Hoàn tất chuyển đổi nhiên liệu lò hạt nhân Đà Lạt
(VietNamNet) - Ngày 15/9, đại diện hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đã công bố hoàn tất việc chuyển đổi lò phản ứng nghiên cứu dân sự hạt nhân Đà Lạt từ chế độ uranium giàu cao sang uranium giàu thấp.
>>Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt: Dùng Uranium độ giàu thấp>>
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hạt nhân Phạm Văn Làm và Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak tại buổi lễ công bố. (Ảnh: B.V)
Việc chuyển đổi trên nằm trong khuôn khổ bản tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ được ký giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hoa Kỳ George Bush hồi tháng 11/2007, cũng như tuyên bố chung ký giữa Tổng thống Liên bang Nga Putin và Tổng thống Bush tháng 2/2005.
Tại lễ công bố, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michalak và TS. Bùi Văn Quyền, trưởng đại diện phía Nam của Bộ Khoa học Công nghệ đã cùng biểu dương sự hợp tác thành công của hai bên trong dự án đặc biệt này.
Dự án đã thành công trong việc chuyển đổi lò phản ứng Đà Lạt từ chế độ uranium độ giàu cao (High-enriched uranium -HEU) với 36% U-235 sang chế độ dùng uranium độ giàu thấp (Low-enriched uranium - LEU) với dưới 20% U-235.
Cơ quan An toàn Năng lượng Hạt nhân Mỹ (NNSA – National Nuclear Security Administration) cho biết đã hỗ trợ khoảng 2,4 triệu USD để thực hiện việc chuyển đổi này. Ngoài ra, NNSA cũng hỗ trợ việc nâng cấp lò phản ứng Đà Lạt và các cơ sở khác của Việt Nam có sử dụng chất phóng xạ.
Dưới sự chứng kiến của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), lượng uranium độ giàu cao tại lò phản ứng Đà Lạt đã được xuất sang Liên bang Nga một cách tuyệt đối an toàn.
Dự án này là một phần trong nỗ lực chung của ba nước Việt Nam, Liên bang Nga, và Hoa Kỳ, cũng như cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường sử dụng hạt nhân cho mục đích hòa bình, và giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn cho thế giới từ nguồn nhiên liệu uranium giàu.
Lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Ảnh: Viện Nghiên cứu Hạt nhân)
Cơ quan NNSA cho biết, trong khuôn khổ chương trình này, lò phản ứng Đà Lạt là lò thứ 50 trên thế giới đã hoàn tất việc chuyển đổi. Cho đến nay, đã có 17 chuyến vận chuyển uranium giàu về Liên bang Nga, với khối lượng khoảng 500kg (tương đương 20 đơn vị vũ khí hạt nhân).
Tại buổi lễ, TS. Bùi Văn Quyền đã chúc mừng sự thành công tốt đẹp của dự án, đồng thời bày tỏ hy vọng vào những hợp tác tiếp theo của hai bên trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân.
Đại sứ Michalak đã chúc mừng sự thành công của một chương trình hợp tác được phối hợp đồng bộ giữa các cấp của hai bên, dưới sự lãnh đạo của Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Trần Quốc Thắng, cũng như lãnh đạo và cán bộ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Ông cũng cho biết, trong chiến lược xây dựng các cơ sở năng lượng hạt nhân đến năm 2020 của Việt Nam, phía Hoa Kỳ có nhiều kỹ năng và năng lực để có thể hợp tác cùng Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên của IAEA cũng như của nhiều tổ chức năng lượng hạt nhân quốc tế khác như RCA (hợp tác vùng về hạt nhân), FNCA (diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á). Việt Nam cũng có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương về năng lượng hạt nhân với Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Bungari, Canada…
-
Bùi Văn