Bùng phát bệnh tay chân miệng và viêm não ở trẻ em
Từ đầu tháng mười đến nay khoa nhiễm của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã tiếp nhận hơn 200 trẻ em bị viêm não và tay chân miệng, trong đó có rất nhiều trẻ bị biến chứng nặng.
Các bác sĩ cảnh báo, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng và viêm não ở trẻ em.
Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 16/10, tại phòng cấp cứu của khoa nhiễm của BV Nhi Đồng 1, có 13 BN đang nằm điều trị và hầu hết bị bệnh tay chân miệng và viêm não. Trong đó có bốn trẻ bị biến chứng nặng nằm hôn mê.
Có nhiều trường hợp các bệnh nhân khi chở vào bệnh viện Nhi Đồng 1 đều ở tình trạng hơn mê và sốt cao như bé Trần Thị Tú Oanh (6 tuổi ở Châu Thành, Cần Thơ), bé Lê Thị Mỹ Xuyên (14 tháng tuổi, Ô Môn, Cần Thơ), bé Phạm Trần Quốc Trung (19 tháng tuổi, Hóc Môn, TP.HCM), bé Đinh Lê Cát Tường (5 tuổi, Phú Quốc, Kiên Giang)...
Số liệu đáng chú ý là trong tháng 8/2006, có 205 bệnh nhân nhập viện điều trị, sang tháng 9 là 304 ca. Thế nhưng chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng mười, số ca mắc đã vọt lên 201 bệnh nhân. Đa số trẻ bị bệnh ở độ tuổi dưới 5 tuổi.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM: Nguyên do bùng phát bệnh viêm não ở trẻ em là vì có liên quan đến bệnh tay chân miệng. Ngày 16/10, tại khoa có 40 trẻ bị viêm não đang nằm điều trị, trong đó 14 ca viêm não liên quan đến bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, có một số ca xét nghiệm đã tìm ra nguyên nhân là do enterovirus 71. Khi bị bệnh tay chân miệng trẻ xuất hiện các bóng nước có kích thước 2-10mm, màu xám, hình ô van.
Hiện nay tác nhân enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa tốt nhất hiện nay là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống. Nên cho trẻ nghỉ học hay tránh tiếp xúc với trẻ bệnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác khi tiếp xúc.
Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 gây ra, một số trẻ sẽ có biến chứng rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Khanh, trẻ có biến chứng viêm não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như: khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật.
-
Tú Ân (Theo Tuổi Trẻ)