,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
616266
Nỗ lực thanh toán bệnh cúm gia cầm vào 2010
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Nỗ lực thanh toán bệnh cúm gia cầm vào 2010

Cập nhật lúc 18:19, Thứ Hai, 18/04/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ngày 18/4, tại Hội nghị "Tổng kết 2 năm (2004-2005) phòng chống dịch cúm gia cầm", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, năm nay, sẽ phấn đấu ngăn ngừa dịch tái phát theo chu kỳ; giai đoạn 2006-2007 khống chế bệnh cúm gia cầm H5N1 trên toàn quốc, tiến tới thanh toán bệnh cúm gia cầm vào 2008-2010.

Hội nghị tổng kết 2 năm phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra tại Hà Nội vào ngày 18/4.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, dịch cúm đầu năm 2004 đã làm giảm 0,5% tăng trưởng GDP quốc gia, tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Nhiều hộ, trang trại, DN chăn nuôi gia cầm lâm vào cảnh mất trắng. Một số vùng tuy không có dịch, nhưng việc duy trì đàn gia cầm rất khó khăn, đặc biệt đối với những cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, do không tiêu thụ được gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Mặc dù đợt dịch cuối năm 2004-2005 thiệt hại trực tiếp không lớn, song, thiệt hại gián tiếp vẫn đáng kể do ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, sản xuất và chăn nuôi gia cầm. Ước tính, ngành chăn nuôi đã mất thêm 500 tỷ đồng. Qua 3 đợt dịch, tổng số đàn gia cầm bị chết, tiêu huỷ là khoảng 46,6 triệu con.  

Theo Cục Thú y, dịch phát nặng thường theo chu kỳ từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, cao điểm vào cuối tháng 1, đầu tháng 2. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở đàn gà có từ 100-500 con; tỷ lệ này giảm dần ở những trại nuôi gà có số lượng lớn. Loại hình chăn nuôi hỗn hợp các loài gia cầm, đặc biệt là gà với vịt, mắc dịch nhiều.

Cúm gà không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất, mà nguy hiểm hơn là đe dọa đến sức khỏe con người. Thứ trưởng Y tế Trần Chí Liêm cho biết, dịch cúm gia cầm đã kéo theo sự xuất hiện của cúm A phân tuýp H5N1 trên người. Kể từ trường hợp mắc bệnh đầu tiên đến nay, 3 đợt dịch đã xảy ra với 71 trường hợp mắc bệnh tại 26 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 36 trường hợp đã tử vong. Gần 73% trường hợp mắc bệnh liên quan đến cúm gia cầm bị bệnh và 52% do ăn thịt và làm thịt gia cầm bệnh. Bộ Y tế nhận định, dịch cúm gia cầm đã lặp đi lặp lại, hiện tại, mầm bệnh trong gia cầm là khá phổ biến. Đã có biểu hiện người lành mang vius, không có triệu chứng lâm sàng làm cho virus lây lan nhanh trong cộng đồng, không bị phát hiện là rất lớn.

Đến dự Hội nghị Tổng kết 2 năm Phòng chống dịch cúm gia cầm, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần phải ngăn chặn, không để xảy ra dịch cúm trên gia cầm và người, thanh toán dịch càng nhanh càng tốt bởi nếu lơ là, dịch cúm sẽ bùng phát trở lại. Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và xem đây là nội dung trọng tâm cần chỉ đạo trong công tác và trong hành động. Ông yêu cầu, việc ngăn chặn dịch cúm gia cầm phải liên tục, kiên trì, sâu sát, kịp thời.

Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, Bộ đã đề ra hàng loạt các biện pháp cụ thể trong công tác quy hoạch chăn nuôi gia cầm; quy hoạch giết mổ gia cầm và lưu thông phân phối; công tác phòng chống dịch và công tác thú y. Từ nay đến cuối năm 2005, tạm ngừng ấp trứng sản xuất con giống và nuôi thuỷ cầm mới (vịt, ngan, ngỗng) và chim cút. Nghiêm cấm chăn nuôi thuỷ cầm theo phương thức chăn thả tự do.

Đối với việc giết mổ tập trung, theo Bộ NN-PTNT, từ nay đến 2007, các cơ sở giết mổ tập trung, chợ gia cầm sống phải được hoàn thành tại một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long, Hà Đông, Vinh... Các thành phố, thị xã còn lại khuyến khích thực hiện ngay nhưng không chậm quá năm 2010. Đến năm 2010, 100% các tỉnh trong cả nước tổ chức xong việc giết mổ gia cầm tập trung.

Bên cạnh đó, tháng 6/2005, cần hoàn chỉnh việc thử nghiệm vắc xin H5N2 trên đàn gà và H5N1 trên đàn thuỷ cầm để từ đó, xây dựng kế hoạch tiêm phòng và triển khai thí điểm tại Tiền Giang và Nam Định vào tháng 8/2005; bắt buộc tiến hành tiêm phòng cho vùng có nguy cơ cao từ tháng 10 năm nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm cho rằng, cần kéo dài ngừng thời gian ấp trứng trên phạm vi cả nước đến cuối năm nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, xây dựng  2 phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM trong năm 2005-2006, mỗi phòng xét nghiệm 2,5 triệu USD (tổng cộng khoảng 80 tỷ đồng) để bảo quản, nghiên cứu kịp thời các tác nhân gây bệnh.

  • Hà Yên

,
,