VN: Thực hiện phát triển sạch để giảm khí phát thải
(VietNamNet) - Nghị định thư (NĐT) Kyoto vừa chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16/2. Nhân dịp này, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Mạnh Hòa, chuyên viên chính Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh tác động của Nghị định thư Kyoto với VN
- Sau 7 năm "lận đận", cuối cùng thì NĐT Kyoto cũng đã có hiệu lực. Với tư cách là một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của hiệp ước toàn cầu này?
Ông Hoàng Mạnh Hòa, chuyên viên chính Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường |
- Như vậy là về mặt nguyên tắc, NĐT Kyoto đã chính thức có hiệu lực và tôi tin rằng nó sẽ thực hiện được. Mặc dù một số nước như Mỹ và Australia vẫn chưa phê chuẩn NĐT Kyoto, việc nghị định thư có hiệu lực là một bước đi tất yếu của thế giới. Dù thế nào thì các nước này cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được, do vậy sớm muộn gì thì họ cũng sẽ tham gia NĐT Kyoto để góp phần đạt được mục tiêu của nghị định thư.
- Ông có thể cho biết đôi điều về thái độ của Việt Nam đối với NĐT Kyoto?
- Trước hết, chúng ta cần biết rằng NĐT Kyoto là văn bản pháp lý để thực hiện Công ước khung LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Việt Nam phê chuẩn UNFCCC vào ngày 16/11/1994 và phê chuẩn NĐT Kyoto vào ngày 25/9/2002, được đánh giá là một trong những nước tích cực và tham gia NĐT Kyoto sớm nhất.
- Khi phê chuẩn NĐT Kyoto, Việt Nam có phải cam kết thực hiện những hành động cụ thể gì không?
- Là một nước đang phát triển, Việt Nam không phải cam kết giảm phát thải. Tuy nhiên, để góp phần đạt được mục tiêu cuối cùng của UNFCCC là ổn định nồng độ khí nhà kính và ngăn ngừa những hoạt động có hại của con người đối với môi trường sống, chúng ta cũng tham gia các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Khí hậu không có biên giới và trái đất là ngôi nhà chung của mọi người, vì thế, không ai có thể đứng ngoài được cả. Tất cả rồi cũng phải tham gia dưới hình thức này hay hình thức khác, từ góc độ này hay góc độ khác.
- Vậy mức phát thải hiện nay của Việt Nam là bao nhiêu?
Biểu đồ phát thải CO2 của 8 nước công nghiệp hàng đầu (G8) so với thế giới. |
- Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam năm 1994, mức phát thải của chúng ta hiện vẫn còn rất thấp: 103 triệu tấn CO2 tương đương. (Có nhiều loại khí nhà kính, nhưng được quy đổi ra CO2 thì gọi là CO2 tương đương). Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của đất nước, chắc chắn mức phát thải này sẽ còn tăng lên. Do vậy, chúng ta sẽ có những biện pháp thích hợp để hạn chế phát thải ở mức thấp nhất.
- Trong ba cơ chế thực hiện NĐT Kyoto, theo ông cơ chế nào là quan trọng và thiết thực nhất đối với Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung?
- NĐT Kyoto có ba cơ chế được quy định tại Điều 12: cơ chế đồng thực hiện, cơ chế buôn bán quyền phát thải và cơ chế phát triển sạch. Trong đó, cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism–CDM) có vai trò quan trọng, hấp dẫn và thiết thực nhất đối với các nước đang phát triển, kể cả Việt Nam. Mục tiêu của nó là giúp các nước đang phát triển đạt được sự phát triển bền vững, đồng thời đạt được mục tiêu cuối cùng của UNFCCC như đã nói ở trên. Bên cạnh đấy, nó cũng giúp các nước phát triển thực hiện cam kết về hạn chế và giảm phát thải định lượng khí nhà kính theo Điều 3 của NĐT Kyoto .
Những lĩnh vực tiềm năng có thể xây dựng và thực hiện dự án CDM là: Nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn và tiết kiệm năng lượng; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch; thu hồi và sử dụng khí mêtan (CH4) từ bãi rác và từ khai thác than; ứng dụng năng lượng tái tạo; trồng mới và tái trồng rừng.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia và thực hiện UNFCCC cũng như NĐT Kyoto. Các hoạt động chính mà Bộ đã và đang điều phối, triển khai: |
-
Khánh Hà (thực hiện)