Dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng
Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân (BN) bị sốt xuất huyết (SXH) tại nhiều địa phương bùng phát mạnh.
Nhiều bệnh nhân sốc nặng
Theo Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP), từ đầu năm đến nay TP.HCM đã xảy ra gần 2.700 ca SXH, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước.
Các bệnh nhi đang được điều trị bệnh sốt xuất huyết tại khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 19-6) - Ảnh: THANH ĐẠM |
Chiều 19-6, tại khoa SXH của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) tràn ngập BN SXH. Ở nhiều khoa phòng, BN phải nằm hai người một giường. Khoa có 121 BN nhưng hết 84 ca theo dõi và điều trị SXH.
Trong vòng ba ngày cuối tuần qua (16, 17, 18-6) tại khoa có 19 ca SXH sốc độ 3, trong đó có 4/7 ca sốc mới nhập viện là BN của TP.HCM. TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - phó giám đốc BV Nhi Đồng 1- cho biết từ đầu năm đến nay BV tiếp nhận điều trị nội trú 1.167 ca SXH. Trong đó, TP.HCM chiếm 876 ca. Riêng hai quận 6 và 8 có 126 ca nhập viện.
Đã có một BN ở Q.6 mới hơn một tuổi bị tử vong vì SXH.
Cũng trong ngày 19-6 tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM có thêm hai trẻ bị sốc SXH nặng nhập viện. Tại BV Nhi Đồng 2, BS Trần Thị Việt - trưởng khoa nhiễm - cho biết những ngày gần đây số BN bị SXH nhập viện bắt đầu gia tăng. Trong ngày 20-6, tại khoa có 35 ca theo dõi và điều trị SXH, với năm ca sốc SXH độ 3 và 4.
Sáng 20-6, BS Nguyễn Văn Bé - đội trưởng đội YTDP Q.8 - cho biết nhiều năm qua số ca mắc SXH ở Q.8 luôn ở mức độ cao. Nguyên nhân do hầu hết hộ dân đều phải sử dụng nhiều loại dụng cụ chứa nước như lu, khạp, chậu để tích trữ nước dùng. Việc tích trữ nước là nơi khu trú cho muỗi có điều kiện dễ dàng sinh sản...
BS Nguyễn Văn Bé cho rằng đa số người dân - nhất là người lao động nhập cư - vì điều kiện khó khăn, lo làm ăn nên không quan tâm đúng mức đến SXH.
Theo BS Bé, để phòng chống SXH có hiệu quả, VN cần học tập mô hình phòng chống SXH của Singapore: luật pháp hóa công tác phòng chống SXH. Theo đó, khi cán bộ y tế đi kiểm tra, hộ gia đình nào có nhiều lăng quăng, nhiều muỗi thì sẽ xử lý hành chính bằng biện pháp phạt tiền.
Cha mẹ chủ quan
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, từ đầu năm đến nay tỉnh Hậu Giang đã có ba trường hợp tử vong do SXH.
BS Bùi Hùng Việt, trưởng khoa khám bệnh, BV Nhi đồng Cần Thơ, cho biết trong hai tuần qua số trẻ mắc bệnh SXH đã tăng hơn so với trước, bệnh nhi SXH chiếm số lượng lớn. Đặc biệt có nhiều trường hợp gia đình không chú ý dẫn đến nhiều trẻ đã vào giai đoạn sốc nặng mới được đưa đến BV. Theo tổng hợp dịch hằng ngày từ Trung tâm YTDP Cần Thơ, hiện nay bình quân mỗi ngày có gần 20 trường hợp mắc SXH tại các địa phương trong TP.
Những ngày qua dịch bệnh SXH tiếp tục bùng phát trên diện rộng tại Sóc Trăng. Theo BS Nguyễn Đình Thanh Liêm - trưởng khoa dịch tễ Trung tâm YTDP tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 20-6 chín huyện thị trong tỉnh đã có trên 1.780 ca theo dõi điều trị SXH (tăng 370 ca so với năm 2005) và 255 ca sốt Dengue. Bệnh nhân nhiễm SXH tăng đột biến nên nhiều BV ở Sóc Trăng phải đối phó với tình trạng quá tải.
Hiện nay có rất nhiều gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, thấy con bị nóng sốt cha mẹ thường cho rằng trẻ bị cảm thông thường nên tự ý mua thuốc về điều trị, bệnh nặng mới chuyển lên BV tỉnh mới biết con mình bị nhiễm SXH.
BS Võ Thanh Ngà - giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Sóc Trăng - cho biết biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là xử lý ổ dịch nhỏ hằng ngày. Với mô hình xử lý ổ dịch nhỏ tuy mới áp dụng gần đây nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể bởi hoạt động này góp phần can thiệp sớm vào những nơi mới bắt đầu xuất hiện ca bệnh SXH, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát diện rộng.
(Theo Tuổi Trẻ)