Phóng xạ: Vẫn trong tầm kiểm soát
Sau khi VietNamNet đưa tin, một số vùng dân cư ở Việt Nam có phông bức xạ tự nhiên cao, có thể gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân, TS. Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ đã có bài viết cho VietNamNet giải thích rõ thêm về vấn đề trên. Tựa và các tựa nhỏ trong bài do Toàn soạn đặt.
Hiện nay trên một số báo có đăng một số thông tin về một số vùng có mức phông bức xạ tự nhiên cao. Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi muốn làm rõ một số khái niệm sau:
Phóng xạ: Có mặt ở khắp nơi
Đôi nét về TS. Đặng Thanh Lương Sinh năm 1954. Năm1978, Tốt nghiệp đại học vật lý, trường ĐH Tổng hợp Kishinev. Năm 1997, bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1978-1998 Nghiên cứu viên, Trung tâm An toàn bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN). Năm 1998-2000 Phó Trưởng Ban Kế hoạch và Hợp tác quốc tế- Viện NLNTVN. Năm 2000-2003, Phó Trưởng Ban An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học-Công nghệ. Từ năm 2003 đến nay,TS. Đặng Thanh Lương là Phó Cục trưởng Cục Kiềm soát và An toàn bức xạ |
- Phông bức xạ tự nhiên được sinh ra bởi các chất đồng vị phóng xạ chứa trong đất đá, nước, không khí, thực phẩm, nhà chúng ta ở và ngay trong cơ thể chúng ta ví dụ như: Uranium, Thorium, Kali, khí Radon,..vv. Có thể thấy rõ như trường hợp đồng vị phóng xạ tự nhiên Kali-40 có nhiều trong rau, hoa quả và cơ thể con người.
Điều này cho thấy bức xạ ion hoá không có gì xa lạ với con người, nó tồn tại xung quanh ta và từ bao đời nay con người đã và đang sống chung trong một môi trường có nhiều chất phóng xạ.
- Phông bức xạ tự nhiên phụ thuộc vào hàm lượng chất phóng xạ tự nhiên chứa trong đât nước của từng vùng. Do vậy việc tồn tại các vùng có có phông bức xạ cao hoặc thấp khác nhau là lẽ đương nhiên. Vùng có phông bức xạ cao thường tập chung ở những nơi có mỏ Uranium, vùng sa khoáng có chứa chất phóng xạ.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng có một số vùng có phông bức xạ môi trường cao hơn mức trung bình (mức liều trung bình hàng năm từ phông bức xạ môi trường trên toàn thế giới vào khoảng từ 2,1 đến 2,5mSv, 80% liều bức xạ này là do khí Radon gây ra) nói trên. Các vùng này đã được Liên đoàn Địa chất - Xạ hiếm phát hiện và lập hồ sơ.
1 mSv: Chưa phải là tiêu chuẩn giới hạn của phông bức xạ tự nhiên
Liên quan đến thông tin cho rằng phông bức xạ tự nhiên ở một số vùng cao hơn mức cho phép 1mSv/năm, chúng tôi muốn làm rõ khái niệm này như sau:
Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866: 2001 giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và dân chúng thì giới hạn liều đối với dân chúng là 1mSv/năm lấy trung bình trong 5 năm liên tục, trong một năm đơn lẻ không được vượt quá 5mSv/năm và không tính tới đóng góp liều do bức xạ tự nhiên, điều này phải được hiểu như sau:
Giới hạn liều 1mSv/năm này áp dụng với các công việc bức xạ, các nguồn bức xạ và các cơ sở bức xạ hạt nhân - các hoạt động của con người có thể làm tăng mức bức xạ đối với con người và môi trường, mức liều không áp dụng đối với chiếu xạ y tế và các nguồn bức xạ tự nhiên.
Hiện nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, trong thực tế chúng ta không có giới hạn liều cho các nguồn bức xạ tự nhiên, trừ trường hợp chiếu xạ tự nhiên từ khí Radon khi nồng độ khí Radon vượt quá 1000Bq/m3 (có nước chấp nhận từ 500Bq/m3) theo Tiêu chuẩn an toàn bức xạ quốc tế BSS-115. Tất cả nhân viên làm việc trong môi trường có khí Radon tự nhiên cao hơn mức trên phải được coi là nhân viên bức xạ .
Điều này cho thấy những ý kiến trong một số bài báo gần đây cho rằng nếu phông bức xạ ở một số vùng cao hơn mức cho phép 1mSv/năm là không hợp lý. Chúng ta chỉ có thể kết luận rằng tại một số vùng trong cả nước có phông bức xạ (2-4mSv/ năm) cao hơn mức phông bức xạ tự nhiên trung bình (2,1 – 2,5 mSv/năm).
Về đánh giá tác hại của phông bức xạ tự nhiên cao đến sức khoẻ con người, thì hiện nay đang còn là vấn đề được các nhà khoa học trên toàn thế giới quan tâm.
Mặc dù khái niệm “phông bức xạ tự nhiên cao” (cao hơn mức cho phép 1mSv/năm) được cho là hiện diện ở một số vùng dân cư nhưng trong trường hợp này, đây vẫn thuộc vào vùng chiếu xạ liều thấp.
Khi bị chiếu xạ liều thấp, các triệu chứng bệnh lý không thể phát hiện thấy mà chỉ có thể đánh giá theo xác suất thống kê. Đây là một trở ngại lớn cho nghiên cứu khoa học vì số liệu thống kê chưa đủ để đi đến những kết luận chính xác về các tác động của phông bức xạ tự nhiên cao đến sức khoẻ con người và môi trường.
Phóng xạ: Vẫn đang trong tầm kiểm soát
Với những điều trình bày ở trên, có thể tạm thời có một số nhận xét sau:
Phóng xạ ở xung quanh ta, nhưng chúng vẫn đang trong tầm kiểm soát (Ảnh minh họa từ internet) |
1. Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có giới hạn liều cho chiếu xạ từ bức xạ tự nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới mới chỉ quy định về mức khí Radon trong nhà ở và xây dựng tiêu chuẩn hàm lượng chất phóng xạ trong vật liệu xây dựng.
2. Những ảnh hưởng xấu của bức xạ tới con người ở mức liều thấp chưa thể khẳng định một cách chính xác.
3. Cần tiến hành khảo sát chi tiết phông bức xạ tại các vùng có phông bức xạ tự nhiên cao cùng với dịch tễ học để nghiên cứu các ảnh hưởng của bức xạ ở mức liều thấp đối với sức khoẻ con người.
* Hiện nay theo Điều 15 của Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ năm 1996 thì Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Tài nguyên môi trường) có trách nhiệm chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo khu vực có khoáng sản phóng xạ chưa khai thác cần bảo vệ, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân địa phương các biện pháp bảo vệ an toàn và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân trong khu vực.
Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đã hướng dẫn các Sở Khoa học và Công nghệ tập hợp các thông tin về các vùng khoáng sản có phóng xạ để tiến hành quy hoạch và quản lý. Trong qúa trình soạn thảo luật năng lượng nguyên tử, chúng tôi cũng sẽ đưa những điều khoản về bảo vệ, an toàn đối với chiếu xạ tự nhiên vào trong luật để trình Quốc hội xem xét.
* Như trên đã nêu, 80% liều bức xạ tự nhiên hàng năm là do khí Radon đóng góp. Để giảm liều cho dân chúng chúng tôi khuyến cáo cần sống trong nhà thoáng khí để giảm nồng độ khí Radon trong nhà, tránh dùng các vật liệu xây dựng có chứa hàm lượng chất phóng xạ cao. Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng nên lưu tâm tới các thông số này và coi đó như là một tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm tiêu dùng.
2. Việc quản lý an toàn bức xạ được thực hiện theo pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ, các cơ sở khi sử dụng nguồn bức xạ cũng như các máy phát tia bức xạ đều phải đăng kí và xin cấp phép. Ngoài cấp giấy phép, Cục còn tham gia vào các đoàn thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm tra việc tuân thủ của các cơ sở bức xạ đối với pháp lệnh AT và KSBX và các điều kiện ghi trong giấy phép. Hầu hết các nguồn phóng xạ hiện đang dùng là nguồn phóng xạ kín nên khả năng gây nhiễm xạ thấp. Điều quan trọng là không để gây ra thất thoát nguồn.
Để tăng cường công tác quản lý đối với các nguồn phóng xạ, ngày 7/6/2006, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã ban hành chỉ thị số 13/2006/CT-BKHCN về tăng cường công tác quản lý an toàn và an ninh các nguồn phóng xạ.
Có thể nói trong vài năm trở lại đây nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của Lãnh đạo Bộ KH-CN, công tác an toàn và kiểm soát bức xạ đã được tăng cường từ Trung ương đến địa phương. Số đợt thanh tra hằng năm tăng lên rõ rệt, điều này đã giúp cho các cơ sở bức xạ nhận thức đúng đắn hơn về công tác an toàn bức xạ.
Sự cố mất nguồn vừa qua là một bài học lớn cho công tác quản lý an toàn ở cấp cơ sở. Chỉ một thiếu sót nhỏ trong toàn bộ quy trình quản lý an toàn bức xạ có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế và tâm lý xã hội.
3. Liên quan đến chiếu xạ y tế, cụ thể là sử dụng máy chụp X-quang, CT, theo tôi nghĩ nên để một chuyên đề khác. Nhưng có thể nói rằng hiện nay Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân cùng với Bộ Y tế đang triển khai dự án RAS /9/034 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA về tăng cường công tác bảo vệ bệnh nhân và kiểm soát chiếu xạ y tế.
-
Đặng Thanh Lương (Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân)
Tin, bài liên quan:
- Thẩm định kết quả đo đạc gạch men có phóng xạ