Một con bò được nhân bản từ một con bò nhân bản trước đó vẫn sống khoẻ mạnh và có khả năng sinh sản trên một trang trại ở Nhật Bản. Nó là bằng chứng sống cho thấy ''nhân bản chuỗi'' không chỉ thành công ở chuột.
|
Bò đen. |
Nhân bản chuỗi còn được gọi là tái nhân bản. Phương pháp này đã được sử đụng để tạo ra một con bò đực màu đen tên là Sho-zaburo vào năm 2000. Tuy nhiên, mãi cho tới hôm qua, thành công này mới được tuyên bố bởi các nhà nghiên cứu muốn đảm bảo con bò trưởng thành và hoàn toàn khoẻ mạnh. Động vật có vú duy nhất khác đã được nhân bản từ một động vật nhân bản cùng loài là chuột.
Một số nhà khoa học cho rằng không thể tạo ra động vật nhân bản thế hệ hai ở các động vật lớn hơn và mọi phòng thí nghiệm ngoại trừ nhóm nghiên cứu trên đã thất bại trong nỗ lực đó. Đột biến gien có xu hướng tích tụ khi tái nhân bản. Đột biến gien giải thích tại sao nhiều động vật nhân bản chết sớm khi còn là bào thai hoặc ở giai đoạn đầu đời sau khi sinh. Xiangzhong Yang, một trong ba tác giả nghiên cứu thuộc ĐH Connecticut (Mỹ) cho biết: ''Chúng tôi đã chứng tỏ rằng có thể tiến hành tái nhân bản ở những loài động vật bậc cao''.
Sho-zaburo là cháu của con bò Kamitakafuku, chết cách đây hai năm. Yang và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tạo ra sáu con bò nhân bản từ ADN trong tế bào da ở tai của Kamitakafuku vào năm 1998 khi nó 17 tuổi. Ba tháng sau khi những động vật nhân bản thế hệ đầu tiên này chào đời, các nhà khoa học đã lấy tế bào từ tai của một con tên là Saburo, kết hợp ADN đó với trứng bò rỗng (đã được rút nhân) để tạo ra 358 phôi. Sau đó, 19 phôi thai nhân bản khả thi được cấy vào tử cung của bò mẹ mang thai hộ.
Tuy nhiên, chỉ có hai con bò nhân bản thế hệ hai chào đời vào mùa đông năm 2000. Một con chết do thiếu máu và nhiễm khuẩn ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, Sho-zaburo sống sót và khoẻ mạnh. Sho-zaburo không có dấu hiệu suy thoái nhiễm sắc thể - hiện tượng lão hoá sớm. Yang cho biết ông không thể giải thích tại sao Sho-zaburo có khả năng sinh sản mặc dù tinh trùng từ Saburo không thể làm các con bò khác mang thai. Bí ẩn vô sinh ở những con bò nhân bản thế hệ hai cần được nghiên cứu để xác định tiềm năng của nhân bản trong chăn nuôi. Nỗ lực tạo thế hệ động vật nhân bản thứ ba đã thất bại sau khi 248 trứng kết hợp được sử dụng. Có sáu ca mang thai song tất cả bào thai bị sẩy trong vòng 100 ngày.
Thí nghiệm trên có ít tác động về thực tiễn bởi tái nhân bản và thậm chí là nhân bản không hiệu quả. Các chuyên gia nhân bản chẳng hạn như Jose Cibelli thuộc ĐH Michigan nói rằng khó khăn của Yang trong nhân bản bò thế hệ hai và thất bại liên tiếp trong việc tạo bò nhân bản thế hệ ba là bằng chứng cho thấy một cơ chế quan trọng tên là telomere bị lỗi ở động vật nhân bản.
Để nhân bản, các nhà nghiên cứu thay thế vật liệu di truyền trong trứng bằng ADN từ động vật cần được nhân bản. Bằng cách sử dụng sốc điện và một số biện pháp khác trong phòng thí nghiệm, trứng bị lừa để ''tin'' rằng nó đã được thụ tinh và phát triển thành một phiên bản giống hệt động vật cho ADN về mặt di truyền. Mặc dù các chuyên gia nhân bản ngày càng thành thạo hơn trong lĩnh vực này song vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong số hàng trăm phôi nhân bản được tạo ra, chỉ có một động vật nhân bản chào đời và chúng thường bị béo phì hoặc mắc các chứng bệnh khác. Yang hy vọng công trình tái nhân bản của ông sẽ giúp tìm ra những gien gây lỗi tái lập trình.
Rudolf Jaenisch, chuyên gia nhân bản thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết ngày càng khó để nhân bản các loài gặm nhấm qua sáu thế hệ. Các vấn đề về kích hoạt các gien đúng cách trong quá trình phát triển của phôi giải thích tỷ lệ thành công giảm dần trong ''nhân bản chuỗi'' và những dị tật ở nhiều động vật nhân bản. GS George Seidel thuộc ĐH Colorado cho rằng điều quan trọng là các nhà khoa học đã chứng minh vẫn có thể tiến hành nhân bản chuỗi mặc dù gặp nhiều khó khăn. Seidel và Jaenisch nhất trí rằng nghiên cứu mới cũng là bằng chứng cho thấy tế bào của động vật nhân bản không lão hoá nhanh hơn tế bào của động vật khác.
|