,
221
7941
Theo dòng thời sự
tdsk
/khoahoc/tdsk/
957714
Sốt xuất huyết tăng: Do muỗi, hay... biến đổi týp vi-rút?
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Sốt xuất huyết tăng: Do muỗi, hay... biến đổi týp vi-rút?

Cập nhật lúc 05:53, Thứ Bảy, 14/07/2007 (GMT+7)
,

 (VietNamNet) - Theo Sở Y tế TP.HCM, sốt xuất huyết tăng cao là do muỗi, lăng quăng do môi trường bị ao tù, nước đọng. Còn ngành môi trường bảo, chưa chắc vì Singapore đâu có muỗi nhưng bệnh vẫn cao.

BS. Lê Trường Giang, Sở Y tế TP.HCM, kiểm tra thực địa tình hình phòng chống sốt xuất huyết. (Ảnh: T.Giang)

Ngày 13/7, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với 24 quận huyện để đánh giá diễn biến của dịch sốt xuất huyết và tình hình phòng chống dịch ở các địa phương.

Sơ sẩy, "lăng quăng như bánh canh!"

"Trong đợt kiểm tra vừa qua ngày 7/7, tại một hộ dân quận 6, chúng tôi nhìn thấy 4 - 5 cái lu chứa nước không có chỗ nhúc nhích.... nằm kế kênh rạch. Bên trong mỗi cái lu đầy hết lăng quăng như bánh canh," BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kể.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, số người mắc sốt xuất huyết là  hơn 2.000 ca với 2 ca tử vong. Sốt xuất huyết bắt đầu tăng với cấp độ rất nhanh từ tháng 6/2007. 

Cộng đồng chủ quan  do bệnh nhiều nhưng tử vong ít, và thụ động trông chờ, ỷ lại vào các biện pháp y tế như phun xịt hóa chất

Người dân có hiểu biết nhưng chưa thật sự quan tâm và không hành động. Người dân biết để ngăn ngừa muỗi phải xúc lu. Nhưng xúc bằng cách nào, không ai trả lời được vì người ta không xúc lu bao giờ.

Nếu có sự quan tâm thực sự,  theo BS. Lê Trường Giang, chỉ cần một đứa trẻ 10 tuổi, mỗi ngày bỏ ra 5-10 phút, có thể khống chế được dịch sốt xuất huyết ở ngay trong gia đình.

"Hiện nay tháng 7, mỗi tuần, thành phố có 200 ca sốt xuất huyết nhập viện, so với đỉnh dịch của năm 2006 là 300 ca. Đây mới là thời điểm đầu dịch. Dịch sốt xuất huyết năm nay có khả năng vượt 2006 nếu không có các biện pháp triệt để," BS Lê Trường Giang cảnh báo.

Yếu tố đầu tiên khiến dịch lan truyền mạnh mẽ như vậy là do sự thay đổi của týp vi-rút Dengue. Vi-rút Dengue có 4 týp huyết thanh gọi là D1, D2, D3, và D4.

Những năm trước 2000, týp chủ đạo là D1. Sau đó, D2 phát triển nổi trội. Nhưng từ năm 2006, D1 bắt đầu quay trở lại. Sự thay đổi sau một khoảng thời gian khiến cho miễn dịch trong dân giảm đi. D1 năm nay chiếm đến hơn 50%.

Bên cạnh đó, đô thị hoá và sự ô nhiễm môi trường sống là nguyên nhân gây chủ yếu khiến muỗi phát triển. Ví dụ, các bãi rác, vật phế thải xen lẫn trong khu dân cư và dọc theo các tuyến kênh rạch; xí nghiệp, công ty có vật phế liệu, phế thải đọng nước; các công trình xây dựng đang thi công, các công trình làm đường cấp thoát nước; các khu vui chơi, giải trí ngoài trời không thường xuyên vệ sinh môi trường, dọn dẹp rác thải.

Một ổ dịch lăng quăng "nhỏ" - gạt tàn thuốc đầy nước mưa. (Ảnh: H.Cát) 

"Nếu chúng ta chỉ sơ sẩy, sơ ý, cây cảnh, hòn non bộ, đọng nước trên sân thượng.... đều là những ổ muỗi," BS Lê Trường Giang nói, "Nói không đâu xa, chiều hôm qua 12/7, cả Sở Y tế TP.HCM tiến hành dọn dẹp vệ sinh. Các ban công đọng đầy nước, đầy muỗi và lăng quăng."

Còn vùng ngoại thành, do việc cấp nước yếu, nhiều gia đình sử dụng nhiều lu vại trữ nước. Mỗi gia đình 4 - 6 lu chứa nước, cùng với khuôn viên nhiều cây cảnh, cỏ hoang, vật phế thải.

Có lăng quăng là có sốt xuất huyết?

Môi trường từ trong nhà ra đến ngoài sân, từ các cơ sở cho đến những khu nhà trọ, chứa đầy nguồn lăng quăng gây nên dịch sốt xuất huyết. Như vậy, làm sao không có người mắc bệnh sốt xuất huyết. Trẻ từ 1-15, nhất là 3-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết rất cao.

Nhiều tờ bướm tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết như BV Nhi Đồng 1, Trung tâm Truyền thống Giáo dục Sức khoẻ TP.HCM... đều nhấn mạnh "Không lăng quăng, không sốt xuất huyết" hay " Nhà không lăng quăng, trẻ em không bị sốt xuất huyết".

Họp để bàn chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tại Ủy ban Nhân dân TP.HCM (Ảnh: H.Cát)

BS.Giang đề nghị không nên giao khoán cho ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch. Sở Tài nguyên Môi trường phải chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Công chính, Sở Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Giáo dục & Đào tạo, Thành Đoàn... tổ chức thực hiện tổng vệ sinh toàn thành phố vào mỗi chủ nhật cuối tháng.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng tỏ ra lo ngại khi nhắc đến lứa tuổi mầm non. Một phần Sở Giáo dục đã có văn bản chỉ đạo, nhưng bên cạnh đó, các quận huyện cũng nên chỉ đạo tích cực hơn trong cao trào sốt xuất huyết này.

"Hiện nay các trường mầm non đã hoạt động trở lại. Mà các cháu vô cùng nhạy cảm, và có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Rất nhiều quận huyện có nhiều công trình xây dựng, đặc biệt gần trường học. Đây là yếu tố môi trường cho sốt xuất huyết xuất hiện," Đại diện Sở Giáo dục phát biểu.

Thế nhưng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho rằng các biện pháp diệt trừ lăng quăng không phải là quá khó. Điều ông băn khoăn nhất là khẩu hiệu "không có lăng quăng, không có muỗi" mà ngành y tế nêu, liệu đã là "chuẩn" chưa.

Ông dẫn chứng, ngay tại Singapore một quốc gia rất sạch sẽ mà cũng bị sốt xuất huyết. Do đó, chúng ta phải xác định xem nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh này là cái gì. Thứ hai phải tìm ra cho được ổ dịch, chứ như lúc nãy theo BS Giang thì "nó bàng bạc khắp thành phố".

"Sở Y tế phải đưa ra một chu kỳ để dự báo dịch. Năm ngoái như thế. Năm nay như thế và sang năm thế nào. Tôi nghĩ bệnh này phát triển gắn rất nhiều đến thời tiết. Vì Singapore cũng bị sốt xuất huyết, nên chúng ta cần phải rất tỉnh táo để đưa ra các giải pháp," Ông Chiến nói.  

  • Hương Cát 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,