(VietNamNet) – “Ta chưa có cộng đồng phần mềm nguồn mở (PMNM), ngoài một vài diễn đàn trên Internet lẻ tẻ, tự phát và không có tổ chức.” - ông Hồng Quang, Viện Tin học Pháp ngữ bức xúc nói.
Tại hội thảo quốc gia lần III về PMNM tổ chức tại TP.HCM, trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam 2004 vào ngày 6/7, ông Hồng Quang nhận xét: Từ hội thảo quốc gia lần I tổ chức vào năm 2000 đến nay, việc phát triển phần mềm mã nguồn mở ra cộng đồng vẫn chưa có gì khá hơn. Trong khi đó, Nhà nước chi kinh phí hàng tỷ đồng cho các chương trình phát triển PMNM nhưng chưa thấy Nhà nước thúc đẩy hình thành một cộng đồng PMNM. Bao giờ mới có một Hội Linux Việt Nam?
Trên đây chỉ là một bức xúc của các nhà chuyên môn đặt ra tại hội thảo quốc gia về PMNM lần này. Tuy nhiên, theo các báo cáo tại hội thảo, Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong việc ứng dụng và phát triển PMNM. Viện Tin học Pháp ngữ (IFI) đã hoàn toàn sử dụng Linux phục vụ công tác giảng dạy và học tập ở Viện. Một số hệ thống máy tính thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã sử dụng Linux. Đã có hai sản phẩm Linux bao gồm hệ điều hành và bộ tin học văn phòng được Việt hoá. Công ty Máy tính CMC đã trúng thầu dự án trang bị máy tính cho hơn 100 trường THPT, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với trên 5.000 máy tính đã cài hệ điều hành của CMC trên nền nguồn mở.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 2/3/2004 phê duyệt Dự án tổng thể “Ứng dụng và phát triển PMNM ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008”. Trong đó, đáng chú ý là việc giao cho UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM chủ trì thử nghiệm ứng dụng và phát triển PMNM tại Hà Nội và TPHCM.
|
Ông Nguyễn Chí Công: "Cần khuyến khích tự nguyện sử dụng PMNM chứ không áp đặt.” (Ảnh: Hữu Thiện) |
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Hoàng Lê Minh, phó giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM bày tỏ sự lo ngại trong bối cảnh Việt Nam hiện có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới (93%, theo thống kê 2003) và gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã xử phạt một số công ty máy tính cài đặt những phần mềm không có bản quyền. Theo ông Hoàng Lê Minh, PMNM là "một giải pháp hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền... Việt Nam cần mạnh dạn chuyển qua sử dụng PMNM, trước mắt là trong các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan chính quyền, doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Công, tổ trưởng Tổ chuyên môn của Đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (thường gọi là Đề án 112) lưu ý: “Ngay từ năm 2002, Tổ chuyên môn Ban Điều hành Đề án 112 đã lựa chọn phương án công nghệ PMNM cộng sinh với phần mềm nguồn đóng". Theo ông Nguyễn Chí Công, “xây dựng hệ thống thông tin là mục đích, công nghệ chỉ là phương tiện, dữ liệu là tài sản lớn nhất. Cần khuyến khích tự nguyện sử dụng PMNM chứ không áp đặt. Tránh hô khẩu hiệu duy ý chí hoặc... cơ hội, gây lãng phí thời giờ và tiền bạc”.
Trong thực tế, theo một thăm dò của Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM khi triển khai thí điểm một chương trình ứng dụng PMNM, hầu hết nhân viên Sở đều công nhận là phần mềm Open Office dễ sử dụng và có các chức năng không kém bộ phần mềm văn phòng MS Office (MicroSoft) nhưng nếu được lựa chọn, họ vẫn thích... sử dụng phần mềm của hãng MicroSoft hơn!
Bích Vân