Nguyễn Văn Đạo-Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập
(VietNamNet) - GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo vừa qua đời vì tai nạn giao thông lúc 9g sáng nay, 11/12. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái về vị giáo sư đáng kính.
Vị GS "không tuổi" (*)
Xuân Bính Tuất, năm 2006, GS. Nguyễn Văn Đạo bước vào tuổi thất thập.
Theo cách nghĩ cổ xưa trong làng xã Việt cổ truyền, khi người đàn ông vào tuổi năm mươi là "có quyền lên lão", ngồi chiếu trên để dạy bảo thế hệ hậu sinh và khi bảy mươi tuổi, là có thể an nhàn dưỡng lão, vì đã làm xong một số việc quan trọng ở đời...
Song, hình như GS. Nguyễn Văn Đạo không mấy quan tâm đến tuổi tác của chính mình. Bước đi của ông vững chãi, trí nhớ mẫn tiệp, đối thoại sinh động, không ngừng cập nhật tin tức khoa học chuyên ngành ở trong nước và trên thế giới, không hề có ý định ngưng dòng suy tư về toán học, là ngành khoa học của đời ông và nhất là không ngừng sáng tạo và sáng lập các tổ chức phục vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học ở Việt Nam...
Nghĩ về sự nghiệp của ông, đối thoại, trò chuyện với ông, tôi mới thấy, ông đúng là một nhà khoa học điển hình thuộc thế hệ vàng của nền giáo dục đại học Việt Nam, với nền tảng vững chắc được chính thức xây dựng ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và hòa bình được lập lại trên miền Bắc, năm 1954.
Không phải ngẫu nhiên, trong những ngày hòa bình đầu tiên, có một thanh niên sinh năm Đinh Sửu (1937), người Phú Thọ, học sinh giỏi Toán của một trong ba trường trung học phổ thông lớn nhất, nổi tiếng nhất của Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp: trường THPT Hùng Vương, Phú Thọ (cùng hai trường THPT Lương Ngọc Quyến ở Thái Nguyên và Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An), đã được về thủ đô Hà Nội học ngành Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người đó chính là chàng thanh niên đầu xanh, tuổi trẻ Nguyễn Văn Đạo. Từ đó, con đường khoa học của ông được rộng mở, thẳng băng, trùng khít nhuần nhị với sự lớn mạnh của nền giáo dục đại học của nước Việt Nam non trẻ.
Và con đường khoa học hanh thông
Năm 1957, Nguyễn Văn Đạo tốt nghiệp xuất sắc Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và được phân công giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi ông tròn 20 tuổi. Rồi ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học lý thuyết cho đến năm 1962. Cũng trong năm Nhâm Dần này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Con đường khoa học của ông thật hanh thông. Từ năm 1963 đến năm 1965, ông sang Matxcơva, trở thành nghiên cứu sinh Khoa Toán - Cơ của trường đại học danh tiếng nhất Liên Xô - Đại học Tổng hợp Lômônôxốp và hai năm rưỡi sau, ông đã có trong tay bằng tiến sĩ Toán - Lý, 1965. Với tấm bằng danh giá ấy, ông về Việt Nam tiếp tục đứng lớp giảng dạy thêm một giáp nữa, vẫn tại ngôi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thân yêu của mình, từ năm 1965 đến 1977. Vào năm 1976, do viết xong luận án từ trong nước, nên chỉ với 3 tháng, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học Vacsôvie, Ba Lan. Luận án này thực sự là một công trình khoa học lớn của một nhà khoa học đầu ngành, dày 500 trang, mang tên: "Kích động thông số dao động phi tuyến của các hệ động lực". Bản luận án là kết quả lao động, sáng tạo khoa học miệt mài với tinh thần tự lực và vượt khó rất cao của tác giả vào những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sơ tán trong rừng núi sâu thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Tết Đinh Tỵ (1977), Chủ tịch Trường Chinh đã đến chúc Tết gia đình ông và chúc mừng nhà khoa học trẻ.
Từ năm 1977 đến 1993, ông giữ chức Phó Viện trưởng - Tổng thư ký Viện Khoa học Việt Nam do VS. Trần Đại Nghĩa làm Viện trưởng. Cũng chính trong những năm này, ông bắt đầu thăng hoa ở nghệ thuật quản lý khoa học, điều hành hoạt động của gần 40 viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, trải rộng khắp trong cả nước.
Từ năm 1979 đến 1990, Nguyễn Văn Đạo là Viện trưởng sáng lập của Viện Cơ học, đồng thời là Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Cơ học, chuyên ngành "ruột" của ông. Năm 1980, ông được Nhà nước Việt Nam phong chức vụ Giáo sư đại học, và ông càng thăng hoa hơn trong vai trò sáng tạo và sáng lập. Suốt từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cho tới nay, ông vẫn là Chủ tịch sáng lập của Hội Cơ học Việt Nam.
Sự ra đời, phát triển, vận hành có chất lượng và hiệu quả cao của Đại học Quốc gia Hà Nội trong tiến trình đổi mới cũng đồng thời là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo và sáng lập của ông. Có lẽ chỉ có ông, với nhãn quan xa rộng, trên một tư duy toán học mang sâu sắc tinh thần triết học về sự đổi mới tư duy, mới có thể xuất hiện đúng vào thời điểm chín muồi cho sự ra đời của Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1993, sau bao nỗ lực của cá nhân ông và những đồng nghiệp cùng chí hướng muốn chung sức chung lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn và rào cản của lối tư duy cũ kỹ về giáo dục đại học, đồng thuận xây dựng một Đại học Quốc gia lớn nhất nước, ở thủ đô Hà Nội, với những hoạt động mang tính tự chủ rất cao. Và số phận lịch sử của riêng ông đã ứng với tính cách sáng tạo, sáng lập cũng của riêng ông: Nguyễn Văn Đạo trở thành vị Giám đốc đầu tiên của Đại học này. Những cống hiến của ông cho Đại học Quốc gia Hà Nội trong những năm tháng đầy gian khó ban đầu (1994 - 2001) có ý nghĩa nền tảng đối với sự phát triển sau này của Đại học Quốc gia Hà Nội, với nhiều quan điểm đổi mới giáo dục đại học, thể hiện sáng rõ và tập trung trong bản Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia.
Luôn luôn trong tư thế và tâm thế sáng tạo và sáng lập, năm 2002, GS. Nguyễn Văn Đạo là Chủ tịch sáng lập của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - một tổ chức làm cầu nối giữa đồng bào trong nước và 3 triệu kiều bào ta ở nước ngoài với hàng trăm ngàn trí thức Việt kiều. Từ 2001 đến nay ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện ông đang đảm đương trách nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo một dự án khá đặc sắc của Hội Cơ học Việt Nam, được khởi động từ năm 2003: "Nghiên cứu, tính toán, thiết kế và chế tạo máy bay siêu nhẹ nhằm phục vụ cho nhu cầu du lịch, cứu nạn, cứu hộ, sản xuất nông nghiệp...". Ông còn là cố vấn cao cấp, đồng Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam. Cho nên, cũng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, ứng với cả một quá trình tư duy sáng tạo và sáng lập không ngừng trong suốt nửa thế kỷ vừa qua, GS. Nguyễn Văn Đạo đã nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu vinh dự do Đảng và nhà nước Việt Nam trao tặng, trong đó, có những Giải thưởng lớn.
Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về công trình "Dao động phi tuyến của các hệ động lực" (vốn là tập hợp các công trình nghiên cứu về "Dao động phi tuyến" của ông trong suốt 40 năm). Công trình này đã được biện giải sâu sắc trong cuốn sách chuyên khảo bằng tiếng Anh, mà GS. Nguyễn Văn Đạo viết chung với Viện sĩ Yu. Mitrôpôlxki, nhan đề "Phương pháp tiệm cận ứng dụng trong lý thuyết dao động phi tuyến" (Applied Asymptotic Methods in Nonlinear Oscillations), đã được xuất bản tại Hà Nội năm 1994 và được Nhà xuất bản sách khoa học nổi tiếng thế giới Kluwer Academic Publishers tái bản năm 1997. Năm 2001, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Danh tiếng khoa học của ông được quốc tế thừa nhận. Năm 1996, Tổng thống Ucraina trao Giải thưởng nhà nước Ucraina cho những cống hiến của ông cho khoa học Toán - Lý với công trình "Các phương pháp tiệm cận mới trong giải tích phi tuyến" và ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ucraina năm 2000. Trước đó, năm 1988, ông cũng đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc. Năm 1999, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba và năm 2002, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu...
Các nhà khoa học danh tiếng thuộc các viện nghiên cứu lớn của các nước: Liên bang Nga, Cộng hòa Ucraina, Ba Lan,Tiệp Khắc, Italia... đều có chung đánh giá: "Những thành tựu khoa học của GS. Nguyễn Văn Đạo, ngoài việc minh chứng cho tiến bộ khoa học, đã ảnh hưởng to lớn đến việc tạo dựng tại Hà Nội một trường phái khoa học về Dao động phi tuyến. Ông không chỉ tiêu biểu cho nền khoa học Việt Nam mà còn là người đại diện chân chính cho đất nước mình trong nền khoa học thế giới".
Như thế, quả là GS. Nguyễn Văn Đạo đã trở thành "nhân vật chủ yếu sáng tạo" nên "trường phái Hà Nội" trong nghiên cứu về "Dao động phi tuyến" được thế giới thừa nhận. Song, cũng chính là ông, tự biết rằng, một trường phái nghiên cứu khoa học phải là sự tiếp nối, vận động không ngừng của các thế hệ nghiên cứu. Ngay sau khi hay tin mình được Giải thưởng Hồ Chí Minh, GS. Nguyễn Văn Đạo đã gửi thư đến Hội Cơ học Việt Nam những dòng tâm huyết: "Để hỗ trợ tài năng trẻ trong lĩnh vực Cơ học, tôi đề nghị Hội Cơ học mở đợt quyên góp trong hội viên Hội Cơ học, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, xây dựng Quỹ hỗ trợ tài năng Cơ học trẻ Việt Nam. Về phần mình, tôi xin tặng lại Hội Cơ học toàn bộ số tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 để góp phần gây quỹ nói trên!".
Tư duy văn chương nghệ thuật... bằng toán học
GS. Nguyễn Văn Đạo là người giản dị, khiêm nhường. Tôi, kẻ hậu sinh, rất "chịu" ông ở phương pháp tư duy nghiêng nhiều về tư duy lý thuyết và tư duy lý thuyết thực sự đã trở thành phẩm chất trí tuệ ở nơi ông, với tư cách một nhà toán học, và do thế, ông đã dùng được phương pháp tư duy này - một cách thật uyển chuyển - để lĩnh hội sâu sắc một lĩnh vực khác: văn chương nghệ thuật.
Ông từng đọc sách của tôi: "Đối thoại mới với văn chương" và gần đây "Con mắt xanh", là những sách tập hợp những bài bình luận văn học nghệ thuật của tôi viết rải rác hàng chục năm, sau khi du học ở Liên Xô trở về nước đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thi thoảng gặp tôi, ông đều khen, không phải "những lời có cánh" kiểu thù tạc, mà đích thực là lời tri âm, tri kỷ.
Đã có lúc tôi nhận được một thư cực ngắn của ông, viết rằng, ông rất thích cách viết của tôi, cách tôi lập luận, cách tôi diễn đạt vấn đề bằng tiếng Việt. Là kẻ thích được khen đúng, chê đúng, nhưng thật lòng, tôi thích nhất khi được nhận lời khen của ông về phương pháp tư duy, là cơ sở trong cách viết của tôi. Và, cũng là đồng nghiệp đứng lớp giảng dạy đại học, tôi đã cùng ông sôi nổi thảo luận về phương pháp tư duy, sự tất yếu phải đổi mới về phương pháp tư duy trong dạy và học ở đại học Việt Nam đầu thế kỷ XXI.
Bài học về giáo dục với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Hóa ra, trong suốt lịch trình dài dặc những công việc mà ông đã, đang và sẽ làm trong sự nghiệp khoa học của mình, ông đều suy ngẫm các vấn đề nghiên cứu, giảng dạy riêng của mình, trên nền tảng vững chắc của một phương pháp tư duy đích đáng, mang đậm phẩm chất tư duy lý thuyết. Tôi buộc phải vỡ lẽ rằng, nếu vắng thiếu loại tư duy này ở những nhà thiết kế chiến lược cho sự phát triển của nền đại học Việt Nam đương đại, thì vẫn còn nguyên ở đó cái nguy cơ tụt hậu về giáo dục và đào tạo đại học ở Việt Nam.
Trong một lần nhớ lại và suy nghĩ về chân dung văn hoá của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, viết trên Bản tin ĐHQGHN, số 134, 2002, GS. Nguyễn Văn Đạo đã thành thật cho rằng, ấn tượng sâu đậm nhất của ông về vị Thủ tướng tài năng này là "tình người trong con người Phạm Văn Đồng, khiến cho ông trở thành bất diệt trong lòng mọi người và có sức toả sáng mãi mãi theo thời gian". Tình người ấy rực sáng nhất trong những năm cuối đời, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhất định chuyên tâm dành thời gian này cho việc nghiên cứu về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học Việt Nam. GS. Nguyễn Văn Đạo nhớ nằm lòng những lời gan ruột của Thủ tướng: "…Tôi rất coi trọng giáo dục, ham mê giáo dục, coi đó là một nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất, góp phần làm nên không chỉ sự nghiệp của một con người, mà còn là động lực làm nên lịch sử của một dân tộc, của cả loài người từ đồ đá cho đến ngày nay"... "Phương pháp giảng dạy và học tập là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của giáo dục, là nhân tố chủ yếu đưa đến kết quả thiết thực của việc dạy và học, từ đó đem lại cống hiến và uy tín của các trường đối với địa phương và đối với cả nước".
GS. Nguyễn Văn Đạo cũng xúc động khi nhớ lại, để nói được những lời tâm huyết, vị Thủ tướng đầy bản lĩnh và chan chứa tình người ấy, dù đã 92 tuổi, năm 1998, vẫn đích thân dự giờ giảng môn Văn ở đại học. Khi được trực tiếp chứng kiến cách dạy và học môn này của thầy trò trong giảng đường đại học, với đầy lo lắng, ưu tư, chính Thủ tướng đã nhận xét: "...Phải nói rằng tôi ngạc nhiên cao độ lúc chỉ nghe thầy nói, trò chép trong gần một tiếng đồng hồ, không nghe thầy giảng, cũng không nghe đối thoại giữa thầy và trò…".
Phải chủ động: "Làm như thế này có được không?"
Học từ Thủ tướng bài học ứng xử đầy tình người ấy, GS. Nguyễn Văn Đạo không những đã tìm ra phương pháp tư duy đích đáng cho sự nghiệp trồng người của ông, với tư cách một giáo sư, mà ông còn phát hiện cái cốt lõi của phương pháp tư duy ấy, phải là tính nhân văn sâu đậm trong chính sự nghiệp trồng người muôn vàn vất vả của nền giáo dục đại học còn đang ngổn ngang những vấn đề đặt ra từ thực tiễn phát triển hôm nay.
Chính vì vậy, những nghiệm sinh của ông thật đáng giá cho thế hệ hậu sinh, khi ông tâm niệm cả đời ông là học và tự học suốt đời. Cả đời ông đã say mê học, với phương pháp tự học, tự tìm tòi, phát hiện vấn đề... với tinh thần chủ động rất cao. Chính vì thế, ông nghiệm ra: cái quan trọng nhất trong việc đào tạo ở đại học là: dạy cách học. Và cách biện chứng nhất để kiến thiết một cách học đại học lại chính là: tự học. Chính điều này đã khiến ông luôn luôn thay câu hỏi ở dạng bị động trong nghiên cứu: "Nên làm cái gì?", bằng câu hỏi chủ động: Làm như thế này có được không? Ông hiểu rõ rằng, để đặt được câu hỏi ở dạng chủ động, tất yếu phải động não ghê gớm, phải tự đánh thức nội lực của mình. Cả đời ông, các cuốn sách của ông, các công việc sáng tạo và sáng lập của ông đều là sự lần lượt đặt ra và trả lời xuất sắc những câu hỏi theo kiểu ấy.
Phải chăng, đó là những cái quý giá nhất mà GS. Nguyễn Văn Đạo đã dâng hiến cho cuộc đời này, và đặc biệt, cho sự nghiệp phát triển vững chắc của Đại học Quốc gia Hà Nội trong thế kỷ XXI, mà thế hệ sau ông đang nỗ lực thực hiện, với mơ ước phải đưa bằng được Đại học Quốc gia Hà Nội lên ngang tầm đại học khu vực Đông Nam Á và tiến tới đẳng cấp quốc tế...
-
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
(Theo 100 chân dung - Một thế kỷ ĐHQGHN)
(*) Các tiêu đề nhỏ do VietNamNet đặt
Bạn đọc chia sẻ: