Phòng tử vong do bệnh “tê tê say say”?
Không nên uống nước từ lá rừng; nâng cao chế độ dinh dưỡng... Khuyến cáo của chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương (BV Nhi T.Ư) để phòng tử vong do bệnh "tê tê, say say". một bệnh đến nay chưa xác định rõ nguyên nhân.
Tháng 3-4 hằng năm là thời điểm gia tăng bệnh nhân mắc “tê tê say say”.
Bệnh đã được phát hiện từ năm qua tại tỉnh Hòa Bình, nhưng đến án thời điểm này, các nghiên cứu chưa thể xác định chính xác, toàn diện nguyên nhân gây bệnh.
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm
BV Nhi T.Ư vừa có cuộc khảo sát mới nhất và đưa ra biện pháp cấp bách phòng tử vong cho bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm , Giám đốc BV cho biết: Việc điều trị dự phòng được áp dụng trong những năm qua chủ yếu bằng bổ sung vitamin B1 liều cao kết hợp với một số thuốc khác cùng với hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng.
Thực ra, "tê tê say say" là cách gọi theo biểu hiện bệnh, bởi người mắc có các triệu chứng mỏi mệt, hạn chế vận động tứ chi, khó thở, tức ngực.
Đã có trường hợp tử vong rất nhanh chóng, chỉ sau 20 - 45 phút biểu hiện bệnh mà không kịp cấp cứu.
Tình trạng này thực sự khiến người dân hoang mang, thậm chí không dám đi làm xa hoặc không dám cho con đi học vì sợ không được cứu chữa kịp thời.
Hiện tại, rất cần thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng tử vong cho người dân vì theo kinh nghiệm, bệnh "tê tê say say" thường xuất hiện nhiều vào tháng 3-4 trong năm.
Ông Liêm cũng cho biết thêm: đã có hai cuộc khảo sát tại địa phương, lấy các mẫu xét nghiệm và mời chuyên gia nước ngoài trực tiếp tham gia. Kết qua cho thấy bệnh nhân mắc bệnh đều có tình trạng thiếu hụt B1. Nhưng chưa rõ nguyên nhân nào dẫn đến thiếu hụt B1.
Bên cạnh việc lấy mẫu máu xét nghiệm, các chuyên gia chuyên ngành đang tiếp tục điều tra về thói quen ăn uống, sinh hoạt của người dân, trong đó phân tích về thành phần của một số cây, lá mà người dân trong vùng thường sử dụng để làm nước uống hằng ngày.
Tại thời điểm này, ngoài việc khám, cấp thuốc cho bệnh nhân, các chuyên gia đã có hướng dẫn cho người dân về chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng.
Điều đáng lo ngại hiện này , điều kiện cấp cứu tại chỗ cho người bệnh còn hạn chế vì y tế xã hiện còn thiếu các thiết bị thiết yếu. Trong khi đó, khi bệnh nhân có biểu hiện bệnh rất cần được cấp cứu nhanh tại chỗ, vì nếu chuyển lên trên, có thể đã quá muộn.
Vì vậy, hiện tại, biện pháp khẩn cấp cần tăng cường ngay các thiết bị cần thiết cho y tế xã, tăng cường nhân lực từ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn. Việc duy trì bổ sung vitamin B1 là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần bổ sung canxi cho những bệnh nhân canxi thấp. Người dân cũng không nên uống nước một số loại lá cây rừng, vì theo nghiên cứu ban đầu, có thể trong lá đó có thành phần gây ngộ độc.
(Theo Thanh Niên)