,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
563472
Nguy cơ động đất ở VN
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Nguy cơ động đất ở VN

Cập nhật lúc 00:08, Chủ Nhật, 09/01/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sau trận động đất ở Nghệ An tối 7/1, trả lời VietNamNet,  PGS. TS Nguyễn Ngọc Thuỷ, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cảnh báo: hiện còn nhiều đới động đất ở VN. Cần có thêm 24 trạm quan trắc động đất để theo dõi toàn bộ chấn động trong lòng đất tại Việt Nam

Trận động đất hôm 7/1 ở Nghệ An đã khiến nhiều người dân phải lo lắng... Trong tương lai, những trận động đất như thế này còn diễn ra không?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thuỷ. (Ảnh: Đình Nam)

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thuỷ: Theo số liệu quan trắc của chúng tôi, trận động đất xảy ra vào lúc 21 giờ 25 phút 23 giây tại toạ độ 19,02 độ vĩ bắc và 105,3 độ kinh đông, cách Đô Lương 10 cây số về phía bắc. Trận động đất có độ mạnh 4,7 độ Richter, gây chấn động cấp 6-7 trên mặt đất ở vùng chấn tâm (tính theo thang địa chấn quốc tế MSK 64). Theo thang MSK 12 cấp này, con người không thể nhận biết chấn động cấp1-2, cấp 3-4 sẽ gây rung động nhẹ và cấp 6-7 làm mặt đất chao đảo. Chấn động ở cấp 7 trở lên mới gây thiệt hại lớn.

Đây là trận động đất ở mức vừa phải, cứ 3-5 năm lại xảy ra một lần, và không gây thiệt hại về người cũng như tài sản. Trận động đất lớn nhất ở Việt Nam trong vòng 100 năm qua là trận động đất 6,8 độ Richter ở Tây Nam Điện Biên Phủ năm 1935 với cấp động đất bề mặt là 8-9. Tiếp theo là trận động đất 6,7 độ Richter ở Tuần Giáo năm 1983 với cấp động đất bề mặt tương tự, làm nhiều nhà đổ sập.

Nguyên nhân nào khiến cho Nghệ An phải xảy ra động đất?

-Động đất xảy ra bởi Nghệ An nằm ở đới đứt gãy sông Cả (hay đới động đất Sông Cả). Ở đây đã từng xảy ra trận động đất mạnh 6 độ Richter với cấp chấn động là 8. Đới đứt gãy sông Cả chạy từ thị trấn Mường Sén (giáp biên giới Lào) qua Thị trấn Tương Dương, dọc sông Cả rồi xuôi ra biển. Đây là đới đứt gãy rất hoạt động, nghĩa là các khối địa chất va chạm vào nhau. Khi va chạm vào nhau đột ngột, chúng gây ra động đất.

Ở Việt Nam, ngoài đới động đất Sông Cả, còn có đới động đất sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, Sơn La, sông Đà, Hà Tĩnh và một số đới ở miền Nam. Tuy nhiên, động đất ở miền Nam thường yếu hơn so với miền Bắc.

Có mối liên hệ nào giữa động đất tại Nghệ An và ở ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia) ngày 26/12/2004 không, thưa ông?

-Indonesia nằm ở vành đai động đất Địa Trung Hải-Xuyên Á. Việt Nam ở cách xa Indonesia 2.000 cây số và không nằm trong đới động đất đó. Do vậy, trận động đất ở Nghệ An không có liên quan tới động đất hôm 26/12 ở Indonesia. Ngay sau khi động đất xảy ra vài giờ, chúng tôi đã đo được một số dư chấn mạnh 3 độ Richter. Ngoài ra, người dân ở tâm chấn còn nghe thấy tiếng nổ như sấm do các khối đất đột ngột húc vào nhau. Điều đó chứng tỏ trận động đất ở Đô Lương là trận động đất chính. Chu trình của trận động đất này như vậy là kết thúc và dự kiến có thể xảy ra một vài dư chấn nhỏ nữa trong một vài ngày tới. Sau trận động này, không có trận động đất lớn hơn xảy ra.

Xin ông cho biết hiện đã có trạm quan trắc và hệ thống cảnh báo động đất nào cho người dân địa phương ở Nghệ An hay chưa?

-Động đất mạnh chủ yếu xảy ra ở Miền Bắc nên 23 trong tổng số 26 trạm quan trắc động đất (đo địa chấn) ở Việt Nam được đặt ở miền Bắc, trong đó có một trạm ở Vinh. Ba trạm còn lại được đặt ở Huế, Nha Trang và Đà Lạt. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chỉ xác định được vị trí và cường độ động đất xảy ra. Còn dự báo ngày, giờ động đất xảy ra thì vẫn còn là vấn đề nan giải của thế giới.

Số trạm quan trắc động đất  hiện nay ở Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu so với các nước phát triển thì con số này còn khá thấp. Chẳng hạn Nhật và Mỹ có 3.000 trạm quan trắc. Trong tương lai, chỉ cần thêm 24 trạm nữa là đủ khả năng theo dõi toàn bộ chấn động trong lòng đất tại Việt Nam.

Trận động đất ở Indonesia đã gây ra sóng thần, làm nhiều người thiệt mạng. Xin ông cho biết Việt Nam đã và sẽ thực hiện những biện pháp gì để tránh và giảm thiểu những loại thiên tai như thế?

-Rút kinh nghiệm từ trận động đất và sóng thần hôm 26/12, về lâu về dài các trạm dò và cảnh báo ở Việt Nam cũng sẽ được xây dựng để đề phòng sóng thần do động đất mạnh ở Tây Bắc Philippines gây ra. Philippines cách Việt Nam 1.100 cây số nên nếu sóng thần xuất hiện, nó phải mất 1,5 giờ mới tới được bờ biển Việt Nam. Do vậy với các máy cảm biến hiện đại, chúng ta có thể dò và cảnh báo để người dân kịp thời sơ tán. Theo tôi, không thể xảy ra động đất mạnh ở thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam.

Hiện Việt Nam và các nước Đông Nam Á chưa tham gia Hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế. Các nước châu Á sẽ bàn về việc xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần tại một hội nghị diễn ra vào ngày 25-26/1/2005 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Xin ông cho biết người dân cần làm gì để giảm thiểu tổn thất do động đất gây ra?

-Các công trình quan trọng ở Việt Nam chẳng hạn như đập thuỷ điện được xây dựng bền vững để kháng chấn. Còn đối với các công trình xây dựng dân dụng chẳng hạn như nhà ở tư nhân,  mọi người nên xem bản đồ phân vùng động đất của từng khu vực trước khi xây dựng để có thể kháng chấn phù hợp cho công trình. Vấn đề là cần phải tuyên truyền cho người dân về vấn đề này. Hiện do chủ quan nên chưa có nhiều người xem bản đồ phân vùng động đất để xây nhà cho phù hợp.

Xin cảm ơn ông.

  • Minh Sơn thực hiện
,
,