Tiêu chảy, bệnh thường xảy ra trong mùa lễ hội
(VietNamNet) - Tiêu chảy cấp thường xảy ra vào mùa lễ hội, từ tháng 10, 11, 12 của năm trước qua tháng 1 năm sau. Nam thường gặp nhiều hơn nữ, đa số dưới 4 tuổi.
Đây là những cảnh báo của các chuyên gia trong hội nghị “Nội Nhi Mở rộng – 2006” ngày 18/8.
Ngay tại hội nghị một ngày do BV Nhi Đồng II báo cáo, trong 24 bài báo cáo của các bác sĩ, chuyên gia đã có 3 bài báo cáo về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ.
Bệnh tiêu hóa: Tiêu chảy chiếm đa số
Trong báo cáo "Bệnh tiêu chảy cấp tại BV Nhi Đồng II TP.HCM năm 2005: Lâm sàng và dịch tể học", ThS.BS. Phạm Thị Ngọc Tuyết, cho biết tại Việt Nam tiêu chảy luôn là một trong mười bệnh có số người mắc và chết cao trong nhiều thập niên qua.
Tại BV Nhi Đồng II, tỉ lệ nhập viện của các bệnh tiêu hóa trong các năm qua không thay đổi nhiều, nhưng tiêu chảy luôn chiếm đa số, với số tiêu chảy cấp là 6.739 trong gần 45.000 trường hợp nhập viện năm 2005.
"Tại các nước đang phát triển, khoảng 30% số giường bệnh dành cho trẻ bị tiêu chảy. Thiệt hại do tiêu chảy là cao nhất ở những nước nghèo, với những hậu quả lâu dài của vòng lẩn quẩn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tiêu chảy, suy dinh dưỡng. Chết do tiêu chảy là 15% nhưng chết do suy dinh dưỡng là trên 50%," BS Ngọc Tuyết lo ngại.
Dựa vào nghiên cứu trên 632 bệnh nhi tiêu chảy nhập viện BV Nhi Đồng II từ 1/1/2005 đến 31/12/2005, trẻ tiêu chảy cấp đa số là nam, ở nội thành TP.HCM, dưới 5 tuổi và nhiều nhất là từ 3 tuổi trở xuống. Theo BS Tuyết, bệnh xuất hiện đều trong năm, tăng dần từ tháng Mười và đạt cao điểm vào tháng Giêng năm sau.
Trong hơn một thập kỷ qua, một ký sinh trùng (KST) đường ruột mới được tìm thấy trong phân bệnh nhân mắc tiêu chảy, Cyclospora cayetanensis. Cyclospora cayetanensis là một đơn bào hình cầu có kích thước 8-10 µm,. Vi khuẩn có vỏ màu xanh đậm, bên trong có chứa các tiểu thể và các tiểu thể này cũng phát sáng. Khi đào thải ra khỏi cơ thể nó tồn tại thời gian dài ngoài môi trường, đặt biệt trong môi trường nước. Bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy do ký sinh trùng này gây ra thường tiêu chảy kéo dài, kèm với triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng nhẹ và sút cân. |
Trong khi đó, TS. Lê Công Dần, BV Nhi Trung Ương, báo cáo về trường hợp nhiễm Cyclospora c. đầu tiên ở Việt Nam. Đó là một bệnh nhân 10 tuổi bị tiêu chảy kéo dài trên 3 tháng vào năm 1997
Trần Tuấn A., 10 tuổi, đến phòng khám nhi bệnh viện Bạch Mai ngày 13/10/1997. Bệnh nhân mắc tiêu chảy trước đó 3 tháng. Ban đầu bị tiêu chảy toé nước nhưng sau phân nhão với các triệu chứng kèm theo như nôn, buồn nôn, đau bụng nhẹ, bụng chướng nhẹ, ợ hơi, vẫn đi ngoài phân toé nước. Bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc kháng sinh nhưng không khỏi.
TS Dần đã thu thập được mẫu phân của bệnh nhi này và xét nghiệm. Ông phát hiện ký sinh trùng Cyclospora.
Một bệnh nhi nam khác, Trần Văn Đ. ở Mễ Trì, Hà Nội. Bệnh nhân mắc tiêu chảy đi ngoài phân toé nước sau phân nhão, 5 lần/ngày kèm theo nôn, buồn nôn, sốt nhẹ, đau bụng, kém ăn, gầy, thể tạng xanh. Bệnh đến trạm y tế xã khám. Mẫu phân của bệnh nhân Đ xét nghiệm cũng cho thấy loài ký sinh trung này.
Theo TS Dần, triệu chứng lâm làng của hai ca nhiễm trùng do Cyclospora trên giống như mô tả trong y văn thế giới bao gồm tiêu chảy kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng nhẹ, sút cân nhanh.
Khi xét nghiệm nước bể chứa của gia đình bệnh nhi Trần Tuấn A., TS Lê Công Dần cùng cộng sự phát hiện có noãn Cyclospora c. Trong thời gian từ tháng 6/1999 đến tháng 6/ 2000, các chuyên gia đã tiến hành tìm sự có mặt của Cyclospora c. trong hệ thống cung cấp nước sạch tại Hà nội, bao gồm nước vòi và bể chứa, tại các điểm dân cư sử dụng nước và ghi nhận theo mùa. Qua đó, hầu hết các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đều có nhiễm loại ký sinh trùng này.
Việt Nam là một nước đang phát triển, nguồn cung cấp nước sạch thiếu, điều kiện vệ sinh, ăn, ở, môi trường chưa đầy đủ. Bệnh tiêu chảy chiếm tỷ lệ lớn và gây tử vong cao. Trong những năm gần đây với chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài khách du lịch vì vậy bệnh tiêu chảy du lịch có nguy cơ phát triển.
Lạm dụng kháng sinh
Tuy vậy, trong thời gian gần đây số bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện BV Nhi Đồng II có giảm. Nhưng BS Ngọc Tuyết bày tỏ lo lắng khi không ít những trường hợp bệnh nhẹ được cho nhập viện thay vì bác sĩ có thể hướng dẫn thân nhân điều trị tại nhà.
"Chỉ định kháng sinh đôi khi không dựa trên bằng chứng xác định vi khuẩn học. Một phần có thể do hạn chế của phòng thí nghiệm, một phần do bác sĩ điều trị thường dựa vào kinh nghiệm lâm sàng," BS Tuyết trình bày.
BS Ngọc Tuyết kết luận, sử dụng kháng sinh không đúng có thể kéo dài tình trạng mang khuẩn và thời gian nằm viện.
Vì tiêu chảy là hội chứng lâm sàng của nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan đến ỉa chảy nhiều lần ra phân nhão hoặc nước kèm theo sốt và nôn. Đó là dấu hiệu nhiễm khuẩn các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi-rút, và ký sinh trùng đường ruột.
Trong một báo cáo khác của mình, " Tỷ lệ nhiễm và mức độ đáp ứng kháng sinh của tác nhân vi sinh vật gây bệnh ở bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy tại BV Nhi Trung Ương", TS Lê Công Dần cho biết việc lạm dụng kháng sinh đã làm tăng tính kháng thuốc đối với vi khuẩn gây bệnh.
"Nhiều thuốc trước đây là thần dược với bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy đến nay đã bị kháng với tỷ lệ rất cao. Ngay cả một số kháng sinh thế hệ 3 cũng đã bị kháng," TS Dần cảnh báo.
Không chỉ có khả năng kháng thuốc cao, vi khuẩn gây bệnh còn có sự đa kháng đối với các loại kháng sinh. Và như vậy việc điều trị bệnh tiêu chảy ngày càng khó khăn hơn và nâng cao giá thành điều trị cho mỗi bệnh nhân.
-
Hương Cát