Robot ASIMO tới Hà Nội vào trung tuần tháng 4
17:43' 05/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Theo lời mời của Công ty Honda Việt Nam, ASIMO - người máy thông minh, giống người nhất hiện nay - sẽ tới thăm Việt Nam vào tháng 4 tới. Ngoài thông điệp ''Chất lượng của Honda Việt Nam luôn ngang bằng với chất lượng Honda Nhật Bản'', ASIMO còn "mong muốn" trở thành bạn thân thiết của người Việt Nam.

Robot khiêu vũ.

Honda Việt Nam cho biết ASIMO sẽ tới Hà Nội vào ngày 10/4 và sẽ "giao lưu" với giới nhà báo bốn ngày sau đó. ASIMO sẽ dành hai ngày (17 và 18/4) để gặp gỡ các bạn học sinh, sinh viên và khách hàng của Honda tại Khách sạn Horizon. Trước khi trở về Nhật Bản, người máy sẽ tham dự lễ trao giải thưởng ''Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam''. Buổi lễ sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 vào lúc 20 giờ ngày 21/4/2004.

50 robot ra lò

Cho tới nay, Honda Nhật Bản đã chế tạo 50 robot ASIMO. ASIMO tượng trưng cho công nghệ tiên tiến của Honda, Công ty vẫn chưa có kế hoạch bán mà chỉ cho thuê với giá 150.000 USD/robot/tháng. ASIMO đang làm việc với tư cách hướng dẫn viên bảo tàng, nhân viên lễ tân ở một số công ty công nghệ cao tại Nhật Bản, trong đó có Công ty IBM Japan và Công ty Điện lực Tokyo.

ASIMO đã chu du Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình dương như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines, Singapore... ASIMO cũng đã "gặp gỡ" nhiều nhân vật quan trọng như Thủ tướng Thái Lan Thaksin, Tổng thống Phillipines Aroyo và trẻ em trong mỗi vùng, "kêu gọi" mọi người sáng tạo cũng như "khuyến khích" họ nghiên cứu để đạt được những mơ ước của bản thân.

Vào năm 1986, Honda đã bắt đầu chương trình phát triển robot giống người với khái niệm cơ bản robot này sẽ cùng tồn tại và hợp tác với con người, được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải robot được chế tạo cho các hoạt động đặc biệt. Chìa khoá của sự phát triển này bao gồm ''trí thông minh'' và khả năng chuyển động. ASIMO là sản phẩm của việc hoàn thiện nhiều thế hệ người máy trong 14 năm qua.

Lịch sử chế tạo ASIMO

Người máy thế hệ đầu tiên là E0 (1986), di chuyển được hai chân luân phiên. Tuy nhiên, EO có tốc độ đi bộ rất chậm, chỉ khoảng 5 giây/bước và chỉ đi theo đường thẳng. Từ năm 1987 tới 1991, thế hệ người máy E1, E2, E3 ra đời. E2 có thể đi bộ với tốc độ 1,2km/g trên bề mặt bằng phẳng. Giai đoạn phát triển tiếp theo là làm cho người máy có thể đi vững chắc hơn, không bị ngã trong các địa hình dốc, gồ ghề hoặc bậc thang.

Từ năm 1991 tới 1993, các kỹ sư Honda tiếp tục cho ra đời E4, E5, E6 và hoàn thiện những động tác đi bộ cơ bản trên hai chân. E5 đi bộ rất ổn định trên dốc hoặc cầu thang. Thành công này đã khuyến khích họ chế tạo robot giống người có cơ thể nằm trên hai chân. Năm năm tiếp theo, phiên bản P1, P2 và P3 ra đời. P1 là nguyên mẫu đầu tiên của robot giống người, cao 1,9m và nặng 175kg với nguồn điện và máy tính trong ba lô đằng sau lưng. Nó có khả năng tắt bật công tắc, giữ nắm cửa và thậm chí là mang vác một vật gì đó.

P2 cao 1,8m và nặng 210kg khi ra mắt vào tháng 12/1996. Tất cả bộ phận quan trọng của nó như máy tính, động cơ, ắc-quy và nhiều thiết bị không dây khác đều nằm bên trong cơ thể. Nó có khả năng di chuyển tự động, như đi bộ, lên xuống cầu thang và đẩy xe. Robot giống người, tự động hoàn toàn, mang tên P3 ra đời vào tháng 9/1997. Nó cao 1,6m và nặng 130kg. Nhờ sử dụng hệ thống kiểm soát phân bố phức tạp cùng các loại vật liệu mới nên P3 khá nhẹ và nhỏ gọn.

Ngày 31/10/2000, ASIMO thông minh đầu tiên ra đời, cao 1,2m và nặng 52kg. Với kích thước này, ASIMO rất phù hợp với công việc văn phòng và gia đình. Tốc độ di chuyển là 1,6km/g. Nó có thể nhảy múa, bước chéo, leo cầu thang, đứng một chân, bắt tay...

  • Minh Sơn
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
WHO: Không khả thi tại châu Á! (05/03/2004)
Các trò chơi video dễ làm trẻ béo phì, quen với bạo lực! (03/03/2004)
Rosetta bắt đầu cuộc rượt đuổi Sao chổi (02/03/2004)
Chín hành động ưu tiên để bảo vệ sao la (01/03/2004)
Trung Quốc: Mười biện pháp phòng chống đại dịch cúm gia cầm (27/02/2004)
Robot thế hệ tiếp theo sẽ cùng chung sống và trợ giúp con người (26/02/2004)
Bỏng ngô: Bí quyết và những câu chuyện lý thú (25/02/2004)
Thử nghiệm tiềm năng nguy hiểm của H5N1 đối với người (25/02/2004)
Sao la vẫn bí hiểm! (25/02/2004)
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Cúm gà lây lan cao xuất hiện ở Mỹ (24/02/2004)
Khám phá bí ẩn của nọc rắn (23/02/2004)
Cúm gia cầm đe dọa nỗ lực xóa đói nghèo ở châu Á (23/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang