Bệnh tay, chân, miệng: Trẻ dễ tử vong do chẩn đoán nhầm
BV Nhi Đồng I cảnh báo, một số trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng nhưng không có biểu hiện đặc trưng nên bác sĩ không phát hiện được bệnh.
Chẩn đoán bệnh tay, chân, miệng ở BV Nhi Đồng I. (Ảnh: SGGP) |
Tuần qua, một trẻ 18 tháng tuổi được bệnh viện đa khoa tỉnh chuyển lên BV Nhi đồng 1, nhưng đã tử vong chỉ sau vài giờ. Dù trước đó, cháu bé nhập viện có dấu hiệu điển hình là nổi bóng nước, sau đó yếu chi nhưng bác sĩ ở tỉnh không biết bệnh gì.
Ngày 24-4, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TPHCM Trương Hữu Khanh cho biết, nhiều trẻ mắc bệnh “tay, chân, miệng” (TCM) nặng nhưng không có biểu hiện đặc trưng (bóng nước lộ rõ trên cơ thể). Thay vào đó, chỉ có vài bóng nước nhỏ trong kẽ ngón tay - chân, nốt ban ẩn trong lòng bàn tay - chân, bác sĩ nhìn thoáng qua không phát hiện được. Từ 3 đến 5 ngày sau, trẻ có dấu hiệu nặng (hoảng hốt, giật mình) là lúc bệnh có biến chứng lên não.
Không ít trẻ tử vong do bệnh TCM nhưng bác sĩ không kết luận cụ thể nguyên nhân, hoặc kết luận do nhiễm trùng huyết, viêm phổi... Đến nay, nhiều bác sĩ ở các tỉnh, thành vẫn chưa nhận diện hết được những dấu hiệu của bệnh TCM và hướng điều trị thích hợp.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tuần qua có thêm 60 trẻ bệnh TCM nhập viện (tăng 10 ca so với tuần trước). Biện pháp tuyên truyền phòng bệnh TCM như hiện nay vẫn còn chung chung (vệ sinh cá nhân, môi trường).
Đến ngày 24-4, khối y tế dự phòng mới triển khai đợt khảo sát dịch tễ để đánh giá chi tiết hơn về nguồn lây của bệnh TCM trên toàn địa bàn thành phố. Trong khi đó, hướng dẫn nhận biết bệnh và phác đồ điều trị bệnh TCM của BV Nhi đồng 1 đã soạn sẵn từ hơn 2 tuần qua vẫn chưa được Sở Y tế TPHCM triển khai đến các bệnh viện khác, đặc biệt là khối bác sĩ có phòng mạch tư để biết rõ về bệnh TCM, nhằm phát hiện sớm bệnh từ những ngày đầu, hạn chế biến chứng và tử vong.
(Theo SGGP)