Thủ tướng gặp gỡ 400 nhà khoa học
(VietNamNet) - Sáng 24/9, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sẽ có buổi gặp và làm việc tại Hà Nội với khoảng 400 nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho hay, tại buổi làm việc này, Thủ tướng Chính phủ sẽ dành thời gian nghe các cán bộ KH&CN, các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN, đóng góp ý kiến để thúc đẩy sự phát triển KH&CN của đất nước.
Các đại biểu sẽ đề xuất các giải pháp để Chính phủ chỉ đạo đưa KH&CN thực sự trở thành động lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Nội dung của buổi làm việc tập trung vào một số vấn đề chủ chốt như đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý khoa học, đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, đưa KH&CN phục vụ trực tiếp xã hội, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu, chú trọng triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn, vấn đề sở hữu trí tuệ và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến...
Ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, mỗi năm kinh phí cho hoạt động KH&CN ở Việt Nam hiện vào khoảng 200 triệu USD và 1/3 trong số này là vốn đầu tư phát triển. Thế nhưng 2/3 trong số vốn phát triển này lại không liên quan tới khoa học!
Như vậy, mức chi thực tế cho KH&CN ở Việt Nam chỉ vào khoảng 100 triệu USD so với 800 triệu USD của Thái Lan. Theo các số liệu thống kê hiện nay, mức đầu tư cho khoa học được chia theo tỷ lệ 70/30, trong đó 70% đến từ Nhà nước và 30% từ đầu tư xã hội, chủ yếu là từ các doanh nghiệp. Mục tiêu tỷ lệ này phải đạt 50/50 vào năm 2010. Muốn vậy, cần phải giải quyết toàn diện những vấn đề nêu trên.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu tăng gấp đôi số kinh phí trên thì cũng không đáp ứng với nhu cầu thực tế. Điều cần thiết là thay đổi hình thức cấp phát kinh phí. Thay vì cấp phát từ trên xuống như hiện nay, cần phải đảo ngược lại, nghĩa là các đề tài phải hình thành từ thực tiễn.
Tình trạng hiện nay là đáng lẽ ra khi đặt hàng, Nhà nước phải sử dụng sản phẩm tạo ra nhưng thực tế lại không như vậy. Các đơn vị nghiên cứu cứ nhận tiền làm, còn sử dụng kết quả hay không thì không cần biết. Đây chính là tình trạng bao cấp hoá và hành chính hoá trong các hoạt động KHCN.
Để giải quyết tình trạng này, hôm 5/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KHCN công lập. Theo đó, từ năm 2010, Nhà nước chỉ bao cấp, tài trợ hoàn toàn cho những nghiên cứu thuộc các lĩnh vực mà thị trường không đầu tư nghiên cứu chẳng hạn như khoa học cơ bản, khoa học nhân văn. Còn các đơn vị nghiên cứu ứng dụng công lập phải chuyển thành tổ chức khoa học tự trang trải kinh phí hoặc doanh nghiệp khoa học công nghệ. Với Nghị định này, các đơn vị nghiên cứu ứng dụng phải tự tìm đầu ra cho nghiên cứu của mình.
Về đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học, Thứ trưởng Tiến cho biết, nhiều kết quả nghiên cứu hiện nay đã đi vào thị trường này thông qua Techmart. Nhờ Techmart, các nhà khoa học ngày càng thấy rằng họ có thể làm được những sản phẩm mà xã hội cần trong khi doanh nghiệp nhận ra họ có thể hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Được biết, vào giữa tháng 10 tới, Hội chợ Techmart Việt Nam 2005 sẽ được tổ chức tại Tp. HCM. Dự kiến Bộ KH&CN cũng sẽ xây dựng 2 trung tâm giao dịch công nghệ tại Hà Nội và Tp HCM.
Tính đến nay, Việt Nam đã tổ chức một Techmart quy mô quốc gia, hai Techmart quy mô khu vực (Hải Phòng - Hà Nội 10/2004 và Bắc Trung Bộ - Nghệ An 5/2005), trên 20 Techmart quy mô địa phương và 2 Techmart quốc tế (Hàn Quốc, Trung Quốc). Qua các kỳ Techmart, tổng cộng hơn 2.000 tỉ đồng giá trị ghi nhớ ký kết đã được ghi nhận. Riêng tại Techmart VN 2003, 391 đơn vị đã tham gia giới thiệu sản phẩm, 676 bảng hợp đồng ghi nhớ đã được ký kết với giá trị 1.000 tỷ đồng.
-
Minh Sơn