TPHCM: Khởi động Chương trình chế tạo robot cho doanh nghiệp
Vào cuối tháng Tư vừa qua, Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) TP.HCM đã tổ chức cuộc họp nhằm tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp đối với robot công nghiệp. Mục tiêu đặt ra, đến 2006, có 4 loại robot công nghiệp do giới khoa học TP.HCM nghiên cứu, chế tạo và cung cấp theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước
Robot công nghiệp là tên gọi chung của những máy móc, thiết bị có khả năng tự động hoá cao nhằm đáp ứng một yêu cầu sản xuất cụ thể nào đó của doanh nghiệp. Trước đó, vào tháng 3/2005, Sở KH-CN TP.HCM đã hoàn thành Dự thảo Chương trình chế tạo robot với mục tiêu sử dụng đội ngũ các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các loại robot công nghiệp chuyên dùng cho các doanh nghiệp.
Tham dự cuộc họp trên, ngoài Sở KH-CN TP.HCM, các đơn vị nghiên cứu khoa học, còn có đại diện nhiều doanh nghiệp như Công ty đóng tàu VINASHIN, Công ty sản xuất ô tô SAMCO, nhiều công ty TNHH ngành nhựa, Hiệp hội nhựa TP.HCM...
-
Doanh nghiệp: có nhu cầu, nhưng robot phải... chất lượng!
Doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho Chương trìn chế tạo robot của TP.HCM vào cuố tháng Tư vừa qua |
"Đứng ở khía cạnh người đặt hàng, chúng tôi quan tâm đến những khía cạnh sau : chất lượng sản phẩm, giá thành, thời gian giao hàng và chế độ bảo hành và hậu mãi. Nếu không hiệu quả, chúng tôi không đặt hàng... ". Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí - thương mại - dịch vụ Trung Tín, phát biểu thẳng thắn.
Ông Trung cho biết thêm, hiện công ty Trung Tín đã nhập về một robot hàn. Robot này có thể thay thế cho 10 công nhân một cách có hiệu quả. Trong xu hướng cạnh tranh sắp tới, công ty dự định sẽ trang bị thêm một vài robot nữa. Chủ trương của công ty là, giá cả không thành vấn đề, cái chính vẫn là chất lượng của robot.
Trên toàn thế giới hiện có khoảng 770.000 robot đang được sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, Nhật Bản sử dụng 350.000 robot (chiếm 45,5%). Còn lại là EU (30,3%) và Mỹ (13,5%). Theo điều tra của Liên đoàn Robot Quốc tế (IRF-International Robot Federation), doanh số đặt hàng robot công nghiệp trên toàn cầu của hầu hết các hãng lớn trên thế giới trong năm 2003 đã tăng 26% so với năm 2002. Những lĩnh vực công nghiệp sử dụng robot nhiều nhất là ngành ô tô, điện-điện tử, chế biến thực phẩm và công nghiệp chế tạo máy. (Nguồn: Sở KH-CN TP.HCM) |
Ông Trung đề nghị các nhà khoa học: "Công ty đang có nhu cầu một robot hàn và phun sơn. Mẫu robot này, công ty đã có sẵn… xin mời các nhà khoa học đến xem, nghiên cứu chế tạo và cho công ty giá robot do trong nước chế tạo”. Nhưng ông Trung cảnh báo:” Chúng tôi không thể mua những con robot mà vài ngày lại bị hư hỏng và doanh nghiệp lại phải chạy tìm kỹ sư xuống sửa chữa…”.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng tình với ý kiến của ông Lê Văn Trung. Hầu hết doanh nghiệp tỏ ra quan ngại, các nhà khoa học phải xem việc chế tạo robot cho doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu tự động hoá trong sản xuất như là một bài toán sản xuất-kinh doanh robot, chứ không thể xem đây là một đề tài nghiên cứu khoa học. Robot đưa vào hoạt động cần phải đem lại hiệu quả kinh tế….
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Phòng Kỹ thuật - Thiết kế Công nghệ thuộc Công ty SAMCO, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn tỏ ra bức xúc, ngành sản xuất ô-tô cũng có nhu cầu về robot nhưng vấn đề mà ngành công nghiệp ô-tô quan tâm khi sử dụng robot là chất lượng của robot. Ông Tuấn nói:”Nếu các nhà khoa học nghiên cứu nhận đặt hàng của doanh nghiệp mà nghiên cứu, chế tạo robot hết 2 năm, thử nghiệm hết thêm 1 năm nữa, thì các doanh nghiệp chỉ có… “chết”!“
Ông Tuấn còn bộc lộ sự lo lắng của doanh nghiệp, "liệu Chương trình chế tạo robot công nghiệp do chủ trương của UBND TPHCM và Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM thực hiện có phải là hô khẩu hiệu hay không? Chúng tôi đã nghe hô khẩu hiệu nhiều lắm rồi. Thực tế, cái gì cũng phong trào này, phong trào nọ. Chỉ chừng tháng sau là mất hết! Ở góc độ các nhà sản xuất ô-tô, kế hoạch chế tạo robot công nghiệp cho doanh nghiệp trong nước đến năm 2010, có phải là viển vông?”.
Tuy nhiên, đại diện của Hiệp hội nhựa TP.HCM tỏ ra tin tưởng ở Chương trình chế tạo robot công nghiệp của TP. Theo đại diện Hiệp hội Nhựa TP.HCM: "Làm thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được.Trong thực tế, chúng tôi cũng đang nhập các robot ở nước ngoài và bán lại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Có nhu cầu thì có thể thực hiện được…”
-
Giới khoa học: Làm được, nhưng phải tính kỹ!
Robot quay phim do các nhà khoa học VN chế tạo trong một lần đưa vào hoạt động tại TP.HCM |
Trong khi đó, các nhà khoa học cũng bức xúc không kém… Nhiều ý kiến cho rằng ngành cơ khí của Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, trong robot có ba phần, phần cơ khí tuy trọng lượng rất lớn nhưng giá của nó cũng chỉ có 1/3, điện tử điều khiển giá 1/3, phần mềm chất xám của lập trình giá cũng 1/3. "Chúng ta nên làm theo Đài Loan, phần cơ khí chính xác có thể nhập về, hoặc liên kết. Việt Nam có thể đầu tư vào phần điện tử điều khiển và phần lập trình, hoặc có thể liên doanh", PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng nói.
Đồng tình với PSG - TS Nguyễn Xuân Hùng, TS Nguyễn Mộng Hùng (Hội Tự động hoá TP.HCM) cũng thừa nhận, ngành cơ khí Việt Nam hiện nay còn yếu kém, thậm chí các bộ phận điện tử và vi mạch đều phải nhập. Tuy nhiên, ông tin tưởng đây là một chương trình có tính đột phá do cả nước chưa có nơi sản xuất robot. TS Nguyễn Mộng Hùng hy vọng, Chương trình này sẽ mở ra nhiều triển vọng mới, chứ không gói gọn ở các đề tài nghiên cứu hay theo một vài nhu cầu của doanh nghiệp.
"Các bo mạch, lập trình và năng lực sáng tạo trong vận hành robot... các nhà khoa học ta có thể làm được và làm tốt. Do đó, chuyện cần phải tính là, cái gì cần mua ở nước ngoài thì chúng ta đành phải mua, nhưng phải cụ thể: mua của ai, giá cả như thế nào, nước nào cung cấp....", TS Nguyễn Mộng Hùng nêu ý kiến.
- “Dứt khoát không hô khẩu hiệu, không chế robot để… xem chơi!”
PGS-TS Phan Minh Tân:"Chế tạo robot... Chúng tôi không hô khẩu hiệu, không làm "phong trào"..." |
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp và giới khoa học, PGS-TS. Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM khẳng định, "Chương trình này là nhiệm vụ của UBND TP.HCM giao cho giới khoa học thực hiện. Còn việc thực hiện Chương trình thì phải theo quy luật của kinh tế thị trường, chứ không bắt buộc các doanh nghiệp phải là… vật thí nghiệm! Các doanh nghiệp cứ đặt hàng cho TP trên cơ sở tin tưởng và ký hợp đồng. Còn nếu doanh nghiệp nghĩ đó là chuyện…tào lao, thì cứ đi mua của nước ngoài…!". TS Phan Minh Tân cũng khẳng định, TP không hô khẩu hiệu và cũng không làm… “phong trào”".
Và, PGS-TS Phan Minh Tân giải thích thêm, trong năm 2004, nhập khẩu máy móc thiết bị qua các cảng ở TP.HCM, trị giá 1,7 tỷ USD/năm. 70% thiết bị, máy móc phải nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Đài Loan, Trung Quốc, ASEAN. 30% còn lại nhập từ các nước phát triển Mỹ, EU, Nhật. Thậm chí, tính riêng một công ty nhựa tại TP.HCM trong năm qua đã phải nhập khẩu 20 tay máy robot công nghiệp. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu tương đối cao.
Robot quay phim-một sản phẩm do các nhà khoa học VN nghiên cứu, chế tạo |
Vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học là phải giảm chi phí nhập khẩu. Năm 2005, TP. sẽ đầu tư 50 tỷ đồng cho các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo robot theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Mục tiêu là nhằm giảm từ 20 - 30 - 50% kim ngạch nhập khẩu thiết bị, máy móc từ nước ngoài, nhưng chất lượng thiết bị, máy móc do trong nước chế tạo phải đạt yêu cầu tương đương so với các thiết bị nước ngoài. Cho đến cuối năm 2005, 10 bộ robot dự định được bàn giao cho các nhà doanh nghiệp. Về mặt chính sách, ưu tiên hỗ trợ cho những doanh nghiệp đặt hàng với số lượng nhiều và và các hợp đồng ký trước. Về dài hạn, TP.HCM phấn đấu khoảng 5 - 10 năm, Việt Nam có một ngành sản xuất robot phục vụ trong nước và xuất khẩu.
"Các nhà khoa học của chúng ta đủ sức chế tạo robot với chất lượng chấp nhận được và có khả năng cạnh tranh. Một khi chúng tôi đặt bút ký với các doanh nghiệp, ban chủ nhiệm Chương trình chế tạo robot công nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sở KH-CN TP.HCM không thể để tình trạng chế tạo ra robot để… xem chơi mà không sử dụng trong sản xuất được! ". PGS-TS Phan Minh Tân, đại diện Sở KH-CN TP.HCM nêu quyết tâm...
Dự thảo Chương trình chế tạo robot của TP.HCM (2005-2010) |
Chương trình chế tạo robot do chủ trương của UBND TP.HCM. Sở KH-CN TP.HCM chủ trì với các cơ quan phối hợp chính, gồm Ban KH-CN (ĐH Quốc gia TP.HCM); Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống (ĐH Bách Khoa TP.HCM); Trung tâm NEPTECH (Sở KH-CN TP.HCM); Công ty chế tạo máy SINCO; Trung tâm Kiểm định - Đo lường Chất lượng Khu vực II-Tổng Cục Kỹ thuật-Bộ Quốc phòng; Phân hội Robot VN tại TP.HCM. Chương trình được chia làm 3 giai đoạn: - Giai đoạn 1 (2005-2006): Khởi động Chương trình. Mục tiêu: Khởi động Chương trình với ít nhất 4 loại robot tiêu biểu với khoảng 10 sản phẩm robot được chuyển giao để phục vụ trong các ngành sản xuất của TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Qua đó, hình thành cơ chế tập hợp, phối hợp triển khai, chuyển giao, bảo trì... - Giai đoạn II (2007-2008): Giai đoạn hoàn thiện và mở rộng phạm vi chuyển giao Mục tiêu: Hoàn thiện cơ chế vận hành của Chương trình, hoàn thiện cơ sở vật chất chủ lực phục vụ cho công việc nghiên cứu, triển khai, chuyển giao và bảo trì tại Trung tâm NEPTECH (Sở KH-CN TP.HCM). Hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm robot tiêu biểu đã sản xuất để có thể mở rộng phạm vi chuyển giao trong cả nước. Gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trên các sản phẩm robot - Giai đoạn III (2009-2010): Giai đoạn xác nhận sự hiện diện trong khu vực. Mục tiêu: Đưa sản phẩm tiêu biểu tham gia triển lãm quốc tế trong khu vực các nước ASEAN (Nguồn: Sở KH-CN TPHCM) |
- Hương Cát
Hãy bày tỏ quan điểm của bạn theo cách sau: