Hành chính chậm không đẩy nổi... công nghệ cao!
(VietNamNet) - Có thể nêu nhiều ví dụ về sự chậm chạp này, như việc triển khai xây dựng: khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, khu CNC TP.HCM, một số khu CNC trong nông nghiệp...
Sự chậm chạp nêu trên chỉ là một trong năm vấn đề khó khăn trong việc ứng dụng và phát triển ngành công nghệ cao nói chung của Việt Nam (bao gồm: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới), mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT)Quốc hội đang báo cáo tại kỳ thứ 6, Quốc hội khóa XI.
Những chiếc máy tính thương hiệu Việt Nam như thế này hy vọng sẽ ngày càng được sản xuất nhiều hơn tại các khu CNC trong nước...Ảnh: HC |
Công nghệ thông tin (CNTT) được nhận định là ngành công nghiệp phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây ở vị trí xuất phát thấp. Các lĩnh vực internet, viễn thông được đánh giá là phát triển tốt nhất. Trong vòng 15 tháng từ tháng 6/2003 đến 9/2004, số người dùng internet đã tăng từ 1,9 triệu lên 5,4 triệu người. Mật độ sử dụng điện thoại tính đến tháng 9/2004 là 11,47 máy/100 dân. Mạng lưới cáp truyền dẫn đã phủ rộng nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế...
Báo cáo của Ủy ban KHCN-MT cũng ghi nhận nhiều nỗ lực các chuyển biến tích cực của ngành CNTT nước nhà như: CNTT ngày nay đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong công việc hàng ngày của nhiều cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là đa phần các DN; Đề án 112 về tin học hóa quản lý hành chính nhà nước đã có triển khai tới nhiều tỉnh, địa phương và có kết quả ứng dụng thực tế; Công nghiệp phần mềm ở một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM có chuyển động tích cực...
Tuy nhiên, bản báo cáo cũng không ngần ngại nhấn mạnh: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta chậm có chiến lược, chậm tổ chức thực hiện một số chương trình, tản mạn, tự phát, không đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, chậm tiến độ đề án 112, các địa phương còn lúng túng trong triển khai, công nghiệp phần mềm đúng là chưa phát triển, quy mô nhỏ, manh mún, tự phát, chủ yếu vẫn là gia công cho nước ngoài, việc quản lý an toàn thông tin trên mạng rất yếu.
Các lễ khai trương các khu công nghệ đã diễn ra từ rất lâu, nhưng những hoạt động thực tế ở đó thì đến nay vẫn chưa đi đến đâu... Ảnh: HS |
Riêng về sự chậm chễ trong tổ chức thực hiện các chủ trương
như: xây dựng các khu CNC Hòa Lạc, khu CNC TP.HCM, các khu CNC trong nông nghiệp như các mô hình tại Nghệ An, Lâm Đồng, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM thì quả thật là... rất chậm. Khu CNC Hòa Lạc thì được triển khai xây dựng sau... 7 năm kể từ khi có quyết định thành lập, và đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động một cách đáng với tên gọi và quy mô của nó. Khu CNC TP.HCM thì sau 10 năm đưa ra ý tưởng, 2 năm triển khai trù bị, và bây giờ vẫn còn trong giai đoạn... giải phóng mặt bằng??? Báo cáo của Ủy ban KHCNMT cũng nhận thức được các điểm yếu kém trong công tác này là: chưa đề ra được mục tiêu và lộ trình cụ thể, chưa có giải pháp đồng bộ phù hợp với thực tiễn, cách làm mang dáng dấp bao cấp, cần phải làm rõ tiêu chí xây dựng khu công nghệ cao với xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp, mô hình phối hợp giữa các cơ quan chủ quản và địa phương không rành mạch, không phù hợp.Ngoài ra, bốn khó khăn và thách thức khác của ngành CNC Việt Nam cũng được nêu ra như: Trình độ CNC và công nghiệp CNC vẫn tụt hậu với khoảng cách xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Điển hình là: chỉ số xã hội thông tin (ISI) của VN đứng vị trí "đội sổ" 53/53, chỉ số truy cập (IDA) đứng thứ 122/178, chỉ số Chính phủ điện tử xếp thứ 97/173. Trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Myanma và Camphuchia. CNC chưa là khâu đột phá, chưa tạo được những công nghệ đặc thù mang thương hiệu Việt Nam, ngoài một số thành tựu về sinh học thì các chương trình nghiên cứu về CNC được Nhà nước thành lập gần... 20 năm nay vẫn chưa có thành tựu nào mang tính đặc thù. Quản lý nhà nước về KHCN nói chung và CNC nói riêng chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp, để thích ứng với nền kinh tế thị trường. Cơ chế quản lý chính sách phát triển chậm đổi mới, chưa gắn kết kinh tế với KHCN để kích cầu cho phát triển CNC. Và Nguồn lực cho phát triển CNC quá hạn hẹp: thiếu cán bộ, thiếu tri thức trong việc chuyển ý kiến thành công nghệ, từ kết quả trong phòng thí nghiệm thành quy trình sản xuất ngoài thực tế, nguồn đầu tư của Nhà nước đã thấp lại còn bị phân tán, không dứt điểm và sử dụng không hiệu quả...
Hiện trạng, khó khăn, thách thức nhiều như vậy, Ủy ban KHCN-MT đã đề nghị với Quốc hội cần đưa ra được những chính sách đột phá, biện pháp khẩn trương, quyết liệt nhất trong thời gian sớm nhất. Một số kiến nghị tập trung vào: Sớm có chiến lược phát triển CNC với mục tiêu cụ thể, như lựa chọn có trọng điểm một số hướng CNC trong công nông nghiệp; nên chăng (?) hình thành một ban chỉ đạo quốc gia trực thuộc Chính phủ về phát triển CNC để điều phối các Bộ, ngành, địa phương thay cho các ban chỉ đạo riêng lẻ như hiện nay; Có cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi cho CNC như: chính sách hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp nhập bí quyết công nghệ và công nghệ cao, chính sách thúc đẩy các "Trung tâm ươm tạo CNC", có chế độ đãi ngộ để thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia làm việc tại các khu CNC... Đa dạng hóa các nguồn đầu tư, phát triển tiềm lực KHCN, hy vọng đến năm 2010, một số lĩnh vực CNC của VN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực... Chủ động trong hội nhập quốc tế về KHCN: không chỉ phát huy năng lực trong nước mà cần đẩy mạnh tìm kiếm, tiếp thu, ứng dụng thành tựu và các bí quyết công nghệ trên thế giới, mở rộng chuyển giao công nghệ, tranh thủ nguồn tài chính và công nghệ... Và quan trọng nữa là phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về CNC, sớm ban hành Luật chuyển giao công nghệ và Luật sở hữu trí tuệ, xây dựng Pháp lệnh Công nghệ cao.
-
Huyền Chi
(Lược ghi theo Báo cáo thuyết trình số 750/UBKHCNMTXI,
Kỳ họp thứ 6, QH khóa XI)