi chúng để tái tạo cơ quan hoặc mô. Đương nhiên, nếu đó là bệnh di truyền, cơ quan và mô được tái tạo cũng sẽ mắc chính bệnh đó. Hạn chế của việc phân lập tế bào gốc trưởng thành là dường như chúng không có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau như tế bào gốc phôi thai và không thể phân chia trong một thời gian dài. Vai trò chính của tế bào gốc trưởng thành trong một sinh vật sống là duy trì và sửa chữa mô mà trong đó chúng được tìm thấy.

Mặc khác, tế bào gốc lấy từ phôi và bào thai được nuôi qua nhiều thế hệ (một năm hoặc lâu hơn) và có lẽ là chúng có thể được nhân lên vô hạn định. Chúng có khả năng biến thành nhiều loại tế bào khác nhau. Một bất lợi là trong quá trình nuôi ở phòng thí nghiệm, tế bào gốc phát triển ngẫu nhiên thành những mô chuyên biệt mà giới khoa học không mong muốn hoặc không cần tới. Tế bào gốc bào thai được lấy từ mô bào thai của những phụ nữ nạo thai và họ đã đồng ý để các chuyên gia sử dụng mô đó. Một phụ nữ nạo thai hoặc bán mô được coi là vô đạo đức. Sử dụng mô bào thai là hợp pháp ở Mỹ và có một số ngân hàng lưu giữ mẫu mô. Tế bào gốc được lấy từ bào thai không có khả năng phát triển thành người.

Một số nhà đạo đức học tin rằng không nên tạo ra hoặc phá huỷ phôi người vì mục đích thí nghiệm y học. Tuy nhiên, phần lớn tế bào gốc hiện được sử dụng có nguồn gốc từ phôi thừa trong quá trình thụ tinh ống nghiệm (IVF). Thường thì nhiều phôi hơn được hình thành so với số phôi được cấy vào tử cung của phụ nữ muốn có con. Với sự đồng ý của cặp vợ chồng sử dụng IVF, phôi thừa thường được đông lạnh và cuối cùng bị huỷ. Trích tế bào gốc từ phôi thai cũng sẽ phá huỷ phôi thai đó. Mặc dù các tế bào góc vẫn có khả năng hình thành nhiều loại mô khác nhau song không thể hình một một con người. Phần lớn sự phản đối liên quan tới việc sử dụng tế bào gốc từ phôi và bào thai.

Uỷ ban châu Âu về đạo đức trong khoa học và các ngành công nghệ mới - một uỷ ban tư vấn của EU - đã để cho mỗi quốc gia thành viên quyết định về vấn đề nghiên cứu tế bào gốc. Đức có lệnh cấm nghiêm ngặt đối với nghiên cứu phôi thai. Có lẽ Anh có luật nghiên cứu phôi người tự do nhất. Một đạo luật được thông qua vào những năm 1990 không chỉ cho phép nghiên cứu phôi thừa mà còn cho phép tạo ra phôi thai để nghiên cứu trong năm lĩnh vực.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Điều trị suy tim thành công bằng tế bào gốc
Răng sữa - nguồn tế bào gốc của tương lai
Màng ối - nguồn tế bào gốc tương lai
Tế bào gốc phát triển thành tuyến tuỵ ở chuột
Dụ tế bào gốc phát triển thành tinh bào
Nhân thành công tế bào gốc phôi chuột
Sinh ''con thiết kế'' để lấy tế bào gốc
Tế bào gốc: Hy vọng cho bệnh nhân tim mạch
Phục hồi thành công thị lực bằng tế bào gốc
Anh nuôi thành công tế bào gốc
Phát hiện phân tử chủ của tế bào gốc phôi thai
Biển đổi tế bào gốc bằng vitamin C
Lần đầu tiên điều trị ung thư máu thành công tại bằng cách ghép tế bào gốc máu ngoại vi
Trích thành công tế bào gốc từ phôi đông lạnh
Phục hồi mô tim tổn thương bằng tế bào gốc
CÁC TIN KHÁC:
Hồ sơ UFO (vật thể bay lạ) càng thêm dày (14/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những... cái đáng ngờ (11/05/2004)
Lời kêu gọi Paris: Loài người bị đe doạ nghiêm trọng! (09/05/2004)
Báo động: Thế giới chỉ còn 12 con tê giác trắng! (08/05/2004)
Tại sao nhiều người Anh phản đối... lò đốt rác? (07/05/2004)
Đại dương = "thùng rác lớn"! (07/05/2004)
Kền kền rơi hàng loạt vì... thuốc thú y (05/05/2004)
Nhạy cảm san hô: Lời kêu cứu từ biển (05/05/2004)
Koala Úc may hơn... hải cẩu Canada (04/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang