Trung Quốc: Phát hiện albumin giả tràn lan
Một xì-căng-đan mới nhất về dược phẩm ở Trung Quốc vừa được khám phá: hàng loạt bệnh viện và hiệu thuốc ở tỉnh Cát Lâm sử dụng và kinh doanh albumin giả. Đồng thời, nhiều tỉnh và khu vực khác cũng đã phát hiện và tịch thu loại thuốc giả này.
Hơn 2.000 lọ Albumin giả đã được phát hiện 18 bệnh viện và 39 hiệu thuốc sỉ và lẻ ở tỉnh Jilin, Trung Quốc. Trong ảnh: Thuốc giả Viagra từng được phát hiện ở Trung quốc. Ảnh minh họa (Ảnh: AFP) |
Trong số 2.000 lọ thuốc giả nói trên, 1.554 lọ đã được cung cấp cho bệnh nhân, và số còn lại đã bị tịch thu bởi cơ quan thanh tra y tế địa phương.
Albumin được sản xuất từ huyết thanh người, là một loại protein được sử dụng để điều trị choáng do mất máu, phỏng, và giảm protein máu do phẫu thuật hay suy gan. Protein này cũng được dùng như một loại thuốc bổ trợ trong phẫu thuật tim hở.
Theo ông Xu Fei, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc, kết quả giám định cho thấy 7 trong số 36 mẫu albumin được gửi đến Viện là thuốc giả. Ông nói: “Không có một chút protein nào trong thuốc, vì thế nó hoàn toàn vô dụng. Đó là thuốc giả 100%”.
Trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, ông Chen Hongguo, trưởng bộ phận dược phẩm của Bệnh viện Nhân dân hạt Jingyu, tỉnh Cát Lâm, phát biểu: “Hậu quả do albumin giả gây ra có thể rất nghiêm trọng”. Ông cho biết bệnh viện này đã mua albumin giả từ Công ty Dược phẩm Jilin Yatai Wanlian. Theo Đài Truyền hình, một nhân viên kinh doanh của công ty này đã bị tạm giữ.
Trong khi đó, tờ China Business News cho biết Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Trung Quốc cũng đã tịch thu albumin giả tại nhiều tỉnh và khu vực khác, bao gồm Sơn Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Ninh Hạ, Thanh Hải và Trùng Khánh.
Tờ báo này cho biết một phụ nữ ở tỉnh Shandong đã chết sau khi sử dụng albumin giả được cho là của Công ty Sản phẩm sinh học Beijing Tiantan. Nhưng những chi tiết liên quan đến cái chết này vẫn chưa được công bố.
Thuốc giả: Một vấn nạn ở Trung Quốc |
Theo tờ Sydney Morning Herald, hàng giả và kém chất lượng được sản xuất hàng năm ở Trung Quốc có trị giá lên đến hàng tỉ USD. Một xì-căng-đan đầy tai tiếng trước đây là vụ chết chó và mèo ở Mỹ do ăn thực phẩm cho chứa gluten lúa mì nhiễm độc được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, cũng có nhiều báo cáo khác về các chất độc hại trong hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Gần đây, thuốc ho dạng sirô do Trung Quốc sản xuất có chứa DEG, một hoá chất công nghiệp, đã gây thiệt mạng ít nhất 100 người ở Panama. Và một trong những bê bối được dư luận quan tâm nhất đã xảy ra vào năm 2004, khi có ít nhất 13 em bé chết vì suy dinh dưỡng do được nuôi bằng thực phẩm trẻ em giả. |
Theo tờ báo này, một nhân viên của công ty nói trên cho biết từ tháng 2/2007 cho đến nay, công ty đã không sản xuất albumin vì thiếu nguyên liệu. Người này – hiện danh tính chưa được tiết lộ – nói: “Những kẻ sản xuất hàng giả đã lợi dụng tình trạng khan hiếm albumin để bán albumin giả dưới danh nghĩa công ty chúng tôi. Chúng tôi đang điều tra vụ việc này”.
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, nhu cầu ngày càng cao về albumin trên thị trường được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất thuốc giả. Albumin giả được đóng gói trong hộp và chai của các công ty dược phẩm đang hoạt động hợp pháp.
Theo tờ China View, lợi dụng tình trạng thiếu albumin trên thị trường, kẻ xấu đã sản xuất thuốc giả để thu lợi nhuận cực lớn: giá thành sản xuất một lọ albumin giả chỉ là 15 yuan (1,92 USD) nhưng giá bán lên đến 300 yuan (khoảng 38 USD).
Các quan chức y tế và công an Trung Quốc hiện đang tích cực điều tra nguồn gốc của thuốc giả, và bước đầu đã phát hiện được hàng loạt hóa đơn giả tại các bệnh viện và cơ sở kinh doanh albumin giả.
Hiện nay, các quan chức chính quyền tỉnh Cát Lâm chuyển tất cả các thắc mắc xung quanh thuốc giả đến Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Trung Quốc, vì họ cho rằng không có phát ngôn viên để trả lời những câu hỏi đó.
Theo hãng tin Reuters, một số bệnh viện sử dụng thuốc giả đã từ chối tiếp xúc với các phương tiện truyền thông trong nước và nước ngoài.
Vụ albumin giả nói trên được khám phá chẳng bao lâu sau khi cựu Cục trưởng Quản lý Dược và Thực phẩm Trung Quốc, ông Zheng Xiaoyu, bị kết án tử hình trong cuối tháng 5 vừa qua vì tội nhận hối lộ hơn 5 triệu yuan (650.000 USD) từ các công ty để cấp phép cho hàng trăm loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Việc bắt giữ và xét xử Zheng Xiaoyu đã dẫn đến một đợt truy quét thực phẩm và dược phẩm giả trên toàn quốc, trong bối cảnh người dân Trung Quốc hết sức lo ngại về tình hình sản phẩm giả hoặc kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường nước này.
-
Quang Thịnh (Theo China View, AFP, CNN, Sydney Morning Herald)