Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận
13:34' 10/07/2003 (GMT+7)
Nụ cười cuối cùng của hai chị em trước khi tiến hành phẫu thuật.
Sinh ra với duy nhất một hộp sọ chung, hai chị em nhà Bijani vẫn vượt qua số phận để lớn lên. Sau 29 năm không rời nhau nửa bước, họ quyết định tìm đến một cái riêng, một cái riêng thực sự. Số phận đã không mỉm cười với hai chị em? Hay Thượng đế không muốn họ phải sống những phần đời còn lại mà không có nhau? Đó chính là câu chuyện về cặp song sinh dính liền đầu nổi tiếng Ladan và Laleh Bijani người Iran.

Bức thư cuối cùng

Thân mến gửi tới tất cả các bạn!

Trước tiên, chúng tôi mong muốn gửi tới mọi người lời cảm ơn chân thành nhất từ sâu thẳm trái tim vì những lời nguyện cầu mà mọi người đã dành cho chúng tôi.

Chúng tôi đã nhận được vô số bưu thiếp, E-mail và cả hoa đến từ mọi nơi trên thế giới. Trong đó là cả tấm lòng của mọi người đã dành cho cả hai chị em trước cuộc phẫu thuật. Chúng tôi đã cầu nguyện thượng đế hàng ngày để Đấng tối cao phù hộ cho mình và cho cuộc phẫu thuật mà chúng tôi đã chờ đợi trong suốt 28 năm.

Xin tất cả mọi người hãy cùng cầu nguyện cho cả hai chị em và cho cuộc phẫu thuật mang tên Hy vọng được thành công tốt đẹp.

Cả hai chúng tôi đều biết mình đang tham gia vào cuộc chiến đấu đầy khó khăn này và chúng tôi hy vọng cuộc phẫu thuật có thể sẽ giúp chúng tôi bắt đầu những cuộc sống riêng biệt hoàn toàn mới. Chắc chắn nó sẽ rất tuyệt vời!

Thượng đế phù hộ cho tất cả các bạn,

Laleh và Ladan Bijani

Đây là nguyên văn bức thư ngỏ của hai chị em nhà Bijani gửi tới tất cả bạn bè và người thân trước khi đến Singapore để trải qua cuộc phẫu thuật đầy nguy hiểm.

Tuổi thơ đầy khó khăn

Hai chị em đều đã tốt nghiệp trường ĐH Luật tại Iran.

Laleh và Ladan Bijani sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền nam Iran. Ngay từ khi mới lọt lòng, bà mẹ của hai cô bé đã ngất lên ngất xuống khi nhìn thấy hình hài dị dạng của con mình. Sau đó, cả hai chị em được giữ lại trong một bệnh viện địa phương với chế độ chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ Mỹ. Cho đến năm 1979, khi cuộc chính biến đạo Hồi bùng nổ khắp Iran, Laleh và Ladan không còn được hưởng những ưu đãi đó nữa. Cha của hai cô gái, ông Dadollah Bijani, đã mang cặp song sinh dính liền kỳ dị đến thị trấn Karaj, gần Thủ đô Tehran, giao cho một bác sĩ có lòng từ tâm nhận chăm sóc hai chị em.

Bác sĩ Alireza Safaian, người đồng ý nuôi dưỡng cả hai chị em, nói rằng Laleh và Ladan đã bị bỏ rơi thực sự. Thậm chí, các nhân viên trong bệnh viện của ông cũng không tỏ ra thích thú gì khi chăm sóc cặp song sinh này.

Cả hai cứ thế lớn lên với duy nhất một hộp sọ chung. Họ cùng nhau sống một cuộc sống chung khó khăn. Họ cùng nhau đi dạo phố dưới ánh mắt kỳ thị của mọi người, cùng lái xe hơi, cùng đến lớp. Cả hai đã cùng vươn lên mọi khó khăn.

Laleh và Ladan đều tốt nghiệp một trường ĐH Luật tại Iran. Tuy nhiên, Ladan thì thích trở thành một luật sư tại Shiraz, trong khi Laleh muốn trở thành một phóng viên tại Tehran. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do mà cả hai đều muốn sống một cuộc sống riêng hoàn toàn sau 29 năm không rời nhau nửa bước.

Vào năm cả 2 chị em tròn 14 tuổi, một nhóm bác sĩ người Đức đã từ chối thực hiện phẫu thuật tách cặp song sinh với lý do, cả hai chị em đều có rất ít cơ hội để sống sót. Theo họ, tỷ lệ thành công của những ca phẫu thuật kiểu như thế này không có là bao. Hầu như tất cả các cuộc phẫu thuật tách song sinh dính liền đều được thực hiện khi họ còn nhỏ. Bác sĩ cho rằng khi các cặp song sinh dính liền được phẫu thuật ngay khi mới ra đời, cơ hội để họ sống độc lập lớn hơn.

Đối với riêng trường hợp của hai chị em nhà Bijanin thì khá đặc biệt. Bởi, họ đã cùng chung sống với một hộp sọ chung trong 29 năm. Tuy họ có riêng hai bộ não, nhưng do gắn bó trong một khoảng thời gian quá dài, nên chúng có những mối quan hệ qua lại đặc biệt. Mối quan hệ này không chỉ trên phương diện vật lý, mà chúng còn có các tương tác tâm lý qua lại rất chặt chẽ.

Đến tháng 6/2003, bệnh viện Raffles, Singapore đã quyết định chấp nhận lời thỉnh cầu của hai chị em, tiến hành nghiên cứu và tách hộp sọ chung của họ.

Cuộc phẫu thuật độc nhất vô nhị

Các bác sĩ đang thảo luận phương án phẫu thuật tại bệnh viện Raffles.

Bệnh viện Raffles huy động một con số kỷ lục y, bác sĩ phục vụ cho ca phẫu thuật hy hữu này. Tất cả có 28 bác sĩ và 100 phụ tá tham gia vào cuộc phẫu thuật dự kiến sẽ kéo dài khoảng gần 4 ngày.

Theo tính toán ban đầu, hộp sọ chung của Ladan và Laleh sẽ được tách ra từ từ. Hai phần não riêng biệt sẽ được đưa về vị trí cần thiết, phần hộp sọ bị thiếu hụt sẽ được vá lại trong công đoạn cuối của ca phẫu thuật.

Sau một thời gian nghiên cứu các phương án phẫu thuật, ngày Chủ nhật (6/7), nhóm bác sĩ do Tiến sĩ thần kinh Keith Goh chủ trì đã bắt tay vào những bước đầu tiên mở hộp sọ.

Giám đốc bệnh viện Raffles, ông Loo Choon Yong, kể lại: ''Ngay khi chúng tôi chấp nhận lời thỉnh cầu của hai chị em nhà Bijani, chúng tôi biết chắc rằng thành công là rất ít. Chúng tôi đã tính trước trường hợp xấu nhất xảy ra, có thể chúng tôi sẽ mất cả hai người. Ladan và Laleh cũng biết rõ điều đó''.

Khó khăn đầu tiên, vỏ hộp sọ chung của hai chị em rất dày, dày hơn so với tính toán ban đầu. Sang đến ngày thứ hai (7/7), phần khó nhất của cuộc phẫu thuật bắt đầu lộ dạng. Hai bộ não của Ladan và Laleh chỉ có duy nhất một động mạch chủ dẫn máu. Các bác sĩ quyết định sử dụng một động mạch lấy từ đùi phải của Ladan để tạo một đường dẫn máu khác nữa.

Mọi việc diễn tiến có vẻ tốt đẹp, các bác sĩ đã thành công khi tách được hai phần não và nối các động mạch cho chúng. Khi thông tin này được đưa ra, hàng loạt những tiếng vỗ tay chúc mừng của rất đông báo giới và người thân của hai chị em vang lên bên ngoài hành lang bệnh viện.

Tổng thống Iran, ông Mohammad Khatami, đã lên truyền hình chúc mừng và nói rằng cả đất nước Iran đều cầu nguyện cho sự thành công của cuộc phẫu thuật. Ông Khatami cũng khẳng định, Chính phủ Iran cũng chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ viện phí cho cuộc phẫu thuật. Hầu như tất cả người dân Iran và trên thế giới đều hướng sự chú ý của mình đến hai trường hợp đặc biệt này.

Và Thượng đế đã mang họ đi

Cả đất nước Iran tiếc thương Ladan và Laleh.

Sau gần 52 tiếng chịu đựng cuộc phẫu thuật, cả hai chị em Ladan và Laleh đều bị mất máu rất nhiều. Mặc dù Ladan đã được nối động mạch mới để cung cấp máu cho não bộ,  nhưng thể trạng của cô dần một xấu đi. Huyết áp của cả hai lên xuống thất thường. Điều đáng ngạc nhiên nữa là khoảng cách giữa hai bộ não rất gần nhau, không giống như những gì các bác sĩ dự tính.

Thông tin liên tục được đưa ra ngoài hành lang, nơi đang tập trung rất đông báo giới và người thân của hai chị em. Phó Tổng thống Iran, ông Mohammad Ali Abtahi, nói: ''Cả đất nước Iran và mọi người trên toàn thế giới đang mong chờ vào một phép màu từ bệnh viện Raffles''.

Phép màu đã không xảy ra!

Đúng 13h30 (giờ Hà Nội) ngày 8/7, Ladan qua đời vì mất máu quá nhiều. Các bác sĩ tiếp tục dồn hy vọng cho Laleh, nhưng sau đó 90 phút, Laleh cũng không qua khỏi. Cả hai chị em đã ra đi mang theo những phần hộp sọ chưa và không bao giờ hoàn chỉnh.

Tiếng khóc gần như ngay lập tức tràn ngập hành lang bệnh viện. Hossein Afkami, một phụ nữ Iran 42 tuổi đã sống tại Singapore 15 năm, nói trong nước mắt: ''Tôi thực sự bị sốc. Tôi vẫn không thể tin nổi điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Ladan thật vui vẻ, cô ấy luôn vui cười và biết vượt lên hoàn cảnh của mình''.

Tiến sĩ Keith Goh, trưởng nhóm phẫu thuật, cho biết: ''Cả hai chị em đều mất máu quá nhiều. Tình  trạng của họ xấu đi rất nhanh và chúng tôi không biết làm gì hơn''.

Thứ tư (9/7), thi thể của cả hai được đưa về Iran. Hàng trăm người đã chờ đón Ladan và Laleh với nước mắt và hoa tươi. Một người đàn ông nói: ''Có lẽ Thượng đế đã không muốn họ phải xa rời nhau. Người đã mang cả hai đi''. Bác sĩ Alireza Safaian, người nuôi nấng hai chị em từ nhỏ, khóc nức nở: ''Tôi đã biết mà. Họ đến đưa cả hai chị em đi Singapore và tôi biết là họ chỉ có thể mang về nỗi buồn đau''.

Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra ngay sau khi tin tức về Ladan và Laleh lan đi khắp thế giới. Giới thần kinh học cũng tỏ ra có nhiều ý kiến rất khác nhau về việc này. Bác sĩ Goh, trưởng nhóm phẫu thuật, nói: ''Chúng tôi là những người rất có kinh nghiệm đến từ khắp nơi trên thế giới. Chính chúng tôi cũng đã lường trước được hậu quả của ca phẫu thuật. Trong suốt ba ngày vật lộn với thần chết, chúng tôi hoàn toàn có quyền tin tưởng vào những gì chúng tôi làm là đúng đắn''.

Tháng trước, trong một cuộc họp báo, Ladan cũng nói rằng cả hai chị em đều sẵn sàng đối mặt với bất cứ khó khăn nào để thực sự được trở thành một cá thể riêng biệt. Cô nói: ''Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với cái chết. Chúng tôi chỉ mong muốn có thể nhìn thấy mặt nhau mà không cần phải dùng đến gương''.

Tờ thời báo Straits Times của Singapore đã nhận định: ''Họ đặt cược cả số phận và đã thua. Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng làm nên một phần lịch sử của y học''.

(Mạnh Trường - tổng hợp)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ (20/02/2003)
Tàu con thoi Columbia - nhiệm vụ và thảm kịch (18/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (10/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (02/01/2003)