Chính phủ Anh đã từng hoạch định xây dựng 50 lò đốt rác thải song mới chỉ triển khai được một nhóm nhỏ do nhiều chính quyền địa phương bị người dân phản đối, cho rằng chúng gây hại cho sức khoẻ con người.
Chính phủ chỉ khuyến khích...
|
Bãi chôn rác ở Anh. |
Hôm nay 7/5, Bộ trưởng Môi trường Anh Elliot Morley đã khuyến khích các địa phương đẩy mạnh xây dựng các lò đốt, đặc biệt nếu chúng đốt chất thải để cung cấp điện và sưởi ấm. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi một đánh giá khoa học được công bố vào hôm 6/5 cho thấy các lò đốt rác hiện đại là an toàn. Báo cáo mang tên Xem xét tác động môi trường và sức khoẻ của việc quản lý rác thải: Chất thải rắn đô thị và các chất thải tương tự, do Viện Sức khoẻ Môi trường và Công cộng cùng ĐH Birmingham chuẩn bị cho Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Anh. Theo báo cáo này, việc đốt chất thải không gây hại hơn so với vùi nó tại các bãi chôn lấp.
Báo cáo cho thấy đốt chất thải rắn đô thị chiếm chưa tới 1% lượng dioxin thải ra tại Anh trong khi các nguồn gia đình, như đun nấu và đốt than để sưởi ấm, chiếm tới 18%. Nghiên cứu cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa tỷ lệ ung thư, các bệnh hô hấp, dị tật bẩm sinh và thế hệ lò đốt rác hiện tại. Cũng không có bằng chứng thuyết phục rằng khí thải từ các bãi chôn lấp hiện đại gây hại cho sức khoẻ con người.
Ông Morley nói: ''Chúng tôi không chỉ đạo các chính quyền địa phương nên làm gì mà chỉ cung cấp mọi thông tin để họ có thể lựa chọn. Nếu các lò đốt rác được kết hợp với khai thác năng lượng, nó là một sự lựa chọn tốt hơn nhiều so với chôn lấp".
|
EU khuyến khích giảm tỷ lệ rác, tái sử dụng và tái chế rác. Trong ảnh: Hoạt động tái chế rác ở Anh. |
EU đang gây sức ép buộc Anh phải giảm lượng rác thải được chôn lấp và tăng tỷ lệ tái chế. Tỷ lệ tái chế rác sinh hoạt đạt mức 14% năm ngoài, 17% năm nay và 25% vào năm 2005 mặc dù nhiều người tin rằng nếu... gặp may, chính phủ sẽ đạt được mục tiêu trên. Trong khi đó, tổng lượng rác thải do các hộ gia đình thải ra tiếp tục tăng (1,1% vào năm 2003), làm cho Anh ngày càng khó giảm tổng lượng rác được chôn lấp theo yêu cầu của EU nếu không xây dựng nhiều lò đốt.
EU coi việc giảm, tái sử dụng và tái chế rác thải là chiến lược hàng đầu của quản lý rác; còn chôn lấp và đốt là những biện pháp ít được ưa thích nhất.
Các nhà hoạt động môi trường nói gì?
Theo nhóm "Những người bạn của Trái đất", việc đốt rác sẽ phá huỷ tài nguyên thiên nhiên, phá hoại nỗ lực tái chế, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người do phát thải khí và tro bụi độc hại.
Tái chế là sự lựa chọn tốt nhất về mặt kinh tế và môi trường. Ngoài ra, nó có thể tạo ra nhiều việc làm hơn so với chiến lược đốt và chôn lấp rác. |
Bình luận về báo cáo trên, Anna Watson thuộc nhóm "Những người bạn của Trái đất", cho biết: ''Bản báo cáo này chỉ làm gia tăng chút ít lòng tin của công chúng vào chiến lược xử lý rác thải của chính phủ; song không xem xét đầy đủ những lợi ích môi trường của việc tái chế rác hoặc tác động môi trường toàn cầu của cách chúng ta quản lý rác thải. Chúng ta không được sử dụng báo cáo này để bật đèn xanh cho việc xây dựng thêm các lò đốt rác''.
Anna nói tiếp: ''Anh chắc chắn sẽ không đáp ứng được các mục tiêu tái chế 25% rác thải sinh hoạt vào năm 2005. Các bộ trưởng phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tái chế rác. Nhà nước nên đánh thuế việc đốt rác để ngăn cản các chính quyền địa phương đốt các loại vật liệu quý có thể tái chế được''.
Clare Wilton, cũng thuộc nhóm "Những người bạn Trái đất", cho rằng có quá ít rác được tái chế, và rõ ràng chính phủ Anh chưa làm đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải.
Hiện nay, Anh xếp vị trí gần cuối về tái chế rác sinh hoạt ở châu Âu. Áo tái chế 64% trong khi Bỉ tái chế 52%. Bao gói thực phẩm và đồ uống chiếm đa phần rác sinh hoạt. Anh chỉ tái chế 42% lon đồ uống bằng thép vào năm 2002, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 60% của châu Âu. Bỉ tái chế 93% lon đồ uống, Đức 79% và Hà Lan 78%.
Tác hại của lò đốt?
Báo cáo của Bộ Môi trường không xem xét các tác động của việc tái chế rác đối với môi trường trong ba lĩnh vực:
Thay đổi khí hậu: Báo cáo đánh giá thấp lợi ích của việc tăng tái chế rác đối với khí hậu. Các quy trình tái chế không được phân tích trong bản báo cáo, do vậy không có sự so sánh nào giữa tái chế với chôn lấp hoặc thiêu đốt. Các nghiên cứu khác cho thấy tái chế tạo ra ít khí thải nhà kính hơn.
Tránh sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Báo cáo không xem xét lợi ích của việc tránh sử dụng tài nguyên thiên nhiên do tái chế rác mang lại. Cứ một tấn sản phẩm chúng ta mua, cần có mười tấn vật liệu để sản xuất chúng.
|
Ống khói và lò đốt rác liên quan tới ô nhiễm không khí. |
Tác động môi trường toàn cầu: Báo cáo chỉ đánh giá các tác động cục bộ gần những cơ sở xử lý chất thải. Sự phụ thuộc của Anh vào chôn lấp và đốt chất thải cũng có tác động toàn cầu như không góp phần làm hạn chế việc khai thác kim loại gây thiệt hại lớn tại các nước đang phát triển, do đó cũng phá huỷ đa dạng sinh học và sử dụng nhiều năng lượng, cùng tài nguyên nước. Việc tái chế nhiều kim loại hơn sẽ giảm được những tác động trên.
Báo cáo trên được Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Anh xem xét lại hai lần và bị chỉ trích gay gắt do không có đủ dữ liệu. Trong lần xem xét thứ hai, Viện Hàn lâm cho biết: ''Điều quan trọng là mọi người sử dụng dữ liệu từ báo cáo nên cân nhắc đầy đủ tới tính... không chắc chắn vốn có của nó''! Bộ trưởng Morley thừa nhận sự chỉ trích của Viện Hàn lâm Khoa học rằng báo cáo chưa đánh giá đầy đủ tác động tới sức khoẻ, và cho biết chính phủ Anh đã yêu cầu... tiếp tục nghiên cứu!
Dù sao, theo báo cáo, việc đốt rác sẽ thải ra nitơ oxít, hydro clo, dioxin và furan nhiều hơn so với các phương pháp xử lý rác khác. Đó cũng là nguồn gốc của các loại hạt độc hại. Thuỷ ngân bay ra từ các lò đốt chiếm 20% tổng lượng thuỷ ngân trong môi trường địa phương. Đốt chất thải và chôn lấp là những phương pháp quản lý rác có tiềm năng lớn nhất gây hại cho môi trường (đất, nước và chất lượng không khí).
Tóm lại, theo "Những người bạn của Trái đất", việc đốt rác phá huỷ tài nguyên thiên nhiên, phá hoại nỗ lực tái chế, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người do phát thải khí và tro bụi độc hại.
Tái chế là sự lựa chọn tốt nhất về mặt kinh tế và môi trường. Ngoài ra, nó có thể tạo ra nhiều việc làm hơn so với chiến lược đốt và chôn lấp.
|