Trình diễn kỹ thuật nhân bản vô tính tại Việt Nam
(VietNamNet) - Bạn muốn tận mắt chứng kiến, các nhà khoa học thực hiện kỹ thuật nhân bản vô tính. Hãy tham dự Hội nghị Sinh học Sinh sản châu Á, tại Hà Nội vào cuối tháng 11 tới.
Một Hội nghị lớn về công nghệ sinh học sinh sản ở khu vực châu Á sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 29/11-1/12 tới đây.
Ngày 26/9, TS. Nguyễn Văn Thuận, một chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại Trung tâm Công nghệ Sinh học-Viện Lý-Hóa Nhật Bản, đồng thời là người điều hành Hiệp hội Công nghệ Sinh học sinh sản Châu Á đã cho phóng viên VietNamNet biết như trên.
Hội nghị này quy tụ 70 chuyên gia sinh học đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản; Singapore, Việt Nam, Đài Loan. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học châu Á hiện đang sinh sống và làm việc Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc.
Tại Hội nghị trên, giới chuyên môn sẽ trao đổi thông tin về những kết quả và và thành tựu mới nhất liên quan đến tế bào gốc, sinh sản vô tính (cloning), thụ tinh bằng kính hiển vi, phát triển tế bào trứng và phôi trong ống nghiệm.
Đặc biệt, tại Hội nghị này, các nhà khoa học còn tổ chức trình diễn các kỹ thuật thực hành như bảo quản tế bào trứng và tinh trùng, chuyển gen trên động vật (transgenic).
Đáng chú ý là, theo dự kiến, TS. Nguyễn Văn Thuận và TS. Teruhiko Wakayama thuộc Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học, Viện RIKEN sẽ trình diễn kỹ thuật lấy nhân (enucleation) và chuyển nhân (nuclear transfer). Đây là một kỹ thuật tinh vi, đòi hỏi những thao tác thực nghiệm điêu luyện và tinh xảo để nhân bản vô tính động vật.
Để tham dự Hội nghị nói trên, những người quan tâm có thể liên hệ với TS. Bùi Xuân Nguyên, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 18 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Hà Nội, Việt Nam. Tel: 8447562902, Fax: 84 47912633, E-mail đến: saola@netnam.vn hoặc buixn@yahoo.com. Hoặc TS. Nguyễn Văn Thuận, RIKEN-Center for Developmental Biology, Japan, E-mail: nvthuan@cdb.riken.go.jp.
Hạn chót để đăng ký là ngày 15/11/2006.
Thành tựu của Việt Nam trong nghiên cứu tế bào gốc hầu hết đều dừng lại trên động vật vì Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người.
Giữa tháng 9/2005, PGS Nguyễn Mộng Hùng và cộng sự thuộc khoa Sinh, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã thành công trong việc tách và nuôi cấy tế bào gốc máu từ tế bào gốc của phôi chuột.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc còn rất ít.
-
Hương Cát