Kền kền rơi hàng loạt vì... thuốc thú y
21:19' 05/05/2004 (GMT+7)

Hiện tượng kền kền chết hàng loạt trên toàn tiểu lục địa Ấn Độ có liên quan với việc sử dụng diclofenac phổ biến trong chữa trị gia súc ốm tại khu vực này. Thêm một bài học về sinh thái mà con người trên hành tinh này có vẻ mãi vẫn chưa học hết...

Khi Lindsay Oaks đến Pakistan bốn năm về trước, xứ sở này nhiều kền kền đến mức ông phát chán lên vì thường xuyên phải nhìn thấy chúng. Giờ đây, lũ chim ăn thịt này gần như đã hoàn toàn vắng bóng. Dự báo trong vài năm tới, chúng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Trong cuộc nghiên cứu giúp làm sáng tỏ một bí ẩn kéo dài cả thập kỷ nay, Oaks - nhà vi sinh học thú y thuộc ĐH Bang Washington tại Pullman (Mỹ) - đã cùng với cộng sự tìm ra nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chết hàng loạt của kền kền. Đấy chính là việc sử dụng diclofenac trên phạm vi rộng - một loại thuốc chống bỏng phi steroid rất phổ biến trong chữa trị gia súc ốm trên toàn tiểu lục địa Ấn Độ.

Khi vắng bóng những công nhân vệ sinh của thiên nhiên...

Kền kền lưng trắng phương Đông.

Một thời bay rợp bầu trời Ấn Độ, kền kền đã từng thực hiện rất thành công vai trò của những công nhân thu dọn xác chết trên phạm vi toàn tiểu lục địa này. Khi có một con vật nào đó bị chết, các nhà sưu tập da sống lột lấy bộ da và để phần còn lại cho lũ chim giải quyết. Nhưng trong suốt thập kỷ qua, dân số của loài kền kền lưng trắng phương Đông (Gyps bengalensis), kền kền mỏ dài (Gyps indicus) và kền kền mỏ thon (Gyps tenuirostris) tại Pakistan, Ấn Độ và Nepal đã giảm mất hơn 95%. Giờ đây, xác súc vật chết bị bỏ mặc cho thối rữa ngày này qua ngày khác, khiến cho khắp khu vực này nhiều khi dậy lên một mùi hôi thối kinh người.

Cộng sự Ramzi, người Pakistan, thu giữ một con kền kền đang ngắc ngoải...

Oaks nói: "Bất cứ lúc nào bạn có gia súc chết vì bệnh mà xác của chúng không được xử lý, rắc rối ngay lập tức nảy sinh. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, xác chết thối rữa khiến cho dân số của chó hoang tăng vọt, và kéo theo đó là số động vật bị dại cũng tăng theo. Bên cạnh đó, kền kền là một phần không thể thiếu của nghi lễ "không táng" của những người theo Bái Hỏa giáo - xác người được để mặc cho lũ chim ăn thịt giải quyết. Việc thiếu vắng lũ kền kền tại những nơi như Mumbai đang gây ra những rắc rối nghiêm trọng cho truyền thống cổ xưa này."

Cho đến nay, nguyên nhân khiến lũ kền kền đồng loạt "ra đi" vẫn là điều bí ẩn. Nhiều giả thuyết được nêu ra nhằm giải thích cho hiện tượng nói trên, từ một căn bệnh truyền nhiễm chưa xác định nào đó, cho đến việc tích lũy thuốc trừ sâu trong tế bào của kền kền. Dựa vào một cuộc nghiên cứu kéo dài trong suốt ba năm liền nhằm tìm ra nguyên nhân khiến ba đàn kền kền lưng trắng phương Đông sụt giảm dân số nhanh chóng, nhóm của Oaks kết luận: Lũ kền kền chết là do ăn phải xác chết gia súc mang trong mình quá nhiều dư lượng diclofenac.

Kền kền mỏ dài.

Theo cuộc nghiên cứu này, 85% trong số 259 con kền kền đem thử nghiệm đã bị chết vì bệnh gút phủ tạng - căn bệnh khiến cho chất acid uric sền sệt bao bọc lấy các cơ quan nội tạng. Đây là căn bệnh do hiện tượng suy thận gây ra. Ở chim khỏe mạnh, acid uric do thận tiết ra dưới dạng giọt màu trắng. Khi thận suy, acid uric tích luỹ trong dòng máu và kết tinh trên nội tạng, đặc biệt là trên tim, gan và thận. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm nhằm tìm hiểu xem hiện tượng suy thận ở kền kền chết là do bệnh lây nhiễm vì vi khuẩn, thuốc trừ sâu, thuốc độc, kim loại nặng hoặc suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, họ không hề tìm thấy bằng chứng nào khác ngoài mối liên hệ giữa suy thận và diclofenac.

Theo Ian Newton, nhà điểu học tại Trung tâm Sinh thái học và Thuỷ học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên (Cambridgeshire, Anh), cuộc nghiên cứu nói trên đã được thực hiện một cách cẩn trọng, nhờ đó tìm ra mối liên hệ giữa diclofenac và cái chết của lũ kền kền. Ông cho biết: "Trên khắp khu vực này, thời gian sụt giảm dân số của lũ kền kền trùng với thời kỳ sử dụng diclofenac. Trong khi đó, hiện tượng sụt giảm dân số kền kền hàng loạt không hề xuất hiện tại các vùng cấm sử dụng loại thuốc này cho người."

Nến cấm dùng diclofenac nơi gia súc, gia cầm

Hiện nay, Oaks và các cộng sự đang phối hợp với Quỹ Động vật hoang dã Thế giới Pakistan nhằm tìm ra nguyên nhân nào khiến cho diclofenac đột nhiên trở nên phổ biến đến thế trên tiểu lục địa Ấn Độ. Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể vì nông dân cho rằng đây là một loại thuốc giảm đau rẻ, hiệu quả và an toàn đối với động vật. Oaks nói: "Trên phương diện thú y, thực sự diclofenac là một loại thuốc tốt. Không ai lại nghĩ rằng nó có thể gây ra những tác động như thế đối với sinh thái. Giống như ibuprofen và aspirin, diclofenac có thể được dùng để trị các bệnh như chứng nhức chân. Mặc dù không thể chữa được chân, loại thuốc này có thể xóa đi cơn đau, giúp một con trâu bị bệnh trở lại chở hàng từ nông trại xuống đến thị trấn."

Giải phẫu tử thi kền kền trong phòng thí nghiệm để tìm nguyên nhân tử vong của "công nhân vệ sinh tự nhiên" này.

Tác động ngoài ý muốn này xảy ra khi gia súc chết gần như ngay sau khi sử dụng thuốc. Cơ thể của chúng chứa nhiều dư lượng thuốc tới mức đủ để gây ra bệnh gút nội tạng ở kền kền. Để ngăn cho kền kền khỏi bị tuyệt chủng, Oaks và cộng sự đang nỗ lực kêu gọi chính phủ các nước ngay lập tức cấm sử dụng diclofenac cho gia súc. Hiện nay, lệnh cấm sử dụng diclofenac cho gia súc đang được áp dụng ngày càng rộng rãi ở các nước nam Á. Tuy nhiên, cộng đồng nghiên cứu khủng hoảng kền kền đang lo ngại rằng nếu loại thuốc này vẫn được sử dụng ở châu Phi, Trung Đông hoặc châu Âu, nó có thể ảnh hưởng mạnh đến các loài có liên quan tại những khu vực này.

Để phổ biến phát hiện này đến cho các cấp chính quyền có liên quan, nhóm nghiên cứu sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế vào tháng tới ở Kathmandu, Nepal. Watson cho biết: "Tại giai đoạn này, chúng tôi vẫn chưa thể nói được gì về kết quả của hội nghị. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cung cấp cho chính phủ các nước tất cả mọi cơ hội nhằm giúp họ kịp thời phản ứng. Theo Watson, cần nhanh chóng ban hành lệnh cấm sử dụng diclofenac đối với gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, các nước nên áp dụng chương trình nuôi nhốt và cung cấp thực phẩm không bị nhiễm độc cho kền kền."

Khánh Hà (Theo National Geographic)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhạy cảm san hô: Lời kêu cứu từ biển (05/05/2004)
Koala Úc may hơn... hải cẩu Canada (04/05/2004)
Ô nhiễm cadmium: Báo động từ gạo hương lài Thái Lan (04/05/2004)
EU mới và sự... lộn xộn về chính sách hạt nhân (03/05/2004)
Truy kích HIV tận các "thánh địa"! (01/05/2004)
Phi công bay thử: nghề nguy hiểm (29/04/2004)
Dùng muỗi... "hạt nhân" tấn công bệnh sốt rét! (28/04/2004)
Nghiệm thu chất phụ gia PDP: Tranh cãi nảy lửa! (27/04/2004)
Anh: Thử nghiệm chứng minh thư sinh trắc học (26/04/2004)
Côn trùng và xác chết là tình yêu của tôi! (26/04/2004)
Thái Lan: Lắng nghe câu chuyện những dòng sông (20/04/2004)
Trung Quốc: Mười năm tới, hơn 10.000 máy bay siêu nhẹ! (19/04/2004)
Máy bay nhỏ Beaver ba chìm bảy nổi (18/04/2004)
VAM-1 và bài học... hàng không dân dụng (18/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang