Việt Nam: Băng tan sẽ mất hơn 12% diện tích đất trồng
(VietNamNet) - Liên hợp quốc cảnh báo, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng tan băng. Khi mực nước biển dâng tăng 1 mét, 1/5 dân số sẽ mất nhà cửa và 12,3% diện tích đất trồng trọt của Việt Nam sẽ biến mất... Việt Nam cần xem xét vấn đề mực nước biển dâng cao trong kế hoạch phát triển kinh tế của mình.
"Băng tan: một vấn đề nóng bỏng" được chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay. "Bắc Cực đang nóng lên gấp đôi so với mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới", Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu trong thông điệp nhân Ngày Môi trường thế giới.
Khi những núi băng này tan chảy, Việt Nam sẽ phải mất hơn 12% diện tích đất trồng. Trong ảnh: Băng ở Bắc Cực (Ảnh: Worldviewglobalwarming) |
"Tuy nhiên, băng tan không chỉ là vấn đề của các địa cực... Khi mực nước biển dâng cao, các đảo nằm dưới mực nước biển và các thành phố ven biển sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt trên bề mặt trái đất".
Theo tính toán, nếu mực nước biển toàn cầu tăng thêm 1 mét, Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thiệt hại lên tới 17 tỷ USD/năm. 1/5 dân số sẽ mất nhà cửa và 12,3% diện tích đất trồng trọt của VN sẽ biến mất và 40.000 km2 diện tích đồng bằng và 17 km2 diện tích bờ biển ở khu vực các tỉnh lưu vực sông Mêkông sẽ chịu tác động của những trận lũ ở mức độ không thể dự đoán được.
Đến dự buổi lễ tại Đà Nẵng, tân Chủ tịch Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), bà Setsuko Yamazaki khẳng định lại quan điểm của Tổng thư ký LHQ rằng, đây là thời điểm để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu mang lại.
Bà nhấn mạnh: đã đến lúc Việt Nam cần xem xét vấn đề mực nước biển dâng cao trong kế hoạch phát triển kinh tế của mình.
Bà phân tích, nếu đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế là 8%, nhu cầu về điện năng vào năm 2010 sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2002. "Điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến mức khí thải nhà kính. Và VN cần sử dụng dầu mỏ và than hiệu quả hơn, chuyển sang sử dụng năng lượng có thể tái sinh và phát triển các công nghệ mới để hạn chế các khí thải độc hại".
Năm nay, Đà Nẵng được lựa chọn là điểm tổ chức Ngày Môi trường thế giới, nhằm thu hút sự chú ý đặc biệt vào khu vực ven biển miền Trung, nơi người dân đang chống chọi với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tác động của các cơn bão nhiệt đới và lũ lụt thường xuyên tới các khu vực người dân còn nghèo khổ.
Bà Yamazaki cho rằng: "Cần phải quan tâm tới những người dân trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu, những ngư dân, nông dân, những người có kinh nghiệm trong việc trồng cây chống cát và bảo vệ đất đai, những người hiểu về việc sử dụng nguồn nước một cách lâu dài, hiệu quả và những người đã được chuẩn bị đối phó với các thiên tai".
-
P. LoanÝ kiến của Bạn: