Sốt xuất huyết: Bài toán chưa có lời giải
(VietNamNet) - Chỉ đạo yếu, thiếu phối hợp, không diệt trừ nổi muỗi, loăng quăng... Nhiều vấn đề đã được mổ xẻ tại Hội nghị triển khai "Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống sốt xuất huyết" diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 3/7.
6 tháng đầu năm 2007, theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước có 24.255 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 27 ca tử vong. Theo các chuyên gia, không còn là nguy cơ, sốt xuất huyết đã bùng phát thành dịch.
Phòng cấp cứu khoa Sốt xuất huyết - BV Nhi Đồng 1 luôn tấp nập vào những ngày cuối tháng 6. (Ảnh: H.Cát)
Ngày 3/7, hội nghị triển khai "Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống sốt xuất huyết" đã diễn ra tại Cần Thơ.
Hàng chục tỷ đồng mỗi năm, bệnh vẫn cứ tăng
Từ năm 1999, Dự án sốt xuất huyết được đưa vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS. Mỗi năm Nhà nước cấp cho Dự án từ 15 đến 25 tỷ đồng nên công tác phòng chống được triển khai rộng khắp tại các địa phương.
Thế nhưng, từ đầu năm 1990 trở lại đây, tại Việt Nam, bệnh xảy ra liên tục với cường độ và nguy cơ ngày một lớn, thường bùng phát thành dịch theo chu kỳ từ 3-5 năm.
Việt Nam từng phải đối phó với các vụ dịch năm 1983, 1987, 1998, 2004 với số mắc mỗi vụ dịch lên tới hàng trăm ngàn trường hợp, số tử vong từ vài trăm đến hơn một ngàn trường hợp.
Tình trạng quá tải do bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng tại một bệnh viện tuyến huyện ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: BS. Thanh Hùng)
Riêng trong các tháng đầu năm 2007, dịch sốt xuất huyết đã tiếp tục gia tăng tại nhiều tỉnh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm, cả nước có 24.255 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 27 ca tử vong. Số mắc tăng 23%, số tử vong tăng 37% so với cùng kỳ năm 2006.
Miền Nam có đến 20.922 trường hợp mắc, 25 trường hợp tử vong. Tại khu vực miền Trung, số mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2007 là 3.139 ca, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Mặt khác, sốt xuất huyết tăng cục bộ tại một số địa phương như với số người mắc và tử vong cao như Đồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Hà Nội, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang (số mắc tăng từ 2 đến 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Ngày 29/6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hoả tốc số 867/CĐ-TTg về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng và có nguy cơ xảy ra dịch lớn vào cuối năm 2007.
Trong công điện, Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân chủ yếu khiến cho dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, đặc biệt là cá tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ là do nhiều địa phương chỉ đạo thiếu kiên quyết, chưa thực sự coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm.
Chính vì vậy, chính quyền địa phương chưa thực sự huy động được hệ thống các ban ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, lơ là chưa tự giác thực hiện thường xuyên các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại gia đình và cộng đồng.
Năm 2007, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO), tình hình sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và tại Đông Nam Á. Tại Indonesia, số mắc 68.636, tử vong 748; số mắc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2006. Tại Thái Lan, số mắc 1.174, tử vong 14; số mắc tăng gấp 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Malaysia, số mắc là 20.658, tử vong 28; số mắc tăng 55% so với cùng kỳ năm 2006, Tại Singapore, số mắc 2.472, tử vong 2; số mắc tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. |
"Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng tại địa phương còn yếu, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp để có thể khống chế được dịch. Một số cơ quan, đoàn thể còn xem đây là trách nhiệm riêng của ngành Y tế," PGS. TS. Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, nói
Một phần khác, chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa sâu sát tới các hộ gia đình. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng chống sốt xuất huyết chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo Cục Y tế Dự phòng, lực lượng cán bộ y tế các tuyến đặc biệt là các tuyến huyện/ thị xã/phường và các cộng tác viên còn thiếu về số lượng và năng lực, hoạt động chưa hiệu quả.
Sự phối hợp trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán, và điều trị tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Và dự án phòng chống sốt xuất huyết thiếu một mô hình phòng chống có hiệu quả và bền vững.
Diệt muỗi, loăng quăng: Bài toán chưa có lời giải
Còn Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến, cho rằng công tác phòng chống sốt xuất huyết còn gặp nhiều khó khăn do những yếu tố về môi trường, thời tiết, đặc điểm của các týp vi-rút Dengue... đặc biệt là phụ thuộc vào ý thức của người dân.
Lu vại là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi. (Ảnh: BS. Nguyễn Đắc Thọ)
Việt Nam là nước vùng nhiệt đới, lúa nước, muỗi sinh sản và phát triển quanh năm. Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể truyền vi-rút cho thế hệ sau, do đó việc phòng chống sốt xuất huyết gặp khó khăn. Và, dịch bệnh đã lưu hành ở các tỉnh miền Nam nước ta.
Về mặt khách quan, diễn biến thời tiết bất thường, hiện tượng El-Nino làm cho nhiệt độ trên trái đất tăng dần, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi và phát triển, làm cho ngưỡng gây dịch thấp.
Có một mối liên hệ giữa lan truyền dịch, quần thể vector (muỗi) và tỷ lệ miễn dịch trong quần thể.
"Ở miền Nam, nhiệt độ luôn luôn cao hơn 30oC, đây cũng là điều kiện tốt phát sinh muỗi và ngưỡng gây dịch luôn luôn tiềm ẩn so với miền Bắc và miền Trung," PGS. TS. Vũ Sinh Nam giải thích.
PGS.TS Vũ Sinh Nam nói tiếp, các hộ gia đình ở vùng nông thôn chưa có nước máy, người dân phải chứa nước sinh hoạt trong hồ, lu, khạp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, lăng quăng sinh sản và phát triển. Trong khi đó, người dân chưa nhận thấy rõ chính mình là chủ nhân của quần thể muỗi, lăng quăng truyền bệnh để tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng trong nhà mình..
Do đó, cho dù dự án phòng chống sốt xuất huyết đã được triển khai có hiệu quả từ nhiều năm qua, nhưng Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long vẫn không thể khống chế được dịch. Thực sự, những quần thể vector truyền bệnh và ổ lăng quăng tồn tại rất cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng là một điều dễ hiểu, khi nhiều hộ gia đình do chủ quan, do mưu sinh, không thể kiểm tra mật độ lăng quăng trong khoảng 50 lu vại chứa nước quanh nhà mỗi ngày một lần. Ổ lăng quăng của Đồng bằng sông Cửu Long là ở những nơi này.
"Mỗi gia đình có ít nhất có ít nhất 5-7 cái lu, nhiều nhất 50 cái. Như vậy, mỗi năm, chúng ta cung cấp bao nhiêu nơi cho muỗi đẻ. Trong nhiều lu vại dù được đậy kín, chúng tôi đã từng đếm có lu chứa 1.600 con lăng quăng, 2.200 con hay thậm chí 4.000 con lăng quăng. Ở miền Nam, 80 - 90% lăng quăng tập trung ở các hồ hay lu vại chứa nước lớn," TS. Vũ Sinh Nam nói.
Số người mắc sốt xuất huyết thì cứ gia tăng, nhiều chuyên gia lo ngại, không còn là nguy cơ nữa mà dịch sốt xuất huyết đã thực sự bùng phát. Muỗi thì vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở.
Một con muỗi cái sống trung bình một tháng. Cứ 3-5 ngày, muỗi cái đẻ một lần với 50 - 100 quả trứng. 60% trứng nở, trong đó 50% là muỗi cái... Cứ như vậy, trong một tháng, bao nhiều muỗi và lăng quăng tung hoành khắp cộng đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đến năm 2008, Dự án sốt xuất huyết không được đưa vào trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Đến lúc đó, công tác phòng chống sốt xuất huyết ở các địa phương sẽ gặp càng nhiều khó khăn...
-
Hương Cát
Ý kiến bạn đọc: