Khoa học-công nghệ VN: Có cải tổ... nhưng chưa đột phá lớn!
Giáo sư (GS) Hồ Sĩ Thoảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học-công nghệ quốc gia bày tỏ bức xúc về thực trạng khoa học-công nghệ...
GS Hồ Sĩ Thoảng (bìa phải) cùng GS Yuan Lee, giải thưởng Nobel Hóa học (người bên cạnh) và các đồng nghiệp tại Đại hội Hóa học châu Á, Seoul 8-2005. |
- Thưa GS, theo báo cáo “Phát triển con người năm 2004” của UNDP, số người làm R&D (nghiên cứu và phát triển) của VN (trên 50.000 người), nhiều hơn gấp 4,7 lần Thái Lan và 5,6 lần Malaysia. Nhưng, theo đánh giá của Viện Thông tin khoa học quốc tế ISI, nếu tính số công trình khoa học-công nghệ trên đầu người hiện nay, VN chỉ mới đạt được trình độ của Thái Lan cách đây 20 năm. GS bình luận gì về những con số trên?
- GS Hồ Sĩ Thoảng:Tôi không nắm vững số liệu lắm, chỉ nghe qua các báo cáo thôi. Theo tôi, số người làm khoa học của mình rất khó mà nhiều hơn ở các nước bạn. Có thể họ thống kê theo số lượng tiến sĩ (TS), thạc sĩ (Th.S), nhưng số người trực tiếp nghiên cứu khoa học lại ít hơn nhiều. Các trường đại học (ĐH) chiếm khoảng 70% số lượng GS, PGS, TS, Th.S, nhưng theo tôi biết, số công trình nghiên cứu khoa học ở khu vực này không tương xứng với số lượng nhân lực. Còn về công trình khoa học của VN ít hơn, số liệu này chỉ dựa trên thống kê số công trình đăng ở các tạp chí khoa học nước ngoài, trong lúc các nhà khoa học của ta do những lý do khác nhau rất ít công bố công trình ở nước ngoài. Đương nhiên, phải đánh giá thẳng thắn rằng: Trình độ khoa học của ta không cao!
- Cũng theo sách khoa học-công nghệ VN năm 2003, cả nước có 3.600 công trình nghiên cứu khoa học được công bố, trên 7.000 bài báo khoa học đăng tải trong nước. Trong khi đó, chỉ có 400 công trình được đưa ra công bố ở các tạp chí nước ngoài. Ngay cả trong 400 công trình này, chỉ có 1/3 công trình là dùng nguồn nội lực trong nước; còn lại là do hợp tác quốc tế. Chuyện gì đang xảy ra?
- Có nhiều lý do: Trình độ khoa học và ngoại ngữ. Một lý do khá hiển nhiên là cản ngại ngôn ngữ, nên nhiều nhà khoa học VN không có bài ở các tạp chí KH quốc tế, điều này cũng làm ảnh hưởng tới con số thống kê.
- Thưa GS, chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, khi nhà khoa học không viết nổi một bài báo bằng tiếng nước ngoài, làm sao cập nhật thông tin khoa học trên Internet và báo chí nước ngoài? Chúng ta chỉ “đóng cửa nhìn nhau” để nghiên cứu thôi sao? Chúng tôi xin lỗi nếu câu hỏi có gay gắt và bức xúc...
- Về ngoại ngữ, nhìn chung, các nhà khoa học VN còn yếu. Đó là điều ai cũng thấy. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, phần lớn họ đọc tốt sách báo chuyên môn bằng tiếng Anh. Nhưng để viết một công trình hay nói tiếng Anh cho trôi chảy lại rất khó khăn. Có một thực tế là năng lực hội nhập, giao lưu quốc tế của nhiều nhà khoa học của chúng ta còn rất thấp và yếu.
Tôi đã tham gia ban tổ chức của nhiều hội nghị khoa học quốc tế, thấy nổi cộm 2 vấn đề: Nhà khoa học VN đưa công trình của mình lên diễn đàn quốc tế không đơn giản, vì trở ngại ngoại ngữ. Kinh phí không có nên việc đi dự hội nghị quốc tế cũng hạn chế. Chẳng hạn, Đại hội Hóa học châu Á lần thứ 11 tổ chức tại Seoul tháng 8-2005, VN đăng ký gần 20 báo cáo, nhưng chỉ khoảng 10 người có mặt, phần lớn là đang làm việc ở Hàn Quốc. Vì chi phí máy bay ăn ở quá nặng, họ không lo nổi. Tháng 10-2003, chúng tôi tổ chức Đại hội Hóa học châu Á lần thứ 10 liên kết với Hội nghị Hóa học châu Á-Âu lần thứ 8 tại Hà Nội, có rất nhiều báo cáo của Việt Nam được đánh giá đạt trình độ cao. Đó là nhận xét của các nhà hóa học từ nhiều nước, trong đó có các nhà khoa học được giải Nobel tham dự. Đương nhiên, tôi cũng không phủ nhận có tình trạng hạn chế trong trình độ nghiên cứu khoa học của ta.
-
Phải chăng “cái khó đang bó cái khôn”?
- Xưa “Khổng Tử bỏ nước Lỗ sang nước khác vì vua nước Lỗ không chia thịt cho mình!”. Khổng Tử không lụy miếng ăn, nhưng ông lý luận: Tết, anh không chia thịt cho tôi, có nghĩa là anh không coi trọng tôi. Vậy, thưa GS, nhà khoa học VN nghèo do không được coi trọng đúng mức? Do đất nước nghèo hay do cơ chế? Và phải chăng, chính cái nghèo đã dẫn đến hệ quả năng lực giao lưu quốc tế của nhà khoa học bị hạn chế?
- Đúng là cuộc sống nhà khoa học còn rất thấp. Chỉ hưởng lương thì không đủ sống và mọi người phải tìm cách làm gì đó để sống. Đó là một nghịch lý xã hội. Rõ ràng nguồn lực kinh tế của chúng ta không đến nỗi thấp như kiểu trả lương hiện nay; vì lương thấp mà ai cũng sống được, tức là cách phân bổ nguồn lực trong xã hội đã không đi theo con đường chính thống của nhà nước. Đây là vấn đề khá đau đầu mà Chính phủ và Quốc hội đang phải giải quyết. Giới hạn trong giáo dục-khoa học, các nhà khoa học và nhà giáo đều phải tìm cách có thêm nguồn thu thông qua: dạy thêm, ký hợp đồng nghiên cứu với doanh nghiệp, bán sản phẩm hay quy trình... một cách chính đáng nhưng không chính thống. Hợp đồng giữa nhà khoa học và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Nhưng, tôi cho rằng nhiều khi đấy không phải là con đường tối ưu cho nhà khoa học, nó góp phần hạn chế sức sáng tạo của nhà khoa học. Vì, nền sản xuất của ta còn thấp, việc nghiên cứu triển khai những công nghệ dưới tầm làm nhà khoa học bị kéo lùi lại.
- Trong một công trình nghiên cứu, GS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM đã đưa ra nhận định: “Vì thu nhập không đủ sống, cán bộ nghiên cứu phải chạy kiếm sống, tất yếu dẫn đến chảy máu chất xám hoặc “teo não” đã và đang diễn ra!”...
- Ai cũng thấy ray rứt cả. Đây là một vấn đề cần phải được giải quyết một cách căn cơ. Chúng ta chỉ mới du nhập, bắt chước công nghệ nước ngoài chứ chưa đạt tới trình độ sáng tạo...
Chúng ta chỉ mới du nhập, bắt chước công nghệ nước ngoài chứ chưa đạt tới trình độ sáng tạo... Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Hoàng Văn Phong đang trao tặng bằng khen cho các đơn vị tham gia Chợ Công nghệ Techmart VN 2005 |
- Thưa GS, cái nghèo vật chất sẽ ảnh hưởng phần nào đến cái nghèo tri thức. Điều này có liên quan gì đến ý kiến sau đây của TS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt và là chuyên gia Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế: “Tình trạng của chúng ta hiện nay phần lớn là tìm cách du nhập, bắt chước và bản địa hóa các công nghệ đã có ở các nước tiên tiến, chứ chưa đạt tới trình độ sáng tạo ra công nghệ mới”?
- Để đánh giá cả một nền khoa học không đơn giản. Vì trong một số lĩnh vực sáng tạo khoa học-công nghệ của VN không phải là ít, tuy không phổ biến. Chẳng hạn, ngành Toán và Vật lý lý thuyết trình độ của cán bộ khoa học chúng ta có thể coi là ngang tầm thế giới, hoặc ít nhất là không kém trong khu vực. Còn nói về chủ trương du nhập và bản địa hóa khoa học-công nghệ, thì đó cũng là chủ trương của nhà nước trong giai đoạn hiện nay, vì nền sản xuất cũng như trình độ công nghệ của chúng ta còn ở rất xa so với thế giới. Cái cần quan tâm: du nhập công nghệ một cách sáng tạo và tạo giá trị gia tăng tốt.
- Thưa GS, nói đến sự phát triển của nền khoa học-công nghệ VN mà chỉ quẩn quanh chuyện đời sống sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không đề cập đến vấn đề cơ chế quản lý. Là Phó Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH-CN quốc gia, GS có nghe tiếng kêu từ cơ sở: Các quyết định tài chính cho các công trình, dự án được thực hiện ở cấp TƯ và phân bổ các quỹ được coi là mang tính tùy tiện, không rõ ràng, phức tạp, cứng nhắc và quan liêu?
- Nói một cách công bằng, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các nhà khoa học mấy năm nay đã có nhiều tiến bộ: Không phân bổ ngân sách khoa học theo đầu người, theo cơ sở một cách tùy tiện, mà cho đấu thầu công khai.
Nhà khoa học được chủ động hơn trước nhiều trong điều hành kinh phí nghiên cứu mà mình được cấp. Quy trình tuyển chọn đại thể được tuân theo thứ tự sau: Bộ Khoa học-Công nghệ thành lập một hội đồng lựa chọn những vấn đề, đề tài nghiên cứu khoa học do các cơ sở và nhà khoa học đề xuất; sau đó Hội đồng trình cho Bộ Khoa học-Công nghệ xem xét và công bố danh sách những vấn đề, đề tài theo thứ tự ưu tiên. Các viện NC, trường ĐH tùy năng lực mà đăng ký dự thầu. Bộ Khoa học-Công nghệ lập một hội đồng để phân tích, đánh giá và tuyển chọn. Cuối cùng Bộ trưởng mới quyết định cấp tiền.
- GS có nghĩ rằng, quy trình đấu thầu chặt chẽ là vậy, nhưng có lúc “con lạc đà lại chui qua được lỗ kim” không?
- Ý tưởng tốt, chủ trương đúng. Thế nhưng thực hiện cũng không đơn giản. Phản ảnh chung là chưa thật tốt. Có thể vẫn còn có chỗ không công bằng. Không loại trừ có những lựa chọn và quyết định thiếu xác thực, đẩy một số viện, trường yếu thế vào tình trạng khó khăn. Chỉ có thể hạn chế, chứ chưa triệt tiêu được những trục trặc trong khi thực hiện, kể cả tiêu cực. Ngay như việc xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chủ trương đúng, thế giới cũng làm rồi. Theo phản ánh của các nhà khoa học, cũng có nhiều vấn đề. Vấn đề nổi cộm nhất là chủ nghĩa cát cứ còn rất nặng trong bản thân nhà khoa học. Rất có thể, nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm trở thành một phòng của riêng đơn vị đó thôi. Đó là những trục trặc theo tôi là phải xử lý.
- Hiện nay, nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học rất bức xúc trước những điều mà họ cho rằng: Cơ chế, chính sách quản lý khoa học đang ép họ vào một khuôn mẫu quá chật hẹp. Cụ thể: Thời gian nghiên cứu quá ngắn, đánh giá công trình theo số lượng trang viết, việc làm ngoài dự toán bị xuất toán, phải có hóa đơn đỏ, phải theo các định mức chi li và rất thấp… Họ kêu vậy đúng không?
- Đúng thì vẫn đúng, nhưng đánh giá cũng phải công bằng và toàn diện. Phải xem xét lại hết cung cách quản lý từ cấp tỉnh, thành đến Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Tài Chính. Giữa những cơ quan quản lý này còn nhiều ràng buộc lẫn nhau, dẫn đến trì trệ chung. Nhiều khi lỗi của anh này lại bắt nguồn từ nguyên nhân ở anh kia. Rồi anh này đổ lỗi cho anh kia. Bộ Tài Chính có cái lý của họ, nhiều khi tôi cũng không hiểu vì sao. Ví dụ: Cán bộ đi công tác, Bộ Tài Chính quy định tiền ở khách sạn là 90.000 đồng/ngày, nhưng thực tế chẳng nơi đâu có giá đó cả. Rất nhiều chính sách của mình đi sau thực tế. Có những trì trệ khó khăn phải gỡ dần.
- Thưa GS, thời gian để “gỡ dần” trì trệ dự trù kéo dài bao lâu? Thực tế cuộc sống lại đang diễn biến từng ngày và ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu của nhà khoa học.
- Theo tôi hiểu, ở cấp quản lý vĩ mô đang rất cố gắng cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương Đảng về khoa học-công nghệ.
“Sẽ cải tổ về cơ chế, chính sách, song chưa có đột phá lớn!”
- Nghị quyết TƯ 6 khóa 9 đã chỉ rõ: Công tác quản lý khoa học-công nghệ là một trong những khâu yếu nhất. Bộ Khoa học-Công nghệ có động thái cải tổ gì lớn không?
- Bộ Khoa học-Công nghệ đang làm nhiều việc để cụ thể hóa Nghị quyết: Chiến lược Khoa học-Công nghệ 2005-2010 đã được bộ chuẩn bị xong và Chính phủ cũng đã phê duyệt. Nghị định của Chính phủ về cơ chế quản lý khoa học cũng vừa mới ra. Hiện nay, hội đồng của chúng tôi cũng đang thảo luận chuẩn bị cho chủ trương phân cấp quản lý khoa học-công nghệ về cơ sở. Rồi xây dựng các chương trình phát triển khoa học-công nghệ, cách thức đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học-công nghệ, thành lập Quỹ hỗ trợ khoa học-công nghệ, xây dựng và trình Luật Sở hữu trí tuệ… Song, phải thừa nhận, những cố gắng ấy chưa mang lại kết quả như mong đợi. Điều này chẳng ai mong muốn cả. Nhưng làm thế nào để tốt hơn, đó là vấn đề hết sức khó khăn.
- Nguyên nhân?
- Theo tôi, nguyên nhân thì rất nhiều. Ai cũng có thể tìm ra một số nguyên nhân để lý giải cho sự trì trệ. Nhưng, có một nguyên nhân rất quan trọng là: Thực tế của nền sản xuất VN còn quá thấp, phần lớn các doanh nghiệp (nhà nước) đòi hỏi đối với khoa học-công nghệ chưa thật bức bách. Chính vì còn khó khăn để tìm con đường đi vào sản xuất nên nhà khoa học mệt mỏi.
- Thưa GS, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn phải du nhập công nghệ hiện đại của nước ngoài đấy chứ?
- Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước (còn được bảo hộ khá nặng) không mặn mòi lắm với khoa học-công nghệ trong nước bởi nhiều lý do. Vì khi đầu tư thử nghiệm công nghệ mới nào của VN cũng có thể gặp rủi ro. Còn mua của nước ngoài có thể đắt hơn, nhưng ít rủi ro, chưa kể có thể có yếu tố tiêu cực. Xin lưu ý rằng, nghiên cứu triển khai là khâu rất tốn kém, mà thiếu nó thì độ rủi ro trong áp dụng thành tựu khoa học-công nghệ rất cao.
- Chúng tôi cũng đồng ý rằng nền sản xuất của chúng ta thấp, ảnh hưởng tới khoa học-công nghệ. Song, nếu doanh nghiệp nào cần tới khoa học-công nghệ thì cũng phải tính tới việc lấy hiệu quả làm đầu. Họ không thể làm chính sách thay nhà nước được.
- Tôi hoàn toàn không đổ cho nền sản xuất, cũng như không muốn nói là mọi thứ đều tốt đẹp. Mà phải bình tĩnh gỡ từ từ. Cả trên và dưới cùng gỡ. Tôi hy vọng rằng với quy chế phân cấp sắp ban hành, chắc chắn các địa phương được cởi mở hơn nhiều. Song, cũng phải hiểu rằng tất cả những nỗ lực trên chưa phải là bước đột phá gì ghê gớm. Căn bản nhất là kinh phí nghiên cứu khoa học và đời sống nhà khoa học sẽ vẫn còn đặt ra nhiều thách thức.
- “Có thực mới vực được đạo”, thưa GS, tức là chúng ta vẫn chưa thể nói đến một cuộc cách mạng lớn trong việc vực dậy một nền khoa học-công nghệ? Mọi chuyện cải tổ vẫn chậm rãi theo một lề thói định sẵn. Vậy ông dự liệu bao giờ khoa học-công nghệ VN cất cánh?
- Đây là câu hỏi cực kỳ khó. Trong hoàn cảnh như hiện nay, chúng ta không thể tăng kinh phí nhanh được. Mới chỉ có 2% ngân sách, rất nhỏ so với các nước. Khu vực doanh nghiệp, cả quốc doanh và ngoài quốc doanh, chưa đóng góp được bao nhiêu cho nghiên cứu phát triển khoa học-công nghệ. Việc đầu tiên và quan trọng là đổi mới cho được công tác tổ chức và quản lý khoa học. Phải làm sao để phát huy tối đa tiềm lực con người, tài chính hiện có. Chọn cho được những trọng tâm để đầu tư là một thách thức hết sức lớn của các cấp có quyền lực trong hoạch định chính sách khoa học-công nghệ.
- Xin cám ơn GS
-
Theo SGGP