,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
818339
Sốt xuất huyết: Bệnh dễ tái nhiễm
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Sốt xuất huyết: Bệnh dễ tái nhiễm

Cập nhật lúc 20:46, Thứ Năm, 13/07/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet)-Đến ngày 13/7, tại khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1, trẻ mắc sốt xuất huyết độ 3,4 chiếm gần một nửa. Phần lớn trẻ bị nặng là tái nhiễm.

Soạn: AM 835155 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một ca sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng 1. (Ảnh: H.Cát)

Trong 85 bệnh nhân khoa sốt xuất huyết – huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 13/7, có 54 ca theo dõi và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh sốt xuất huyết độ 3,4 chiếm 20 em.

Sốt xuất huyết độ 3,4 chiếm gần một nửa

TS. BS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho biết, trong vòng 24 giờ qua từ ngày 12 – 13/7, BV Nhi Đồng 1 đã nhập viện cho 3 trẻ mắc bệnh sốt xuất độ nặng.

Tối ngày 12/7, khoa Sốt xuất huyết bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bé N.T.H, 9 tuổi, từ Bệnh viện Lê Lợi, Vũng Tàu. Trước khi được đưa lên BV Nhi Đồng 1, bé H đã nằm điều trị tại BV Lê Lợi, Vũng Tàu gần một tuần lễ.

Theo cha của bé H, từ trưa ngày 1/7, bé H đã có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết. Đó là đau đầu dữ dội và sốt nhẹ. Ông đã cho bé uống ngay thuốc Paracetamol để giảm sốt, nhưng không thay bớt. Tuy nhiên, khi đưa bé đến trạm xá quân y Vũng Tàu, y sĩ cho rằng bé H bị viêm họng và cho uống kháng sinh vì tiền sử trước đó, bé H cũng hay bị viêm họng.

3-4 ngày sau, bé H vẫn sốt cao, có lúc phải trùm mền bông. Sau khoảng một tiếng trùm mền, bé H lại kêu nóng và thân nhiệt bé lại lên cao. Nhưng các bác sĩ vẫn cho rằng bé H bị viêm phế quản và cho bé uống kháng sinh liều cao. Những ngày sau đó, bé H ăn cháo vào thì ói, uống thuốc viên nào ói ra viên ấy, nên gia đình quyết định đưa bé vào bệnh viện Lê Lợi, Vũng Tàu.

Tại đây, bố bé H kể lại rằng các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt xuất huyết. Diễn tiến bệnh của bé H là tiếp tục đau đầu, đau bụng, ói mửa, Trong ba ngày nằm tại khoa Nhi, đến ngày thứ ba bác sĩ mới cho bé H truyền dịch khi phát hiện bé sốt cao và bị chảy máu chân răng. Bố bé H nhớ lại, lúc đó huyết áp của bé không còn đo được, mạch lịm đi. Bé H bị sốc đến trụy tim mạch. Các bác sĩ khoa nhi lập tức chuyển bé đến khoa Cấp cứu – Hồi sức.

Sau ba ngày nằm tại khoa Hồi sức, bé H vẫn sốt cao. Nhiệt độ có khi lên tới 40,50C. BV Lê Lợi phải chuyển bé N.T.H lên bệnh viện Nhi Đồng với chẩn đoán sốt xuất huyết có nhiễm trùng.

Tái nhiễm, bệnh nặng hơn

“Phần lớn các ca bệnh nhi nặng đang điều trị tại khoa Sốt xuất huyết là những bệnh nhân tái nhiễm. Điều này phụ thuộc vào cơ chế miễn dịch của cơ thể,” BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết.

Soạn: AM 835157 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Thân nhân chăm sóc trẻ bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện. (Ảnh:H.Cát)

Theo BS Nguyễn Thanh Hùng, về lý thuyết, sốt xuất huyết có 4 týp D1, D2, D3, D4 (D: vi-rút Dengue). Vì vậy, trong suốt cuộc đời mỗi người đều có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần.Tất cả mọi lứa tuổi từ 1-2 tháng đến người già 50 – 60 tuổi đều có thể bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Có thể những lần mắc bệnh ấy là nhẹ, bệnh tự khỏi. Nhưng cũng có khả năng, người bệnh sốt xuất huyết ở các thể nặng hơn. 

Do đó, BS Hùng cảnh báo bất kể người nào có triệu chứng sốt cao từ hai ngày trở lên đều phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết và đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Các dấu hiệu kèm theo gồm chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói  và tiêu ra máu. Tình trạng trụy tim mạch thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Người bệnh hết sốt nhưng lừ đừ, bứt rứt, lạnh tím chân tay, vả mồ hôi, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo và tiểu ít.

 Bệnh có thể phòng được

Theo BS Nguyễn Văn Nghiệm, trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM, cho biết các ca bệnh sốt xuất huyết độ 3, độ 4 rất nguy hiểm dễ đưa đến sốc và trụy tim mạch.

Đỉnh cao của bệnh sốt xuất huyết của TP.HCM là vào năm 2003 – 2004. Trong năm 2004, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 8.000 ca bệnh sốt xuất huyết với 8 ca tử vong.

“1/1000 tuy là một tỷ lệ tỷ vong thấp so với thế giới, nhưng vào thời điểm đó, thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm hạ thấp mật độ muỗi xuống như thông tin giáo dục, kiểm tra, diệt lăng quăng, phun thuốc xịt muỗi,” BS Nghiệm nói

Với nhiều chiến dịch được triển khai làm sạch môi trường, diệt lăng quăng, đến năm 2005, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết chưa tới 50% so với năm 2004.

Tuy nhiên tỷ lệ này ở mỗi bệnh viện là khác nhau. Riêng BV Nhi Đồng 1, phần lớn các ca nặng như thế đều do các bệnh viện ở các tỉnh lân cận chuyển lên. Vì vậy, việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn vì cho đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi vào những cơn sốc, bệnh nhân cần phải được truyền ngay dịch truyền cao phân tử.

Hiện, sốt xuất huyết đang vào giai đoạn cao điểm của những tháng mùa mưa từ tháng 7 – 8 – 9 kéo dài đến tháng 10 – 11 thậm chí có thể kéo dài đến tháng 12 và tận tháng 1 sang năm.

BS Nghiệm cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa được nếu người dân không chủ quan từ những việc nhỏ như kiểm tra môi trường xung quanh nhà đến việc mắc mùng vào ban ngày. Ban ngày, muỗi vằn đốt rất dữ.

Thậm chí, BS Nghiệm còn cho rằng  ngoài việc làm vệ sinh môi trường, tránh để các vũng nước tù đọng để giảm mật độ lăng quăng, người dân còn có thể mua những loại vợt bắt muỗi giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/cái để tăng cường diệt muỗi.

Ngoài ra, BS Nghiệm còn cho biết, từ ngày 15 – 25/7, Sở Y tế TP.HCM sẽ thành lập 4 đoàn đi kiểm tra tình hình khám chữa bệnh và dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Mỗi đoàn sẽ kiểm tra 8 đơn vị, bao gồm các bệnh viện công, bệnh viện tư, các trung tâm y tế quận huyện.

Thông qua các cuộc kiểm tra đó, các đoàn của Sở Y tế sẽ tăng cường các công tác dự phòng trong tình hình sốt xuất huyết trở thành vấn đề nan giải của một thành phố phức tạp với mật độ cư dân đông đúc như TP.HCM.

  • Hương Cát
,
,