,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
804579
TP.HCM: 5 ca tử vong do bệnh tay chân miệng
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

TP.HCM: 5 ca tử vong do bệnh tay chân miệng

Cập nhật lúc 10:42, Thứ Tư, 07/06/2006 (GMT+7)
,

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh, điều trị chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ nên việc phát hiện sớm những biến chứng sẽ giảm được tỉ lệ tử vong.

Ngày 24/5, cháu Đ.V.T, 4 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình -TPHCM được đưa vào Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2. Ngay đêm đó, cháu nổi nhiều bóng nước ở miệng, lòng bàn chân, bàn tay và giật mình khi ngủ. Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng đến chiều 26-5, cháu T. đã tử vong vì bệnh tay chân miệng. Trước đó, ngày 17-5, cháu N.N.T.A gần 10 tháng tuổi, ngụ ở Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng đã tử vong tại BV Nhi Đồng 2 do mắc bệnh tay chân miệng. Đây là 2 ca tử vong đầu tiên vì bệnh này từ đầu năm đến nay ở BV này.

Cháu T.T.T, 2 tuổi, Q.11 - TPHCM mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Ảnh: T.DƯƠNG/NLĐ

Không riêng gì BV Nhi Đồng 2, theo thống kê của BV Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến ngày 2-6, tại đây đã tiếp nhận 457 trẻ bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị, trong đó có 3 ca tử vong.

Tác nhân gây bệnh mới

Mặc dù nhiều bác sĩ nhận định dịch bệnh này đã qua đỉnh điểm, thế nhưng việc có thêm 2 ca tử vong khiến không ít người lo lắng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, giải thích do trước đây bệnh chủ yếu do siêu vi trùng đường ruột nhóm coxsackie gây ra, bệnh không dẫn đến biến chứng nặng, thường tự khỏi nên người bệnh ít đến BV điều trị. Gần đây, thế giới đã phát hiện thêm một tác nhân mới gây bệnh là Enterovirus 71. Tác nhân này rất nguy hiểm vì có thể gây ra những biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi và nặng nhất là tử vong. Để chứng minh điều này, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, so sánh: Điều trị một ca sốt xuất huyết biến chứng khó 1 thì điều trị một ca bệnh tay chân miệng do Enterovirus 71 bị biến chứng phải khó 10!

Bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi

Theo kinh nghiệm điều trị nhiều năm tại BV Nhi Đồng 1, bác sĩ Khanh nhận thấy bệnh này thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng tăng cao từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12 trong năm. Triệu chứng của bệnh là nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng, có thể kèm theo sốt, nôn ói hoặc tiêu chảy. Khi nổi bóng nước, trẻ có thể quấy khóc, sốt nhẹ do đau miệng, bỏ ăn và bóng nước sẽ tự xẹp đi, khỏi hẳn sau 5 - 7 ngày. Một số trẻ có kèm theo nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Đa số trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi nhưng nếu bệnh do Enterovirus 71 gây ra, một số trẻ sẽ bị biến chứng nặng như đã kể trên.

Dễ bị chẩn đoán lầm

Bệnh tay chân miệng thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Chính vì vậy, cách phòng chống tốt nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh bằng cách cho trẻ rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bảo đảm sạch sẽ những dụng cụ ăn uống, đồ chơi của trẻ và đặc biệt sàn nhà, nơi trẻ thường chơi. Bàn tay những người chăm sóc trẻ cũng cần được giữ sạch để tránh lây nhiễm từ trẻ này sang trẻ khác.

Bác sĩ Khanh cũng lưu ý khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ của bệnh tay chân miệng thì nên đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để xem có đúng mắc bệnh này hay không, vì bệnh dễ bị lầm với một số bệnh khác như thủy đậu, dị ứng, nhiễm trùng da... Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu biến chứng của bệnh tay chân miệng như khó ngủ bất thường về đêm, hôn mê, co giật, yếu chi hoặc sốt quá cao thì nên đưa đến BV điều trị ngay để theo dõi.

 

Hơn 500 ca bệnh tay chân miệng

Ngày 6-6, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết tính từ đầu năm đến nay cả TP đã có hơn 500 người mắc bệnh tay chân miệng. Hiện tại số người mắc bệnh đã giảm khoảng 40% so với đỉnh điểm của mùa dịch. Bác sĩ Thọ nhấn mạnh bệnh tay chân miệng chưa có thuốc phòng ngừa, điều trị. Do vậy, ý thức phòng ngừa, giữ gìn vệ sinh của mỗi người dân rất quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

(Theo Người Lao động)

,
,