(VietNamNet) - Quá trình toàn cầu hoá đã làm tăng thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, càng làm tăng sức ép tới môi trường. Người giàu gây sức ép tới môi trường do sử dụng vật chất thái quá và thói quen sống gây ô nhiễm môi trường. Người nghèo gây sức ép bằng cách khai thác tất cả những gì có thể để tồn tại. Phân tích của TS Nguyễn Hữu Ninh - Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường & Phát triển.
Toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu, song mang lại cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thế giới ngày càng có tính liên kết, liên tác động. Thế giới liên kết bởi các bệnh dịch, thương mại, chủ nghĩa khủng bố, du lịch, di cư, truyền thông, Internet, và cả... nạn ô nhiễm - trong đó có vấn đề khí nhà kính và sự biến đổi môi trường toàn cầu, v.v... Kết quả là sự liên kết về các vấn đề sức khoẻ, rủi ro môi trường.
|
Quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. |
Các điều kiện sinh thái cho ổn định môi trường toàn cầu đòi hỏi phải đảm bảo lượng phát thải khí CO2 không vượt quá khả năng cố định CO2. Lượng mặt đất bị bào mòn không vượt quá tầng đất mặt mới hình thành qua các quá trình tự nhiên. Khai thác gỗ, lâm sản không vượt quá khả năng tái sinh bền vững của rừng. Số loài cây, loài thú bị huỷ diệt không vượt quá số loài mới được hình thành qua tiến hoá. Việc khai thác nước ngầm không vượt quá khả năng khôi phục của các tầng nước ngầm. Đánh bắt cá không vượt quá sản lượng cá của các ngư trường.
|
Bất bình đẳng dẫn tới sử dụng tài nguyên bất hợp lý. |
Quá trình toàn cầu hoá đã làm tăng thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, càng làm tăng sức ép tới môi trường. Tăng bất bình đẳng giàu, nghèo (tỷ lệ tăng gấp đôi giữa 1/5 giàu nhất và 1/5 nghèo nhất). Tăng số lượng nghèo, với hai tỷ người sống dưới mức 1 USD/ngày. Nạn đói hoành hành không phải do thiếu lương thực, mà do người nghèo quá nghèo không đủ tiền mua đủ lương thực. Phần lớn người nghèo tập trung ở Nam Á và cận Sahara – châu Phi. Nghèo đói dẫn tới thiếu giáo dục và tăng mức nhiễm bệnh - các bệnh có thể phòng tránh được.
Sự khai thác của người giàu làm tăng sức ép lên người nghèo (ô nhiễm, chất thải, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường).
Người giàu gây sức ép tới môi trường do sử dụng vật chất thái quá và thói quen sống gây ô nhiễm môi trường.
Người nghèo gây sức ép bằng cách khai thác tất cả những gì có thể để tồn tại.
|
Các hiện tượng khí hậu cực đoan. |
Các vấn đề nổi cộm hiện nay là: Cung cấp thiếu nước sạch. Công tác thu gom, xử lý và đổ thải các loại rác sinh hoạt và công nghiệp còn kém. Chất lượng không khí suy giảm. Tại các nước đang phát triển, chỉ 30-50% lượng rác thải được giải quyết. Trong các nền kinh tế đang phát triển, tốc độ tăng lượng rác thải lớn hơn tốc độ tăng dân số. Tại Ấn Độ, chỉ 217/3119 thành phố có hệ thống cống thải; và sông Hằng là một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới do hứng chịu chất thải từ 115 thành phố. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1,2 tỷ người sống trong môi trường ô nhiễm quá tiêu chuẩn vệ sinh hiện hành; 2i tỷ người đang khát; hơn hai tỷ người vẫn thiếu nước sạch và điều kiện sử dụng nước vệ sinh.
Nghiên cứu cũng cho thấy biến đổi khí hậu chịu 20% trách nhiệm đối với việc thiếu nước sạch, trong khi sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế chịu trách nhiệm 80%.
Xu hướng phát triển công nghiệp đa ngành, đặc biệt là công nghiệp nặng, là phát sinh chất thải độc hại ngày càng tăng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ô nhiễm không khí và nước tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ tăng gấp năm - mười lần ở giai đoạn 1990-2005. Ô nhiễm đô thị và công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề các vùng nông nghiệp lân cận. Phân cấp giàu nghèo phát triển ở hầu hết các quốc gia, khu vực đang phát triển.
Bảo vệ sự đa dạng sinh học liên quan tới bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng mưa nhiệt đới. Khai thác gỗ là một trong những động lực lớn thúc đẩy sự tàn lụi của rừng nhiệt đới. Những dự án lớn như các đập thuỷ điện và các đường cao tốc cũng đang mở ra cho dân di cư những khu đất rừng trước kia không vào được. Hoạt động du canh, chặt cây đốt rừng làm nương là phương thức canh tác rất tai hại, nhưng với tình hình nghèo đói, dân số đông và sự chiếm hữu đất đai bất bình đẳng thì rất khó chấm dứt. Nhìn sâu xa hơn, tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất tới đời sống của động vật và thiên nhiên hoang dã trên thế giới.
Trong khi đó, các biện pháp giải quyết của cộng đồng quốc tế như kế hoạch hành động về rừng nhiệt đới, hiệp định quốc tế về gỗ xây dựng nhiệt đới, bản tuyên ngôn các nguyên tắc về rừng của Liên Hiệp Quốc... song tất cả đều thất bại! Cần có những nỗ lực mạnh mẽ để ngăn chặn phá rừng; cải thiện các biện pháp bảo vệ và bảo tồn rừng; hạn chế buôn bán các chủng loại gỗ cây, các loài động vật đang bị đe doạ; cải cách thể chế trong lĩnh vực rừng; xây dựng một hệ thống chính sách về sử dụng rừng áp dụng ở tất cả các nước nhằm bảo vệ phần rừng và các chủng loại động thực vật còn lại.
Biến đổi môi trường toàn cầu có liên hệ chặt chẽ với vấn đề sử dụng năng lượng, đặc biệt sử dụng nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, v.v...). Hoạt động sử dụng, dự trữ, thương mại đối với nhiên liệu hoá thạch liên hệ chặt chẽ với quá trình toàn cầu hoá. Trên một bình diện lớn, vấn đề năng lượng có ảnh hưởng tới chính trị, kinh tế xã hội. Giải quyết vấn đề năng lượng sẽ đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường, kinh tế - xã hội, dân số và đưa đất nước ổn định trong thời kỳ toàn cầu hoá.
Biến đổi khí hậu, môi trường là tác nhân làm gia tăng dịch bệnh. Các hiện tượng khí hậu cực đoan cũng làm biến đổi hoặc gia tăng các hình thức dịch bệnh đã được biết. Dịch bệnh SARS, cúm gia cầm có liên quan tới biến đổi môi trường. Sự thiếu quan tâm tới vệ sinh dịch tễ, trong đó có các vấn đề biến đổi môi trường, sẽ dẫn tới sự biến động xã hội. Những quốc gia nghèo, đang phát triển, có tính nhạy cảm rất cao đối với các tác động tới sức khoẻ, đặc biệt là dịch bệnh phát sinh từ biến đổi môi trường toàn cầu. Những nước này cũng thiếu các phương tiện kỹ thuật, kinh tế, nhân lực để đối phó với những tác động đó, gây nên sự biến động dài hạn trong xã hội.
Sự tăng nhiệt độ không khí và thay đổi lượng mưa có tác động tới các thành phần không khí, các tác động tiêu cực tới hệ hô hấp dẫn tới gia tăng các bệnh về phổi. Các bệnh truyền nhiễm qua đường nước gây ra bởi các dạng vi khuẩn, virus có trong nước uống và nước các khu giải trí. Các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm có liên hệ tới nhiễm bẩn nước, còn các bệnh truyền nhiễm tới con người qua các vector truyền bệnh (sâu bọ và các loài không xương) phụ thuộc vào sự tồn tại và hoạt động của các vector truyền nhiễm, bào tử bệnh và vật chủ, sự tiếp xúc của con người tới bào tử và vector truyền bệnh. Tất cả các yếu tố trên đều phụ thuộc vào môi trường, khí hậu và điều kiện xã hội.
Trong khi đó, vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong sức khoẻ toàn cầu: chỉ có dưới 10% chi phí nghiên cứu được dành cho nghiên cứu các loại bệnh. 42 triệu người nhiễm HIV/AIDS (95% tại các nước đang phát triển). Trên 20 triệu trẻ sơ sinh sẽ nhiễm bệnh trong mười năm tới, theo AIDS Epidemic Update (2003).
KHCN tập trung vào “các vấn đề nghiêm trọng nhất” được đưa ra bởi cấp địa phương trong quá trình phát triển. Tránh sự “suy đoán” từ cấp trên hoặc khối khoa học về các nhu cầu địa phương. Kết hợp kỷ luật, kiến thức của khối tư nhân và chính quyền trong các hoạt động KHCN. Tránh sự áp dụng máy móc và đánh giá thấp các kinh nghiệm thực tiễn. Kết hợp kinh nghiệm, ứng dụng từ quy mô nhỏ và lớn, địa phương và toàn cầu, và ngược lại. Tránh thiên vị kiến thức, kinh nghiệm của một cấp, một quy mô nhất định. Kết hợp quy hoạch, quan sát, ứng dụng trong quá trình ra quyết định. Tránh tính “địa phương hoá”. |
Liên Hiệp Quốc đã đưa ra ba kịch bản phát triển dân số đến năm 2050. Theo kịch bản 1, dân số thế giới vào năm 2050 là 7,9 tỷ người (tương đương có thêm ba "châu Phi mới"). Kịch bản 2: sẽ có 9,8 tỷ người. Kịch bản 3: sẽ có 11,9 tỷ người. Tuy vậy, dân số thế giới đạt mức nào là tuỳ thuộc vào sự cam kết của cộng đồng thế giới. Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICDP) đã đưa ra kế hoạch hành động 20 năm, và được các nước tán thành. Tuy vậy, sự phát triển dân số vẫn mạnh mẽ, chủ yếu tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Nếu thực hiện hiệu quả các mục tiêu về dân số, sức khoẻ, giáo dục và phát triển thì dân số Trái đất năm 2050 có thể thấp hơn mức 7,9 tỷ người (kịch bản 1).
Biến đổi môi trường toàn cầu cần được giải quyết tận gốc qua các giải pháp môi trường vi mô có liên quan tới các vấn đề về dân số, phát triển và kinh tế - xã hội. Trong đó, giáo dục môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các giải pháp môi trường cấp cơ sở. Tại Việt Nam, thực tế chất lượng giáo dục của ta chỉ đạt 3,79 điểm trên thang 10 (Thái Lan: 4,04; Philippines: 4,53; Trung Quốc: 5,37; Nhật Bản: 6,50; Hàn Quốc: 6,9)!
|
Nhiều vùng càng lũ lụt nặng hơn, nhiều vùng khác lại có hiện tượng sa mạc hóa... |
Ý tưởng về tính bền vững hiện chỉ nhằm mục đích kết nối con người trong các lĩnh vực hoà bình và dân chủ, nâng cao đời sống, cải thiện môi trường sinh thái, và quyền con người. Như vậy, câu hỏi đặt ra là có thể đạt được tính bền vững như thế nào? Sự hoà giải các mục đích phát triển xã hội và các sức ép môi trường trong khung thời gian dài đòi hỏi: đảm bảo (con người) đạt được nhu cầu cần thiết ngày nay mà không thoả hiệp nhu cầu trong tương lai; đảm bảo nhu cầu của con người và bảo tồn hệ thống duy trì sự sống của Trái đất và giảm đói nghèo.
Vậy loài người phát triển gì, duy trì gì bền vững? Trong khoảng thời gian nào? Làm như thế nào?...
Tất cả, đáng buồn thay, vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng!
TS Nguyễn Hữu Ninh |