Trong khi các nước láng giềng như Đức, Thuỵ Điển… đang nói “không” với điện hạt nhân (ĐHN) thì Pháp lại tiếp tục khẳng định sự đóng góp dài hạn của nguồn năng lượng này trong bối cảnh tự do hóa thị trường năng lượng.
|
Một nhà máy điện hạt nhân ở Pháp. |
Dĩ nhiên, các nước Đức và Thuỵ Điển vẫn còn "sống chung" nhiều năm với nguồn điện do các nhà máy ĐHN cung cấp, và chỉ đóng cửa dần các lò hạt nhân khi hết hạn sử dụng. Tuy vậy, chủ trương này chỉ là của ngày hôm nay, vì tương lai nguồn năng lượng của họ vẫn phụ thuộc vào triển vọng đáp ứng đến đâu của các nguồn năng lượng “sạch” như gió, thuỷ triều, năng lượng mặt trời v.v… đối với sự thiếu hụt điện năng. Đó là chưa kể sự chi phối bởi tương quan chính trị nội bộ, nhất là vai trò của các đảng "Xanh" đối với vai trò của ĐHN trong chính sách năng lượng quốc gia.
Riêng nước Pháp, với tỷ trọng ĐHN chiếm khoảng 70% tổng điện năng, vẫn tiếp tục chủ trương xây thêm lò năng lượng mới. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp Francis Mer báo rằng một quyết định "tích cực” liên quan tới việc xây dựng tổ máy đầu tiên thế hệ mới EPR (European Pressurised Water Reactor) có thể sắp được đưa ra.
Đồng thời, Pháp cũng chủ trương kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân đã vận hành từ hàng chục năm trước. Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (ASN) đã cho phép ngành điện nước này vận hành toàn bộ 34 tổ máy 900 MW thêm 10 năm nữa, sau khi chúng phải qua được đợt thanh tra lần thứ hai (theo định kỳ 10 năm một lần). Quyết định này thể hiện sự hỗ trợ quan trọng cho công ty điện lực quốc gia Pháp (EDF) trong mục tiêu kéo dài tối đa tuổi vận hành lò nhằm hạ thấp hơn nữa chi phí sản xuất điện trong bối cảnh tự do hoá thị trường năng lượng.
Theo bà Nicole Fontaine, Quốc vụ khanh phụ trách công nghiệp, trong kế hoạch về cải tổ toàn diện chính sách năng lượng quốc gia, chính phủ Pháp cam kết tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân đồng thời khuyến khích sử dụng khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo. Dù vậy, Quốc hội Pháp sẽ thông qua cuộc bỏ phiếu chính thức để khẳng định quan điểm tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân trên cơ sở dài hạn.
Trần Thanh Minh (Theo ASN, EDF, VAEC) |