,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
840624
Bệnh “tay, chân, miệng” bùng phát dữ dội
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Bệnh “tay, chân, miệng” bùng phát dữ dội

Cập nhật lúc 09:17, Thứ Năm, 14/09/2006 (GMT+7)
,

Trong những ngày qua, khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) không còn một chỗ trống. Khoa có 80 giường nhưng mỗi chiếc giường phải "gánh" đến 4 - 5 bệnh nhi. Khoa Nhiễm quá tải vì bệnh "tay, chân, miệng" đang tấn công trẻ dữ dội...

Soạn: AM 895109 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Khoa nhiễm “quá tải” vì bệnh tay, chân, miệng ở trẻ (ảnh: Thanh Niên)

Theo Báo Thanh Niên, số ra ngày 14/9, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang bị tràn ngập bởi các bệnh nhi mắc bệnh tay, chân, miệng.

Hiện tại, Bệnh viện có đến 50 trẻ mắc bệnh "tay, chân, miệng" đang nằm viện, trong đó có đến 17 trẻ bị biến chứng thần kinh (chiếm 30%).

Không còn giường, nhiều phụ huynh phải trải chiếu ra hành lang buồng bệnh cho trẻ nằm để thoáng bớt.

Y, bác sĩ chạy tới chạy lui như chong chóng.

Một số trẻ bị nhẹ nhưng cần phải theo dõi, người nhà đã chọn phương án ở gần bệnh viện, để nếu bệnh có diễn tiến nặng thì đưa trẻ trở lại bệnh viện kịp thời. Về nhà thì xa, mà ở trong bệnh viện thì đông quá, người nhà sợ bệnh trẻ nặng thêm!  

Thông tin về bệnh tay, chân, miệng đã đăng trên VietNamNet

*Trả lời một số câu hỏi về bệnh tay, chân, miệng

*Bệnh tay, chân, miệng: Cảnh báo biến chứng thần kinh

*Bệnh tay, chân, miệng: Trẻ dễ tử vong do chẩn đoán nhầm

*Đã có nạn nhân tử vong vì bệnh “chân tay miệng”

*Cần quan tâm đến sức khỏe của trẻ em trong mùa nắng nóng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh nói: "Không hiểu sao mấy ngày gần đây bệnh "tay, chân, miệng" lại rộ lên nhiều vậy. Theo thông lệ hằng năm, thường vào tháng 10, tháng 11 loại bệnh này mới xảy ra nhiều. Trong số trẻ nằm viện, chiếm 60% là trẻ ngụ ở TP.HCM. Hiện, bình quân mỗi ngày có trên 10 trẻ mắc bệnh "tay, chân, miệng" nhập viện điều trị nội trú; còn số đến khám, điều trị ngoại trú thì nhiều hơn nữa".

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở y tế, TP.HCM) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, đã có gần 900 trẻ ngụ ở TP.HCM mắc bệnh "tay, chân, miệng"".

Sở Y tế TP.HCM đang lo ngại  vì đang là thời điểm trẻ vừa nhập học. Trẻ ở nhà trẻ, mẫu giáo dễ lây nhiễm bệnh cho nhau.

Sở cũng đã có công văn phối hợp với phía Sở Giáo dục - Đào tạo, Thể dục thể thao... để cùng tham gia phòng bệnh.

Từ khoảng tháng 3/2006, bệnh tay, chân, miệng khởi phát từ Ninh Thuận đã lan nhanh ra các tỉnh phía Nam. Thoạt tiên, bệnh đã lây lan thành dịch ở 5/6 huyện, thị xã (gồm 26 xã, phường) với 128 người mắc bệnh. Tiếp đến, 23 trẻ em, phần lớn dưới 10 tuổi ngụ tại TP Qui Nhơn và các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Vân Canh, Phù Mỹ đã phải đến điều trị tại Bệnh viện Phong - da liễu Qui Hòa. Các em này mắc các triệu chứng sốt, nổi mụn nước trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, nhưng chưa có biểu hiện tổn thương thần kinh. Sau đó, thông tin từ Bộ Y tế cho hay, đã có 150 bệnh nhân mắc bệnh tay, chân, miệng ở Ninh Thuận, 90 ở Kiên Giang và dự đoán bệnh có thể lây lan ra miền Bắc nếu ngừa bệnh không tốt. Cũng vào thời điểm trên, bệnh tay, chân, miệng cũng đang lây lan nhanh tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM, như  quận 1, 5, 6, 8, 10, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh…

Bẵng đi một thời gian, nay, tại TP.HCM bệnh lại đang bùng phát trở lại. .

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, trường hợp trẻ mắc bệnh, phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất, không nhất thiết phải đến Bệnh viện Nhi đồng 1, gây quá tải trầm trọng.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh "tay, chân, miệng" thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi (dưới 3 tuổi là bị nhiều nhất). Nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi trùng đường ruột. Mức độ lây lan bệnh rất cao ở môi trường tập trung đông đúc như nhà trẻ, trường mẫu giáo...

Triệu chứng điển hình của bệnh chân, tay, miệng là: nổi những nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân (nhiều nhất), trong miệng (gây vết loét miệng), đầu gối, mông, hay nổi rải rác ở những vị trí khác trên cơ thể (đặc biệt, những bóng nước này khi ấn vào không đau); ban đêm trẻ ngủ hay bị giật mình, hoảng hốt, có kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy... Người nhà và bác sĩ không chuyên rất dễ nhầm lẫn bệnh "tay, chân, miệng" với một vài bệnh khác như dị ứng da, nhiễm trùng da, viêm họng...

Đối với những trường hợp nhẹ, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh thì không cần điều trị thuốc men gì nhiều, chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, an thần... Tuy nhiên trẻ cần được theo dõi sát, để xử trí kịp thời những biến chứng xảy ra. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo.

Nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi-rút Entero 71, thì có thể dẫn đến tử vong (do biến chứng lên não, màng não, gây co giật, gây viêm cơ tim, hôn mê...) nếu không xử trí kịp thời. Thường bệnh diễn tiến nặng sau một tuần khởi phát. Một khi đã bị nặng, thì việc chữa trị sớm là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bệnh tay, châm, miệng  không để lại di chứng (về thần kinh) như một số bệnh viêm não khác!

Bệnh "tay, chân, miệng" thường xảy ra hai đợt trong năm (đợt từ tháng 2 - tháng 4 và đợt từ tháng 10 - tháng 12). Do vậy, các bác sĩ khuyên thời điểm chuẩn bị vào "mùa" này, các bậc cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh cho trẻ. Không đơn thuần chỉ là ăn uống sạch sẽ, mà cần phải đảm bảo vệ sinh cả môi trường sinh hoạt, chơi đùa, sàn nhà, đồ chơi cũng cần giữ vệ sinh.

Đặc biệt, rất cần "đôi bàn tay sạch" ở người lớn - những người trực tiếp chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ...

  • T.A. (theo báo Thanh Niên)
,
,