TPHCM: Liên kết 4 nhà để chế tạo robot
50 tỷ đồng là số tiền mà Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định rót cho Chương trình Chế tạo robot công nghiệp trong năm 2005. Mục tiêu của Chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu rôbốt đang trở nên cấp thiết trong công nghiệp.
Chương trình được thực hiện với sự liên kết của 4 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất và doanh nghiệp) của trường Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị mới Neptech, Công ty Chế tạo máy Sinco, Trung tâm Kiểm định-Đo lường-Chất lượng khu vực II, Tổng Cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) và Phân hội Robot Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
TP.HCM: Kỳ vọng đưa robot VN xuất khẩu
Một robot vạn năng do ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu, thiết kế và chế tạo |
Thành phố đặt mục tiêu rất cụ thể cho chương trình là phải sản xuất các rôbốt có giá thấp hơn giá nhập ngoại từ 20 đến 30% nhưng chất lượng phải tương đương, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp với một chế độ bảo hành nghiêm túc.
Giáo sư Đào Văn Lượng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, đã yêu cầu Chương trình thực hiện ít nhất 4 loại robot công nghiệp tiêu biểu với khoảng 10 chủng loại trong giai đoạn khởi động (2005 đến 2006), khẩn trương hoàn thiện cơ chế vận hành của Chương trình để mở rộng phạm vi chuyển giao robot trên địa bàn cả nước, đồng thời tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong giai đoạn 2007-2008. "Mục tiêu của chúng tôi là đưa sản phẩm ra cạnh tranh trong thị trường các nước ASEAN vào năm 2010. Đồng thời, hình thành chắc chắn một ngành sản xuất robot công nghiệp có uy tín phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu”, Giáo sư Lượng nhấn mạnh.
Để hỗ trợ cho chương trình, thành phố sẽ thực hiện cả những chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp đặt hàng. Các doanh nghiệp đầu tiên đặt hàng và doanh nghiệp đặt hàng số lượng lớn sẽ được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí và cho vay vốn ưu đãi. Bởi vậy tuy mới được thành lập nhưng Chương trình đã nhận được đơn đặt hàng chế tạo 16 robot các loại sử dụng để gắp sản phẩm dùng cho máy ép phun nhựa tổng trị giá 53.130 USD cho công ty Tân Kỷ Nguyên, robot sử dụng để hàn thiết bị áp lực trị giá 200 triệu đồng cho Công ty Cơ khí Thương mại Dịch vụ Trung Tín, robot hàn thẳng và robot hàn cong trị giá 200 triệu/cái cho Công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn. Tất cả các robot này dự kiến được bàn giao trong 3 tháng tới.
Doanh nghiệp VN đặt hàng robot VN
Doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho Chương trình chế tạo robot của TP.HCM tại một cuộc họp vào cuối tháng 4/2005 |
Nhiều doanh nghiệp thành phố đang kỳ vọng rất lớn vào chương trình này. Công ty Cơ khí Thương mại Dịch vụ Trung Tín - nơi đã để tuột mất nhiều đơn đặt hàng do khách hàng biết họ vẫn sản xuất thủ công - đã ngưng việc nhập robot công nghiệp ngay sau khi biết tin thành phố triển khai Chương trình chế tạo robot. Hiệp hội Nhựa Thành phố hàng năm nhập robot công nghiệp với số lượng lớn để bán lại cho các doanh nghiệp trong bối cảnh “cầu“ luôn vượt “cung“ cũng hy vọng hợp tác với Chương trình một cách toàn diện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, cho biết nhu cầu nhập khẩu robot công nghiệp cảu các doanh nghiệp hiện nay rất lớn và rất cấp thiết, đặc biệt là trong các ngành cơ khí, nhựa, đóng tàu, sản xuất ôtô, chế biến thực phẩm.
Robot phim trường-một sản phẩm do các nhà khoa học VN nghiên cứu, chế tạo |
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã không ít lần “gõ cửa“ các nhà sản xuất thiết bị trong nước để đặt hàng song chưa được đáp ứng. Năm 2004, chi phí nhập khẩu máy móc, thiết bị để sản xuất robot (tính qua các cảng thành phố) đã lên tới 1,7 tỷ USD, trong đó 70% nhập khẩu ngay từ các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận như Trung Quốc, Đài Loan và các nước ASEAN.
Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng (Hội Tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định “không có gì phải băn khoăn” về năng lực chế tạo các bo mạch, lập trình phần mềm và khả năng sáng tạo, cải tiến trong quá trình vận hành robot của các nhà khoa học trong lĩnh vực tự động hóa hiện nay ở thành phố.
Khoa cơ khí, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công một loạt robot như robot quay phim đa năng tự động điều khiển camera cung ứng cho Đài Truyền hình Việt Nam, robot có tay cung ứng cho Nhà máy đóng tàu Hà Nội, robot vạn năng phục vụ quá trình hóa nhiệt luyện cung ứng cho Công ty công nghiệp cơ khí Sài Gòn. Tháng 10 tới, một robot vạn năng sẽ được trưng bày ngay tại Techmart Việt Nam để minh chứng cho năng lực chế tạo robot trong nước và chuyển giao ngay cho một doanh nghiệp.
-
Theo TTXVN