Bệnh tim và đột quỵ - Hai sát thủ đồng hành
10:50' 11/12/2003 (GMT+7)

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị bệnh tim, nhưng nạn nhân chủ yếu của căn bệnh hiểm nghèo này là người già và nam giới. Bệnh tim có ''một người bạn đồng hành'' không kém phần nguy hiểm: đột quỵ. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về "cặp sát thủ" này.

Bệnh tim và đột quỵ

Trái tim, bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể.

Trái tim là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể. Nó được ví như nhà máy ngày đêm hoạt động không nghỉ, bơm máu đi khắp cơ thể, mang theo oxy và chất dinh dưỡng tới mọi bộ phận. Khi quá trình này bị gián đoạn hoặc hoạt động không bình thường, toàn bộ cơ thể sẽ rệu rã, thậm chí tử vong. Đấy là lúc bệnh tim xuất hiện.

Tất cả mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị bệnh tim, nhưng nạn nhân chủ yếu của căn bệnh hiểm nghèo này là người già và nam giới. Bệnh tim có một người bạn đồng hành không kém phần nguy hiểm: đột quỵ.

I. Đau tim

Người già là đối tượng tấn công chủ yếu của bệnh tim.

Hiện tượng đau tim xuất hiện khi dòng máu bị tắc nghẽn, thường là do máu đông, gây tổn hại đến cơ tim. Thông thường, thủ phạm chính gây máu đông là chứng xơ vữa động mạch - hiện tượng thành động mạch bị cứng lại - hoặc nhồi máu cơ tim. Nếu nguồn cung cấp máu bị gián đoạn trong một thời gian dài, tế bào cơ sẽ bị tổn thương trầm trọng và chết. Tuỳ theo mức độ, cơ thể sẽ có khả năng bị tàn tật hoặc tử vong. Ngoài ra, đau tim còn do động mạch vành tạm thời co hẹp hoặc bị thắt lại, khiến cho dòng máu đến tim ít đi hoặc bị chặn đứng lại.

3 triệu chứng cơ bản

- Tức ngực và đau ngực một vài phút, liên tục biến mất rồi lại xuất hiện.

- Cơn đau lan ra đến vai, cổ và cánh tay.

- Tức ngực đi kèm với đau đầu nhẹ, ngất, đổ mồ hôi, nôn nửa hoặc thở dốc.

Ngoài ra, đau tim còn có một số dấu hiệu thường gặp khác như đau ngực, dạ dày hoặc đau bụng bất thường, nôn mửa, choáng váng, thở dốc hoặc khó thở, lo lắng vô cớ, bủn rủn, kiệt sức, tim đập nhanh, đổ mồ hôi lạnh hoặc xanh xao.

Cách sơ cứu người đau tim

- Ngay lập tức gọi xe cứu thương.

- Kiểm tra xem bệnh nhân còn tỉnh hay không, sau đó cho bệnh nhân nằm ngửa. Quỳ xuống, đặt một tay lên trán, một tay lên cằm. Lật đầu bệnh nhân sang một bên, nhấc cằm lên cho đến khi răng bệnh nhân chạm khít vào nhau. Quan sát xem bệnh nhân đã bắt đầu thở trở lại hay chưa.

- Nếu bệnh nhân vẫn chưa thở bình thường, dùng tay bịt mũi bệnh nhân rồi ghé miệng thổi ngạt 2 hơi dài.

- Đặt ngón tay lên cổ bệnh nhân, cạnh yết hầu và khí quản để kiểm tra mạch. Nếu không tìm thấy mạch, đặt tay lên giữa ngực trái bệnh nhân, đúng giữa đầu núm vú, tay này đặt lên tay kia. Ấn mạch xuống ngực bệnh nhân 15 lần, sau đó thổi ngạt 2 hơi, rồi lại ấn tiếp 15 lần nữa. Duy trì cách làm này cho đến khi xe cứu thương tới.

Lời khuyên dành cho người bị bệnh tim

- Thường xuyên đi khám bác sĩ

- Nghiêm chỉnh tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ.

- Uống thuốc đúng chỉ dẫn và ngay lập tức thông báo cho bác sĩ bất cứ thay đổi nào trong cơ thể, chẳng hạn như thở dốc hoặc phù chân.

- Luôn theo dõi trọng lượng cơ thể: kiểm soát chế độ ăn uống để cơ thể đừng phát phì.

- Tuyệt đối kiêng rượu bia, thuốc lá và tất cả mọi đồ uống có cồn.

Suy tim

Phù chân, một biểu hiện của suy tim.

Suy tim là hiện tượng tim hoạt động kém hiệu quả, khiến cho cơ thể không nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết. Mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào khả năng bơm máu của tim. Tuy nhiên, bất cứ dạng suy tim nào cũng đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đòi hỏi phải được chữa chạy cẩn thận. Bệnh suy tim phát triển rất chậm, thường là mất hàng năm trời.

Vì hoạt động kém hiệu quả, tim sẽ phải tự điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu về máu và oxy cho cơ thể. Có 3 sự điều chỉnh quan trọng như sau:

- Tim to ra để chứa được nhiều máu hơn.

- Sợi cơ dày hơn để tăng cường cơ tim, cho phép tim co bóp mạnh hơn.

- Nhịp tim nhanh hơn để đưa máu đi khắp cơ thể.

Với quá trình tự điều chỉnh này, tim có thể tạm thời bù lấp cho những khiếm khuyết lúc mới mắc bệnh, có khi kéo dài hàng năm trời. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó, và triệu chứng suy tim bắt đầu lộ ra.

Triệu chứng

Ở bệnh nhân suy tim, máu dồn ứ trong mạch máu, khiến cho bàn chân, mắt cá và cẳng chân sưng lên - thuật ngữ y học gọi là phù. Nếu máu dồn quá nhiều, có thể dẫn tới xung huyết ở phổi. Do vậy, bệnh nhân sẽ có cảm giác khó thở (đặc biệt là lúc nằm), ho ra đờm đỏ liên tục, mệt mỏi, kiệt sức, phù nề ở bàn chân, mắt cá, cẳng chân, tăng cân, rối loạn chức năng, và không có khả năng tư duy rõ ràng.

Nguyên nhân

Hút thuốc lá, mức cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường, mức đường quá cao trong máu, và béo phì đều là những nguyên nhân chủ yếu gây suy tim. Trong đó, huyết áp cao và bệnh tiểu đường là 2 yếu tố đặc biệt nguy hiểm. Nguy cơ suy tim ở người huyết áp cao nhiều gấp 2 lần so với những người bình thường; còn ở bệnh nhân tiểu đường là 2-8 lần. Phụ nữ tiểu đường dễ bị suy tim hơn nam giới bị tiểu đường.

Hẹp động mạch vành cũng là một nguyên nhân quan trọng. Động mạch vành hẹp sẽ hạn chế lượng máu lưu thông trong cơ thể, buộc tim phải đập nhanh hơn, do vậy tim rất nhanh mệt. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: tắc nghẽn động mạch, cơ tim bị tổn thương do có tiền sử đau tim, suy tim bẩm sinh, các bệnh về van tim hoặc cơ tim, nhiễm khuẩn tim...

Loạn nhịp tim

Loạn nhịp tim là hiện tượng xảy ra khi cơ quan điều hòa nhịp tim hoạt động bất thường, dòng máu bị tắc nghẽn hoặc một bộ phận nào đấy của trái tim "can thiệp" vào hoạt động của cơ quan điều hòa nhịp tim. Đối với người lớn, nhịp tim bình thường ở vào quãng 60-100 nhịp/phút.

Có 2 dạng loạn nhịp tim: Nhịp chậm là khi tim đập dưới 60 nhịp/phút, còn nhịp nhanh là trên 100 nhịp/phút. Khi bị loạn nhịp tim, người bệnh sẽ có nguy cơ bị các chứng như chóng mệt mỏi, choáng váng và ngất. Người bệnh sẽ rất dễ bị đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời. Một người bình thường có thể tự mình phát hiện ra bệnh khi thấy nhịp tim trở nên nhanh chậm một cách bất thường hoặc cảm giác chóng mặt, nhẹ đầu, choáng váng thường xuyên.

Bệnh cơ tim

Giới thiệu chung

Dấu hiệu của bệnh cơ tim là bất tỉnh đột ngột, trống ngực đập nhanh, đau ngực và khó thở một cách vô cớ. Bệnh cơ tim giai đoạn đầu không có nguyên nhân cụ thể nào cả, còn giai đoạn 2 thường là do cao huyết áp, bệnh van tim, bệnh động mạch hoặc dị tật bẩm sinh ở tim.

Các dạng bệnh

Bệnh nhân tim cần phải được cấp cứu kịp thời, đúng cách.

Có 3 dạng bệnh cơ bản, và tất cả đều có thể gây nên cơn đau tim. Dạng phổ biến nhất - phình cơ tim - là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong cho những người dưới 30 tuổi. Khi bị bệnh, cơ tim dày lên một cách đáng kể mà không có nguyên nhân rõ ràng nào cả. Khối lượng cơ ở tâm thất lớn hơn bình thường, khiến cho van hai lá chạm vào vách tim. Khi đấy, đường dẫn máu sẽ bị hẹp lại, và dòng máu sẽ gặp khó khăn khi ra khỏi tim. Do vậy, van tim có nhiều khả năng bị rò rỉ. Cơ tim cứng lại và khó co bóp, đòi hỏi phải có áp lực lớn mới có thể giãn rộng ra khi dòng máu trở về tim. Chính điều này làm giảm khả năng chứa máu của tim.

Phần lớn bệnh nhân phình cơ tim đều bị qua đường di truyền, do một gene trong cơ thể bị lỗi. Bệnh có thể xuất hiện trong bào thai, gây chết non, hoặc khi trẻ vừa ra đời. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân lại mắc chứng phình cơ tim ở tuổi thiếu nhi hoặc lớn hơn một chút.

Dạng thứ 2 là giãn cơ tim, hay xung huyết cơ tim. Căn bệnh này xuất hiện khi khoang tim giãn rộng ra, khiến cho cơ tim yếu đi và không thể bơm máu đi khắp cơ thể như bình thường. Chất lưu tràn vào phổi và gây xung huyết, dẫn đến hiện tượng khó thở: giới y học gọi đây là suy tim trái. Khi chất lưu tích trữ trong mô và các bộ phận cơ thể (thường là cẳng chân, mắt cá, gan và bụng), gây nên hiện tượng phù nề, giới y học gọi là chứng suy tim phải.

Nguyên nhân gây giãn cơ tim thường rất khó xác định. Tuy nhiên, thủ phạm chủ yếu là virus, các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch tự động như viêm khớp mạn tính, uống quá nhiều rượu bia hoặc do mang thai (khá hiếm). Chứng giãn cơ tim thường khiến cho bệnh nhân cảm thấy tức thở, trống ngực đập nhanh, mệt mỏi, phù chân và đau thắt ở ngực. Ngoài ra, do dòng máu chảy chậm hơn bình thường, máu cục có thể xuất hiện, gây tắc nghẽn mạch máu, làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Dạng bệnh thứ 3, hiếm gặp nhất, là cơ tim giới hạn. Dạng bệnh này xuất hiện khi lớp giữa vách khoang tim trở nên xơ cứng, khiến cho tâm thất không thể hút máu về tim được.

Bệnh van tim

Hình ảnh van tim nhìn từ trên xuống.

Bệnh van tim tiến triển qua một quãng thời gian rất dài, và đối tượng tấn công thường là người từ 60 tuổi trở lên. Thông thường, bệnh xuất hiện từ khi con người mới được sinh ra, do cấu tạo van tim bị lỗi. Thay vì 3 phần, van tim lỗi chỉ có 2 phần mà thôi. Dần dần, van tim mòn đi và trở nên dày đến mức cần phải thay thế thì tim mới tiếp tục hoạt động bình thường được.

Nguyên nhân gây bệnh van tim trước đây chủ yếu là sốt thấp khớp - vi khuẩn sốt trực tiếp tấn công van tim, khiến cho van không thể đóng mở bình thường được. Tuy nhiên, vì dạng sốt này đang ngày một trở nên hiếm gặp nên chúng ít có "cơ hội" trở thành "thủ phạm". Viêm màng trong tim, một dạng nhiễm khuẩn cấp tính, cũng là một trong những nguyên nhân khá phổ biến gây nên bệnh van tim. Chỉ trong một thời gian rất ngắn (khoảng 1 tuần), vi khuẩn đã có thể phá huỷ hoàn toàn van tim.

Trong số 4 van tim tham gia vào hoạt động đưa máu đi khắp cơ thể, chỉ cần 1 van mắc bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình bơm máu. Nếu van không mở hết - hẹp van tim - dòng máu sẽ bị cản trở, không luân chuyển được. Khi đấy, tim buộc phải bơm mạnh hơn để đẩy máu vượt qua vật cản. Nếu van không đóng kín - thiểu năng van tim - dòng máu sẽ trào ngược trở lại, và tim cũng phải hoạt động mạnh hơn để đẩy máu về phía trước, đảm bảo nhu cầu máu của cơ thể. Máu dồn ứ sau van tim bị bệnh sẽ phải chịu sức ép ngày càng tăng, dẫn tới hiện tượng tích luỹ chất lưu trong phổi và hạ thể. Do vậy, người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, khó thở mỗi khi vận động, phù nề ở mắt cá và cẳng chân, choáng váng, ngất xỉu hoặc đau thắt ở ngực.

Hiện nay, bệnh nhân có thể tìm cơ hội sống bằng cách thay van nhân tạo hoặc van tim động vật. Nếu phẫu thuật thay van, tỉ lệ tử vong chỉ ở mức khoảng 5% mà thôi. Nếu thay van động mạch chủ, nguy cơ tử vong còn thấp hơn nữa.

Bệnh tim bẩm sinh

1% trẻ sơ sinh trên thế giới bị bệnh tim bẩm sinh.

Xuất hiện ở khoảng 1% số ca sinh sống, bệnh tim bẩm sinh thường do nhiễm khuẩn gây ra trong quá trình mang thai. Ngoài ra, các yếu tố khác như đồ uống có cồn, ma tuý hoặc dùng thuốc sai chỉ định cũng là nguyên nhân khiến cho tim thai nhi phát triển không bình thường. Bệnh tim bẩm sinh thường biểu hiện dưới dạng lỗ giữa các ngăn tim, tắc nghẽn đường nối giữa tim với phổi hoặc với cả cơ thể, hoặc dị tật đường nối giữa ngăn tim với mạch tim.

Để phát hiện ra bệnh, sản phụ có thể chụp cắt lớp vào bất cứ thời điểm nào trong suốt quá trình mang thai. Hiện nay, phần lớn các ca khám bệnh tim bẩm sinh đều được thực hiện trong những ngày hoặc những tuần đầu tiên, sau khi trẻ chào đời. Tuy nhiên, giới y khoa trên thế giới đang phấn đấu để đưa ra kết quả khám bệnh chính xác càng sớm càng tốt, khoảng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5 của thai kỳ. Nhờ vậy, các cặp vợ chồng trẻ có thể quyết định có tiếp tục giữ thai nhi hay không, và nếu giữ thì phải chuẩn bị những gì. 

Tim có thể bị hở ở ngăn trên (khuyết tật vách ngăn tâm nhĩ), ngăn dưới (khuyết tật vách ngăn tâm thất), hay thậm chí ở cả 4 ngăn (khuyết tật vách ngăn nhĩ thất). Ngoài ra, lỗ hở còn có thể xuất hiện ở động mạch chủ, khiến cho tim có tiếng thổi. Là một phần của hệ tuần hoàn bào thai, lỗ hở sẽ tự động đóng lại khi thai nhi chào đời.

Phức tạp hơn là tứ chứng Fallot, một dạng hẹp lỗ động mạch phổi, hay còn gọi là bệnh trẻ xanh tím. Trẻ bị bệnh này có một lỗ lớn ở tim, khiến cho máu chảy từ tâm thất phải qua tâm thất trái mà không qua phổi. Trẻ sẽ thở dốc và có thể bất tỉnh. Bác sỹ thường tiến hành phẫu thuật để tạo đường dẫn phụ nối liền động mạch chủ với động mạch phổi, giúp máu lưu thông tới phổi. Sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ phát triển bình thường và dần hết bệnh.

II. Đột quỵ

Bệnh nhân đột quỵ thường mất khả năng nói, đi lại và làm việc.

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng các tế bào của một phần não bị chết vì không được cung cấp oxy do các nguyên nhân gây tắc mạch hoặc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng xuất hiện một cách đột ngột hay từ từ. Đột quỵ thường xảy ra ở lứa tuổi trên 50, hay gặp vào mùa lạnh, khi thay đổi áp suất khí quyển đột ngột và ở những người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipit máu, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, nghiện rượu, AIDS...

Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh, nhưng đây không phải là một bệnh di truyền. Đột quỵ cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi do biến chứng tắc mạch máu não bởi các cục máu đông xuất phát từ tim trong các bệnh tim (bệnh van tim: hẹp hai lá, rung nhĩ...) hoặc do dị dạng mạch máu não.

Triệu chứng lâm sàng của đột quỵ rất đa dạng, tuỳ thuộc vào vị trí mạch máu não bị tắc hoặc nghẽn: nhức đầu dữ dội nhất là về đêm, diễn biến cấp tính hoặc mạn tính, kèm theo chóng mặt, ù tai, bệnh nhân đột ngột bị ngã vật ra, tê yếu nửa người, giảm ý thức, nói ngọng và hôn mê nặng ngay.

Đột quỵ tiến triển phụ thuộc vào mức độ tổn thương não. Nhìn chung khoảng 15% bệnh nhân tử vong sau cơn đột quỵ, 10% người sống với các di chứng liệt, tàn phế suốt đời, 40% trường hợp có những di chứng nhẹ không hồi phục như yếu các chi, méo mồm, nói ngọng, giảm trí nhớ...

Vì vậy người bị đột quỵ cần được đưa ngay (tốt nhất là trong 12 giờ đầu) đến các cơ sở cấp cứu, bệnh viện để việc điều trị tích cực và hồi sức có hiệu quả nhất.

Phòng bệnh đột quỵ tốt nhất là phát hiện và điều trị triệt để các bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, bệnh thấp tim. Cần tránh các yếu tố có thể tạo điều kiện cho xuất hiện đột quỵ như stress tâm lý, căng thẳng, cáu giận quá mức, gắng sức quá nhiều, lạnh đột ngột, uống rượu nhiều... Bệnh nhân cao huyết áp nếu có các dấu hiệu nhức đầu dữ dội, chóng mặt ù tai, tê buồn chân tay... cần đến bệnh viện ngay để có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời.

III. Chủ động phòng tránh

Di truyền là một trong những tác nhân gây bệnh tim và đột quỵ. Bố mẹ mắc bệnh thì con cái cũng rất dễ bị bệnh. Tuy nhiên, di truyền chỉ chiếm một tỉ lệ không lớn trong các nguyên nhân gây bệnh. Bởi vậy, chúng ta có thể chủ động hạn chế những nguy cơ mắc bệnh bằng cách thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi xin nêu ra đây những yếu tố trực tiếp gây nên bệnh tim và đột quỵ để bạn đọc tham khảo, từ đấy tìm được cách điều chỉnh hợp lý cho cuộc sống của mình.

Tuổi tác và giới tính

Trong số các bệnh nhân chết vì bệnh tim mạch, 80% ở độ tuổi 65 trở lên. Nguy cơ tử vong vì đột quỵ thậm chí còn cao hơn: cứ 10 năm thì số bệnh nhân đột quỵ trên tuổi 55 lại tăng gấp đôi. Nam giới dễ bị bệnh hơn nữ giới, và độ tuổi trung bình của nam giới bị đau tim cũng thấp hơn so với phụ nữ. Tuy vậy, khi mắc bệnh tim và đột quỵ, tỉ lệ tử vong ở phụ nữ lại cao gấp đôi so với các dạng ung thư. Nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ tăng cao khi họ bắt đầu mãn kinh và tiếp tục tăng cao khi về già, có thể là vì lúc này cơ thể phụ nữ đã mất đi hormone oestrogen tự nhiên trong cơ thể.

Hút thuốc

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh tim lên nhiều lần.

Nguy cơ đau tim ở người hút thuốc cao gấp 2 lần những người không hút, do vậy tỉ lệ tử vong cũng cao hơn. Ngoài ra, hút thuốc cũng là nguyên nhân trực tiếp gây nên đột quỵ. Chất nicotine và carbon monoxide trong khói thuốc sẽ phá huỷ hệ tim mạch của người, không chỉ ở người hút thuốc mà còn ở cả những người hít phải khói thuốc thụ động. Đặc biệt, phụ nữ hút thuốc đồng thời với uống thuốc tránh thai sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cực cao.

Uống rượu

Khi vào cơ thể, rượu sẽ tác động trực tiếp lên huyết áp, trọng lượng cơ thể và mức triglyceride, một dạng mỡ trong máu. Do vậy, rượu và các loại đồ uống có cồn không hề tốt cho tim mạch chút nào (mặc dù có thể có ích đôi chút cho tiêu hóa), đặc biệt là trong các cuộc chè chén say sưa.

Ma tuý

Một số loại ma tuý, đặc biệt là cocaine và ma tuý tiêm thẳng vào tĩnh mạch, là nguyên nhân gây nên bệnh tim và đột quỵ. Cocaine khiến cho tim đập loạn nhịp, dẫn tới tử vong, còn heroin và thuốc phiện có thể dẫn tới suy thận. Khi sử dụng bơm kim tiêm, một người có thể tự mình làm nhiễm khuẩn tim hoặc mạch máu.

Cholesterol

Mức cholesterol trong máu càng cao, nguy cơ bị bệnh tim mạch càng lớn, đặc biệt là khi trong cơ thể đang có một yếu tố gây bệnh khác nêu trên. Chế độ ăn uống, tuổi tác và giới tính là những tác nhân quan trọng quyết định mức cholesterol trong máu. Chúng ta có thể kiểm soát mức cholesterol bằng cách uống thuốc hoặc chọn chế độ ăn uống hợp lý.

Huyết áp

Huyết áp cao buộc tim phải làm việc nhiều hơn, do đó khiến cho tim dần trở nên to hơn và yếu đi. Nếu huyết áp cao đi kèm với béo phì, hút thuốc, thừa cholesterol hoặc tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ sẽ cao gấp 2-3 lần. Huyết áp cao đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ có thai hoặc uống thuốc tránh thai liều cao.

Ít vận động

Ít vận động là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tim mạch, bởi vì vận động sẽ giúp cho cơ thể kiểm soát được mức cholesterol, tránh tiểu đường và giảm bớt huyết áp. Do vậy, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch ở nhân viên văn phòng và giới nghiên cứu thường cao hơn nhiều so với các đối tượng khác.

Béo phì

Người béo phì rất dễ mắc bệnh tim và đột quỵ, ngay cả khi họ không mang bất kỳ yếu tố nguy hiểm nào nêu trên. Trọng lượng quá lớn sẽ gây sức ép lên tim, ảnh hưởng đến huyết áp, mức cholesterol và mỡ trong máu (trong đó có triglyceride), đồng thời làm tăng nguy cơ bị tiểu đường.

Tiểu đường

Tiểu đường là "thủ phạm" cực kỳ nguy hiểm gây bệnh tim mạch, ngay cả khi mức glucose đã được kiểm soát. Hơn 80% bệnh nhân tiểu đường trên thế giới chết vì các bệnh tim mạch.

Căng thẳng

Nhiều người cứ tưởng rằng căng thẳng (stress) không ảnh hưởng gì đến bệnh tim mạch, nhưng thực ra không phải như vậy. Căng thẳng có thể khiến người ta ăn nhiều hơn, tập hút thuốc hoặc hút thuốc nhiều hơn so với bình thường, thậm chí còn sử dụng cả ma tuý. Và tất cả những hệ quả trên đây đều là tác nhân gây bệnh tim mạch.

(Khánh Hà - Tổng hợp)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hãy nói không với doping! (04/12/2003)
Đại kiện tướng Kasparov - con người và sự nghiệp (20/11/2003)
Trung Quốc đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ (22/10/2003)
Nobel 2003 - một tuần nhìn lại (12/10/2003)
Nobel Y học 2003 (06/10/2003)
Chuột nhân bản đầu tiên chào đời (26/09/2003)
Nhân bản thành công con ngựa đầu tiên trên thế giới (07/08/2003)
Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận (10/07/2003)
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ (20/02/2003)
Tàu con thoi Columbia - nhiệm vụ và thảm kịch (18/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (10/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (02/01/2003)