Đường đến vinh quang của FXR tại Hàn Quốc
(VietNamNet) - Trong chiến thắng của đội Robocon Việt Nam (Đội FXR) tại cuộc thi chung kết Robocon 2004 khu vực châu Á-Thái Bình dương, VNKROnline - Diễn đàn Thanh niên và Sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc đã góp phần không nhỏ bằng cách thông tin kịp thời cho tất cả các thành viên đến theo dõi, cổ vũ các trận thi đấu của Đội.
Cổ vũ bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, và cả áo của... đội tuyển bóng đá. (Ảnh: VNKROnline) |
Nhờ sự cổ vũ cuồng nhiệt rất chuyên nghiệp của các bạn sinh viên Việt Nam, với đầy đủ cờ, trống, băng-rôn và người bắt nhịp, mỗi thành viên của FXR đều có cảm giác như đang được thi đấu ở nhà, chứ không phải nơi đất khách quê người. Đồng thời, Diễn đàn còn cử người sát cánh bên đội tuyển để kịp thời hỗ trợ về mọi mặt, từ đưa đón, dẫn đường cho tới... phiên dịch. Chúng tôi xin chuyển tới bạn đọc chặng đường bước lên bục vinh quang của Đội FXR mà thành viên VNKROnline ghi nhận được, ngay từ những bước chân đầu tiên tại Seoul.
Chuẩn bị lâm trận
8g10 sáng 9/9, toàn bộ Đội FXR gồm bảy thành viên (kể cả thầy trưởng đoàn Huỳnh Văn Kiểm) đã có mặt tại sân bay Incheon (Seoul). Bên cạnh nhiều thành viên VNKROnline, đón đoàn còn có rất đông phóng viên các đài, báo, trong đó có hai hãng truyền thông nổi tiếng là KBS (Hàn Quốc) và NHK (Nhật Bản). Với tư cách là đội vô địch Robocon 2002 tại Nhật Bản và đứng thứ ba Robocon 2003 tại Thái Lan, Việt Nam được giới báo chí lẫn các đội tuyển đánh giá rất cao. Đài KBS thậm chí còn xin làm riêng một chương trình phóng sự về đội tuyển Việt Nam. Sau đó, đội được Ban tổ chức đưa về nghỉ tại Seoul Olympic Parktel trong khuôn viên Seoul Olympic Park cùng với các đội khác.
15g chiều cùng ngày, khi các đội khác còn đang nghỉ ngơi và thư giãn, toàn bộ Đội FXR đã có mặt tại Nhà thi đấu Olympic Gymnasium 1, địa điểm thi đấu chính thức của Robocon 2004, để khảo sát và đánh giá tình hình sân bãi, đồng thời phác thảo phương án "tác chiến". Chính điều này đã giúp FXR trực tiếp "ghi điểm" trước Đài KBS. Trả lời phỏng vấn của báo chí, một thành viên trong Đội cho biết: "Hiện giờ, chúng tôi chỉ quan tâm đến việc làm sao để bố trí robot phù hợp nhất với điều kiện thi đấu thực tế và lên kế hoạch cho từng thành viên vào ngày mai. Chúng tôi chưa quan tâm đến vấn đề ai sẽ là đối thủ của đội Robocon Việt Nam".
Sau khi hoàn tất việc khảo sát sân bãi, toàn Đội đã dạo chơi một lúc trong Công viên Olympic Seoul, một trong những công viên đẹp và lớn nhất thủ đô Seoul. Sau bữa ăn tối, Đội cùng gặp mặt các đội tuyển khác trong vòng một tiếng đồng hồ, sau đó về phòng nghỉ ngơi.
Ngày 10/9, cả Đội dành hết thời gian cho việc cân đo (tổng trọng lượng số robot không được vượt quá 50kg), lắp ráp, kiểm tra, chạy thử và nghe thông tin chi tiết về các trận đấu trong khuôn khổ cuộc thi Robocon 2004. 20 đội tham gia thi đấu được chia thành bảy bảng, mỗi bảng có ba đội (riêng một bảng có hai đội) thi đấu vòng tròn một lượt để tính điểm. Bảy đội đầu bảng cùng với một đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ được lọt vào vòng trong.
Cuộc chiến cam go
Đội Việt Nam ở chung bảng D với hai đội Nhật Bản và Srilanka. Đối thủ đầu tiên của chúng ta lại chính là Nhật Bản, ứng cử viên cho chức vô địch, với bốn robot tự động rất mạnh!
Cả Đội xác định: Nếu muốn giành chiến thắng thì phải vượt qua được Nhật Bản, và cách duy nhất để làm được điều này là sử dụng một giải pháp hợp lý, đấu với Nhật Bản về mặt công nghệ thì chẳng khác gì "đem trứng chọi đá"!
Đội Nhật Bản thường xuyên áp dụng chiến thuật "chụp xòe" - sử dụng robot cản phá chụp một hàng rào quanh "nàng Chức Nữ", không cho đối thủ tặng quà vàng để giành chiến thắng tuyệt đối, sau đó mới ung dung ghi điểm. Biết được điều này, đội Việt Nam đã điều chỉnh lại chiến thuật thi đấu bằng cách trang bị cho robot cản phá của mình một cái "râu" thật dài để cản "kẻ phá bĩnh", đồng thời người điều khiển robot bằng tay phải xuất phát thật nhanh để húc con robot "chụp xòe", đề phòng trường hợp robot "râu" không phát huy hiệu quả.
Đúng như dự tính, đội Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục trước đội Nhật Bản, rồi vượt qua nốt Sri Lanka để vào vòng trong bằng "cửa trước" chứ không chịu làm đội "nhì có thành tích tốt nhất."
Trận tiếp theo gặp đội Malaysia, FXR đã giành thắng lợi trong một trận đấu "nghẹt thở", vì robot cầm tay của cả hai đội đều mải cản nhau, chỉ có robot tự động làm việc. Tỷ số 10-8 nghiêng về đội Việt Nam nhờ có những chú robot tự động thông minh. Hú vía!
Vào trận tứ kết, Việt Nam gặp ngay đội chủ nhà Hàn Quốc. Đội tuyển "Kim chi" rất mạnh, đồng thời lại được thi đấu trên sân nhà nên các cổ động viên Việt Nam cũng phải gắng sức "thi đấu" để động viên tinh thần cho FXR. Một góc khán đài đỏ rực với cờ đỏ sao vàng, băng-rôn, còn bản thân khoảng 80 cổ động viên Việt Nam thì mặc áo thi đấu của đội tuyển... bóng đá nam. Việt Nam giành chiến thắng áp đảo với tỷ số 15-3, vào thẳng trận chung kết để gặp đội tuyển Trung Quốc.
Đánh giá cao đội Trung Quốc, các thành viên FXR không dám lơ là một giây phút nào. Vì vậy, khi nghe hiệu lệnh, người điều khiển robot cản phá của Việt Nam đã "đi trước một bước" để vào vị trí xuất phát, trong khi đội Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng. Do vậy, chúng ta đã nhanh chóng chiếm ưu thế và giành chiến thắng tuyệt đối đầy thuyết phục trước đội Trung Quốc, xứng đáng với ngôi vô địch.
Tuy nhiên, công đầu trong chiến thắng này phải được ghi cho robot cản phá của FXR: không những có tốc độ nhanh hơn, xuất phát sớm hơn mà còn có chiến thuật thi đấu hợp lý hơn. Chú robot cản phá này có cái "râu" rất dài (đã từng "hạ gục" đội Nhật Bản), khi hoạt động sẽ bật ra và ghim chặt xuống sàn đấu với hai chiếc van mút nên "đối thủ" có mạnh đến đâu cũng "chịu chết", không thể đẩy nó ra khỏi vị trí được. Hơn nữa, người điều khiển đã khôn khéo cho robot cản phá chạy hơi lệch về phía mình, do vậy rút ngắn được quãng đường chạy và đến điểm cắt nhau với robot cản phá đội bạn trước. Vượt "Vạn Lý Trường Thành" thành công, Việt Nam trở thành nhà vô địch của Robocon 2004 khu vực châu Á-Thái Bình dương.
Trả lời phỏng vấn báo chí, khi được hỏi là có nghĩ đến ngôi vô địch hay không, một thành viên Đội FXR đã thẳng thắn trả lời là "Có". Vẫn biết có nhiều yếu tố để làm nên chiến thắng, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất phải là tự tin ở chính mình.
Mong sao chúng ta giữ mãi được ngọn lửa niềm tin này trong các giải Robocon sau, đặc biệt là khi Việt Nam tổ chức giải trên "sân nhà" vào năm 2007.
-
Khánh Hà
Tin, bài liên quan:
Robocon Việt Nam: Vô địch châu Á-Thái Bình dương!
Cú đúp của FXR: Vô địch Robocon 2004 VN và khu vực
FXR đã chuẩn bị ra sao cho "cú đúp"?