(VietNamNet) - Đó là thông báo mới nhất từ Trung tâm Thú y vùng TP.HCM ngày 28/6/2004. Được biết sau khi Nhà nước công bố hết dịch cúm gia cầm, liên tục trong những tháng 4, 5, 6 dịch bệnh vẫn xảy ra.
Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm mới đây đã phát hiện sáu tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang và Quảng Ngãi đã tái phát một số ổ dịch cúm gia cầm (týp H5). Số gia cầm bị mắc bệnh hơn 10.000 con; trong đó Bạc Liêu có 6.000 con gà đẻ, Vĩnh Long 4.000 cút...
Khảo sát huyết thanh trên đàn giống gia cầm cho thấy: Tại Tiền Giang, huyết thanh dương tính trên đàn gà giống chiếm tỷ lệ 0,59% (10/1.676 mẫu). Tại sáu tỉnh, thành Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Tây Ninh, TP.HCM, và An Giang: Có huyết thanh dương tính trên một số đàn vịt giống. Thông qua kết quả khảo sát huyết thanh, tỷ lệ số đàn nhiễm bệnh tại Tây Ninh là 60% (6/10 mẫu), Long An 41% (76/183 mẫu).
"Bệnh cúm gia cầm đã tái phát lẻ tẻ ngay từ tháng 4 ở Đồng Tháp, tháng 5 ở Vĩnh Long và Quãng Ngãi. Vào tháng 6, bệnh phát rầm rộ hơn ở các tỉnh Cần Thơ, Bạc Liêu và Tiền Giang. Bệnh tái phát tập trung trên đàn gà mới nuôi từ 3-8 tuần tuổi tại Tiền Giang, Cần Thơ, trên đàn gà đẻ tại Bạc Liêu." - TS Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Trung tâm Thú y vùng TP.HCM, nhận định - "Khả năng bệnh sẽ tái phát rộng hơn ở các tỉnh vừa nêu và có thể lây lan sang các tỉnh khác ở phía Nam".
Theo ông Bình, hiện nay nguồn bệnh cúm gia cầm H5 vẫn còn tồn tại trên đàn thủy cầm rất cao. Số vịt mang mầm bệnh này hiện còn rất nhiều và chưa được tiêu hủy. Nguồn bệnh luôn thải ra môi trường và có thể gây bệnh trên đàn gà và đàn vịt mới đem về nuôi và khi mật độ nuôi tăng.
|
Kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển và bán chạy gia cầm bị bệnh sẽ lại là gánh nặng cho cán bộ thú y? |
Trong khi đó, việc tái sản xuất đàn gia cầm ở các tỉnh tăng rất nhanh: Chỉ trong ba tháng, mỗi tỉnh đã tăng từ 0,5-1,5 triệu con gia cầm (Long An 1,5 triệu con, Tiền Giang 1,5 triệu con, Bình Dương và Đồng Nai 2 triệu con, các tỉnh khác từ 500.000 đến 1 triệu con). Mặc dù vậy, công tác quản lý giám sát dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển vẫn chưa chặt chẽ, các chủ trương chính sách xử lý, hỗ trợ tiêu huỷ đàn gia cầm khi dịch tái phát ở các tỉnh cũng chưa rõ ràng. Hiện tượng dịch bệnh tái phát song người chăn nuôi không báo cho thú y và chính quyền địa phương, đem gà bệnh bán chạy để tận thu nguồn vốn vẫn tiếp tục là nguy cơ rất lớn cho sự tái phát và lan rộng dịch cúm gia cầm cho các tỉnh phía Nam.
Để kịp thời ngăn chặn dịch tái phát và chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch, theo Trung tâm Thú y vùng TP.HCM, các cơ sở giống cần tập trung thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và triển khai thực hiện tốt công điện "khẩn cấp chống dịch cúm gia cầm" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra ngày 23/6/2004.
Nam Anh