VN-Nga: Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Mới đây, tại phiên họp lần thứ 2 Ban điều hành hợp tác Việt – Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) diễn ra tại Hà Nội, phiá VN đã đề nghị Nga giúp đào tạo cán bộ điện hạt nhân. Hiện VN đang chuẩn bị nguồn nhân lực cho kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới
VN đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Trong ảnh: Quang cảnh một nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu (Ảnh từ trang web nước ngoài) |
Theo Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện NLNT VN, tại khóa họp lần này, phía Việt Nam đã đề nghị phía Nga giúp Việt Nam đào tạo cán bộ điện hạt nhân tại các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu của Nga trong lĩnh vực này theo phương thức Việt Nam sẽ chịu chi phí ăn, ở, đi lại còn Nga sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo mỗi năm. Trong bối cảnh nguồn năng lượng từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện ngày càng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, vấn đề nguồn năng lượng điện bổ sung, nhất là điện hạt nhân đặt ra càng cấp thiết. Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân, do đó, nguồn nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân cũng đang được ráo riết chuẩn bị. Theo tính toán, phát triển nhà máy điện hạt nhân cần đến 5000 - 6000 người, nhưng 85% trong số này là công nhân lành nghề. Chỉ cần khoảng 300 - 400 cán bộ quản lý, vận hành có trình độ là có thể đáp ứng được yêu cầu. Việc cử cán bộ ra đào tạo tại những nước có kinh nghiệm về NLNT như Nga là rất thiết thực và cần thiết.
Tại Phiên họp thứ 2 này, hai bên đã cùng nhau kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2003-2004; thảo luận phương hướng và đề ra kế hoạch hợp tác cho giai đoạn 2005-2006.
Ngoài ra, tại phiên họp trên, thảo luận về Kế hoạch Hợp tác trong giai đoạn 2005 – 2006, hai bên đã tập trung vào 5 lĩnh vực: Lò phản ứng nghiên cứu với mục tiêu là phục vụ vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tới năm 2015; Công nghệ bức xạ với mục tiêu hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, nghiên cứu công nghệ gia tốc phục vụ chiếu xạ và đảm bảo khả năng cung cấp nguồn phóng xạ Co-60 cho các cơ sở chiếu xạ của Việt Nam; Công nghệ nhiên vật liệu hạt nhân với mục tiêu hợp tác trong nghiên cứu thăm dò quặng phóng xạ và nghiên cứu công nghệ sản xuất uran và xử lý thải phóng xạ; Điện hạt nhân với mục tiêu trao đổi thông tin, chuyên gia và đào tạo cán bộ về điện hạt nhân; Các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ.
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ LB Nga đã ký Hiệp định về Hợp tác trong lĩnh vực sử dụng Năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình vào ngày 27/3/2002.
-
Theo Khoa học và Phát triển