Trung Quốc: Mười năm tới, hơn 10.000 máy bay siêu nhẹ!
18:25' 19/04/2004 (GMT+7)

Nhân chuyện "trắc trở" của máy bay nhỏ VAM-1 / Beaver ở Việt Nam, VietNamNet mời bạn đọc nhìn sang nước láng giềng: Theo một số nhà phân tích, trong mười năm tới, thị trường máy bay siêu nhẹ ở Trung Quốc sẽ cần hơn 10.000 chiếc. Mặc dù việc lái máy bay ở tầm thấp hiện bị hạn chế nghiêm ngặt, gây khó khăn lớn cho các chuyến bay tư nhân, song dường như Trung Quốc đang phát triển theo hướng cho phép nhiều công dân lái máy bay.

Khi chính sách thông thoáng...

Tian Weixin và chiếc Bee-3C của anh.

Khả năng mua máy bay của các cá nhân tăng lên khi đời sống của họ được cải thiện. Yang Yuan Yuan, giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết CAAC đã soạn thảo các quy định cho phép công dân mua máy bay để đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, CAAC còn sửa đổi chính sách liên quan tới việc kiểm tra và phê chuẩn các hoạt động hàng không phổ thông (GA). Các hoạt động GA ở Trung Quốc liên quan tới giám sát rừng, bảo vệ mỏ, cứu hộ, phun thuốc trừ sâu, gieo hạt, thể thao và huấn luyện. Mọi công dân có năng lực ở Trung Quốc có thể được phép thành lập một doanh nghiệp GA. Hiện các chuyến bay tư nhân cũng được xếp vào GA.

Ông Yang nhấn mạnh rằng đối với máy bay siêu nhẹ của tư nhân tham gia hoạt động GA, Trung Quốc yêu cầu an toàn là điều kiện tiên quyết đầu tiên để cho phép những máy bay đó bay trong một khu vực và độ cao xác định. Để đảm bảo an toàn của các chuyến bay tư nhân, người học lái máy bay sẽ phải trải qua một loạt cuộc thi sát hạch nghiêm ngặt mới được cấp bằng phi công. Mặc dù chi phí huấn luyện bay tương đối cao, khoảng 241 USD/giờ, song số người muốn học vẫn tăng. Hiện đã có 200 người lấy được bằng phi công kể từ khi CAAC bãi bỏ các hạn chế liên quan vào năm 1997 và số trường đào tạo đã tăng mạnh trên khắp đất nước.

Mơ ước được lái máy bay sở hữu riêng của nhiều người Trung Quốc sắp trở thành hiện thực khi Quy định Kiểm soát Bay GA có hiệu lực vào ngày 1/5/2004. Một quan chức của CAAC cho biết thủ tục xin và phê chuẩn bay cũng như thành lập doanh nghiệp GA sẽ đơn giản hơn. Một số ngân hàng cũng sẵn sàng cho các cá nhân vay tiền để mua máy bay siêu nhẹ. Số máy bay nhỏ gia tăng sẽ giúp giảm chi phí cho các sân bay mà hiện giờ chỉ có các hãng hàng không là khách hàng. Tỷ số toàn cầu giữa máy bay lớn và máy bay nhỏ là 1:9, ở Mỹ là 3:9 và ở Trung Quốc là 2:1. Thị trường tiềm năng ở Trung Quốc đang làm các nhà sản xuất máy bay ở Vũ Hán, Thạch Gia Trang và Thường Châu bận rộn thiết kế những kiểu máy bay mới cho người sử dụng tư nhân.

... Tư nhân ''thoải mái'' bay

Những thay đổi trên là hoàn toàn có thật khi CAAC bật đèn xanh cho phép một thương gia Thượng Hải tên là Li Linhai mua một chiếc trực thăng nhẹ Robinson R-44, bốn chỗ ngồi, với giá 482.000 USD ở Mỹ vào tháng 9 năm ngoái. Ông Li Linhai sẽ sử dụng nó trong các chuyến làm ăn cũng như thăm bạn bè hoặc người thân ở những thành phố khác. Li Linhai dự định lái chiếc trực thăng mới bay lượn trên sông Hoàng Phố. Ông đang biến mơ ước từ bao lâu nay thành hiện thực. Ông được tin là người đầu tiên ở Trung Quốc mua trực thăng để tự lái ngay tại đại lục.

Luo Xiaoping, một thương gia khác ở tỉnh Sơn Tây cũng đã đặt mua một chiếc máy bay siêu nhẹ tại Mỹ với giá 723.000-964.000 USD. Luo đang được đào tạo lái máy bay ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Robinson R44.

Tian Weixin, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình ở tỉnh Quảng Đông, đã mơ ước trở thành phi công từ khi còn nhỏ. Năm 1990, anh quyết định mua một chiếc taxi để kiếm thêm tiền mua máy bay. Tháng 11/2000, Tian Weixin đã tới Trung tâm Huấn luyện Bay thuộc ĐH Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh để học bay và đã được cấp bằng phi công. Tháng 9/2003, anh đã mua một chiếc máy bay siêu nhẹ hiệu Bee-3C với giá 17.500 USD, tầm bay 800km và tốc độ 130km/giờ. Tian cho biết anh sẽ sử dụng chiếc máy bay này để làm các công việc trong lĩnh vực hàng không phổ thông như chụp ảnh, khảo sát và giải trí. Anh dự định thiết lập một câu lạc bộ bay hoặc một doanh nghiệp GA.

Chi phí đào tạo phi công ở Trung Quốc khá cao và theo các nhà phân tích thì nó có thể ngăn cản nhiều người trở thành phi công. Công ty Đào tạo và Giáo dục Hàng không Đông Thượng Hải cho biết chi phí lấy bằng phi công ở vào khoảng 9.674 USD, bao gồm 80 giờ chỉ dẫn trên mặt đất và 40 giờ tập lái. Mỗi bằng lái chỉ áp dụng cho một loại máy bay. Phi công cần bay ít nhất mười giờ mỗi năm, nếu không bằng lái sẽ không còn hiệu lực. Tại sân bay Long Hoa ở Thượng Hải, căn cứ đào tạo lái máy bay, chi phí của mỗi giờ bay là 242 USD.

Thị trường máy bay nhẹ Trung Quốc

Sự khuyến khích của CAAC và nhu cầu sở hữu máy bay siêu nhẹ ngày càng tăng ở Trung Quốc đã thu hút các công ty tư nhân đầu tư vào ngành sản xuất máy bay.

Cách đây không lâu, máy bay nhẹ, đa dụng đầu tiên do Trung Quốc chế tạo mang tên Eaglet 500, đã được tung ra thị trường sau chuyến bay thử nghiệm thành công vào ngày 26/10/2003. Đây là loại máy bay được sử dụng cho mục đích thương mại (chở được bốn hành khách) và cá nhân. Eaglet 500 trị giá 240.000 USD và nhà chế tạo, Công ty Công nghiệp Máy bay Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc đã nhận được hơn 60 đơn đặt hàng.

Vào nửa cuối của năm 2003, chiếc máy bay nhẹ AC-500, năm chỗ ngồi, do ĐH Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh thiết kế, sẽ có mặt trên thị trường. Đây sẽ là một sự lựa chọn nữa cho những người yêu thích bay.

Máy bay trực thăng nhẹ, ba chỗ ngồi  S-300C, do Công ty Máy bay Thượng Hải Sikorsky - liên doanh giữa Công ty Khoa học, Công nghệ Thượng Hải và Công ty Máy bay Sikorsky của Mỹ, được bán với giá 280.000 USD trên thị trường Trung Quốc. Liên doanh này có thể sản xuất 48 chiếc trực thăng như vậy mỗi năm. Ngoài ra, công ty này còn sản xuất loại máy bay siêu nhẹ Bee-3C. Cai Yan, giám đốc tiếp thị của công ty này cho biết: ''Trở ngại lớn nhất đối với chúng tôi là rào cản về chính sách. Tiềm năng thị trường ở Trung Quốc là rất lớn song mở cửa thị trường hàng không dân dụng sẽ là một quá trình từng bước".

Thách thức

Theo ông Learmount thuộc Flight International, trong vài năm đầu, vận hành máy bay nhẹ ở Trung Quốc sẽ là một hoạt động tương đối rủi ro so với những nước đi trước trong lĩnh vực này. Nguyên nhân là Trung Quốc thiếu cơ sở hạ tầng cho máy bay nhẹ, chẳng hạn các phi trường phù hợp và thậm chí là các loại bản đồ cần cho máy bay nhẹ ở tầm tương đối thấp. Giáo sư Chin E Lin, chuyên gia hàng không thuộc ĐH Cheng Kun (Đài Loan) cho biết hiện ở Trung Quốc chưa có hệ thống kiểm soát không phận phù hợp.

  • Minh Sơn (Tổng hợp)
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Máy bay nhỏ Beaver ba chìm bảy nổi (18/04/2004)
VAM-1 và bài học... hàng không dân dụng (18/04/2004)
Người máy ASIMO gặp gỡ bạn bè Việt Nam (17/04/2004)
"Bàn tròn" cho phát triển bền vững, liệu đã đủ? (15/04/2004)
Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần tấm gương và cú hích! (14/04/2004)
Càng toàn cầu hóa, càng tăng sức ép môi trường (14/04/2004)
Tế bào chết đi như thế nào? (13/04/2004)
Đình chỉ sản xuất, nếu không di dời! (06/04/2004)
Rác thải máy tính: Nhập khẩu và xử lý... cái độc hại (06/04/2004)
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?! (04/04/2004)
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực (01/04/2004)
Màn bạc nhoà khói thuốc! (29/03/2004)
Chạy thử máy bay nhỏ: Thiết kế VAM-1 đạt yêu cầu (28/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang