(VietNamNet) - Trao đổi với KS Bùi Trọng Hiếu, phó giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TPHCM (CITENCO) về việc thương thảo với Ngân hàng Thế giới (WB) để “bán” lượng khí thải lên đến hàng triệu tấn...
Được biết TP.HCM, mà trực tiếp là CITENCO đang xúc tiến cùng WB việc "bán" khí thải từ các bãi xử lý rác của Thành phố. Do đây còn là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam, ông có thể giải thích rõ: WB "mua" khí thải để làm gì?
Mua bán khí thải gây hiệu ứng nhà kính: Thị trường toàn cầu |
Nội dung quan trọng nhất của Nghị định thư Kyoto là thiết lập các giới hạn ràng buộc mức phát thải các chất khí gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển (những nước này chịu trách nhiệm chính trong việc gây hiệu ứng nhà kính). Nghị định thư Kyoto cũng đưa ra được các biện pháp khuyến khích các nước phát triển khống chế việc phát thải các chất khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình phát triển nền kinh tế của nước mình.
Phụ lục 1 của Nghị định thư Kyoto có nêu rõ 34 nước phát triển phải cam kết giảm phát thải của mình vào năm 2008-2012 xuống dưới mức phát thải năm 1990. Để thực hiện việc này, Nghị định thư Kyoto đã đề nghị ba cơ chế nhằm thực hiện giảm phát thải toàn cầu với chi phí thấp nhất:
- Cơ chế phát triển sạch (CDM).
- Cơ chế đồng thực hiện (JI - phối hợp thực hiện các dự án hợp tác về khí hậu giữa các nước phát triển với nhau).
- Cơ chế buôn bán phát thải (ET - cho phép các nước phát triển "mua" lại chứng chỉ giảm phát thải từ các nước đang phát triển - những nơi có mức phát thải thấp, hoặc chưa đến ngưỡng yêu cầu giảm phát thải)
Cần phân biệt rõ: CDM không phải là vốn cho vay, viện trợ để phát triển mà là cơ chế thị trường, nghĩa là phải có đầu tư, cạnh tranh và mua bán. Các nước phát triển (bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân) đầu tư vào các dự án tại các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Các nước đang phát triển (bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân) được phép tự thực hiện các dự án trên.
Như vậy, thay vì bỏ ra nhiều chi phí để giảm ngay lượng phát thải tại nước mình, nước phát triển sẽ dùng số vốn đó đầu tư vào nước đang phát triển để nước này cải tạo công nghệ lạc hậu, giảm phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
Kết quả là lượng phát thải của thế giới giảm đi. Nước phát triển được lợi do bỏ ra chi phí thấp để giảm khí thải. còn nước đang phát triển được lợi nhờ có vốn để phát triển công nghệ tiên tiến và góp phần vào việc giảm phát thải trên thế giới. Các nước phát triển đầu tư vào các dự án theo cơ chế nói trên sẽ lấy lượng phát thải giảm được làm chỉ tiêu của mình. Các nước đang phát triển có thể bán chỉ tiêu giảm phát thải cho các nước phát triển. (Tổng hợp) |
|
KS Bùi Trọng Hiếu: TP.HCM có thể tham gia thị trường mua, bán khí thải vào cuối năm nay! (Ảnh: Thu Thảo) |
- KS Bùi Trọng Hiếu: Đây đúng là một vấn đề còn rất mới ở nước ta, vì thế chúng tôi cũng phải vừa làm, vừa học. Việc WB "mua" khí thải thật ra là một chương trình lớn, mang tính toàn cầu. Theo Nghị định thư Kyoto (đã được 160 nước chấp thuận vào ngày 11/12/1997), các nước công nghiệp phát triển đã cam kết phải giảm thiểu phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí CO2. Trong bối cảnh chưa thể giảm lượng phát thải, các nước này được phép “mua” lại chứng chỉ giảm phát thải từ các nước đang phát triển như Việt Nam chẳng hạn, nơi mà mức phát thải thấp hoặc chưa đến ngưỡng yêu cầu phải giảm thải.
Như vậy, thay vì phải bỏ ra ngay nhiều chi phí để giảm khí thải tại nước mình, các nước phát triển có quyền “mua” lại khí thải từ các nước đang phát triển bằng cách đầu tư giúp các nước đang phát triển cải tạo công nghệ lạc hậu, giảm lượng khí phát thải. Bù lại, nước phát triển được nhận một “chứng chỉ” giảm phát thải. Kết quả là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới sẽ giảm đi...
Việc thương thảo về vấn đề này với WB đã tiến triển đến đâu, thưa ông?
- Qua sự giới thiệu của Công ty Tư vấn Grontmij (Hà Lan), chúng tôi được biết WB có một quỹ để “mua” khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nước đang phát triển. Nếu không có gì thay đổi, vào khoảng tháng 6 - 7 tới đây, WB sẽ gởi đến chúng tôi bản hợp đồng mua bán mà hiện WB đang soạn thảo với các nội dung, điều khoản cụ thể. Trên cơ sở đó, CITENCO sẽ xem xét, báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM để Sở trình UBND TP.HCM quyết định việc thực hiện hợp đồng này.
Hiện CITENCO và WB đang thương thảo vấn đề gì?
- Theo tính toán, TP.HCM có ba nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể thu hồi và xử lý được. Đó là bãi chôn lấp Đông Thạnh (hiện đã đóng cửa), bãi số 1 của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi) và phần khí thải dư của bãi xử lý rác Gò Cát sau khi đưa vào phát điện.
Từ ba nguồn này, theo tính toán của các chuyên gia, có thể thu hồi, xử lý được khoảng ba triệu tấn khí thải (quy ra CO2). Có khả năng WB "mua" khoảng 2,5 triệu tấn khí thải, với giá 4 USD/tấn. Họ sẽ trả dần trong mười năm. Nếu thỏa thuận được, Công ty Tư vấn Grontmij sẽ đứng ra tư vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như các thủ tục để thực hiện hợp đồng này.
Nhưng để “bán” được khí thải, chúng ta phải làm gì?
- Bình thường, để bảo đảm vệ sinh môi trường, chúng ta phải thu khí từ các bãi xử lý rác để... đốt bỏ. Vì thế, chúng tôi nói vui: Nghề xử lý rác của chúng tôi chỉ toàn tiêu tiền Nhà nước. Nhưng nay, với việc tham gia vào thị trường thế giới mua bán khí phát thải, ta hy vọng có thể thu hồi lại số tiền đầu tư này. Nghĩa là ta vẫn phải bỏ vốn ra trước để đầu tư xử lý tốt khí thải ở các bãi rác. Sau này, WB sẽ trả tiền lại cho ta theo giá thỏa thuận và bằng phương thức trả dần trong mười năm...
|
Nếu cứ "hồn nhiên" xả khói thế này, bao giờ mới giảm được lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kình? |
Như vậy, TP.HCM phải ứng vốn trước để đầu tư để xây dựng các hệ thống xử lý khí thải ở các bãi rác?
- Hoặc TP.HCM phải bỏ kinh phí ra, hoặc một đơn vị nào đó bỏ vốn ra cùng Thành phố đầu tư vào hệ thống xử lý khí thải trước. Tiền thu về do WB trả sẽ được chia theo tỷ lệ góp vốn đầu tư (trong trường hợp có hợp tác đầu tư).
Đến khi nào TP.HCM sẽ chính thức tham gia thị trường mua bán khí thải này?
- Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, dự kiến đến hết năm nay (2004), chúng ta có thể tham gia thị trường này. Hiện CITENCO đang tích cực chuẩn bị các dự án tiền khả thi cho việc đầu tư vào các hệ thống xử lý khí thải ở các bãi rác. Song song đó, chúng tôi đang xúc tiến việc thương thảo với các đối tác để thúc đẩy đi đến ký kết hợp đồng mua bán khí thải.
Nông Khắc Ý (thực hiện) |