TP.HCM: Bệnh tay-chân-miệng có chiều hướng gia tăng
(VietNamNet)-Ngày 19/4, tại cuộc họp do Sở Y tế TP.HCM tổ chức để xem xét tình hình bệnh tay - chân - miệng đang diễn ra, các chuyên gia y tế cho rằng căn bệnh này có chiều hướng gia tăng trên địa bàn TP.
BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 tổng kết, số lượng nhập viện tại khoa Nhiễm do mắc bệnh tay-chân-miệng vẫn chưa giảm. Trung bình mỗi ngày bệnh viện vẫn tiếp nhận từ 30 - 40 bệnh nhân nội trú, với nguy cơ có các dấu hiệu biến chứng từ 5 - 10 em.
Chỉ tính riêng địa bàn thành phố, từ đầu năm đến ngày 18/4, khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 314 ca mắc bệnh tay - chân - miệng. Trong đó có 105 ca biến chứng nặng và 4 ca tử vong.
Bóng nước của bệnh tay-chân-miệng cứng, cộm lên trên da, hơi có màu xám và thường xuất hiện ở các vùng da dầy, Trong ảnh: Bóng nước nổi ở lòng bàn chân của một bệnh nhân tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2. (Ảnh: Hương Cát) |
Bệnh tay - chân - miệng hiện đang xảy ra rải rác khắp 23/24 quận huyện của TP.HCM. Các quận huyện nội thành là những khu vực tập trung bệnh đông nhất, vì có mật độ đông dân và đông trẻ em theo học ở các nhà trẻ và trường mẫu giáo.
Cụ thể, quận Tân Bình, trong 55 ca nhập viện thì có 14 ca biến chứng nặng.Quận Bình Tân, 32 ca nhập viện với 14 ca biến chứng nặng. Quận 6, 26 ca nhập viện với 13 ca biến chứng. Quận 10 - 11 - 8 cũng xấp xỉ tiếp nhận hơn 25 ca nhập viện vì bệnh tay - chân - miệng.
Số bệnh tay chân miệng tăng dần qua các tháng, và tăng cao đột biến vào tháng 3. Tháng 3/2006, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã khám cho 1082 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành khác trong cả nước.
Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh lây lan trong cộng đồng rất lớn. Nhưng cho đến nay các chuyên gia chưa phát hiện ra những trường hợp lây lan trong gia đình như các bệnh truyền nhiễm khác như quai bị, não mô cầu hay thủy đậu.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet chiều 19/4, TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: ''Sau khi nhận được thông tin về bệnh “tay, chân, miệng” xảy ra tại một số địa phương, Bộ Y tế đã có các biện pháp khống chế không để dịch lan rộng. Nguyên nhân gây bệnh là do enterovirus 71. Bệnh có thể lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân-miệng. Để khống chế khả năng lan rộng của bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền cho người dân cách tự phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa sạch các dụng cụ có thể nhiễm virus bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloramin B 5%, cách ly bệnh nhân, trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh...". (Lệ Hà) |
BS. Tăng Chí Thượng cho biết, tác nhân Enterovirus 71 gây ra biến chứng nặng như viêm thân não hay viêm màng não, thường không gây ra những bóng nước điển hình của bệnh tay - chân - miệng.
Những bóng nước đó xuất hiện rất tinh vi và khó phát hiện. Tuy nhiên, khác với viêm não Nhật Bản, những trẻ bị biến chứng đã được cứu sống thì không có di chứng và hồi phục rất nhanh chóng.
Giống như bệnh sởi Rubella, hiện nay bệnh tay - chân - miệng đã trở nên phổ biến và xuất hiện dịch bệnh mỗi năm và tập trung thành hai đợt vào tháng 3 - 5 và 10 - 11. Đây là thời điểm chuyển mùa với thời tiết khó chịu và khô.
Trong khi đó, BS. Trần Thị Việt, trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 2 đã lo ngại rằng không giống như bệnh thủy đậu (trái rạ) hay ban sởi, đây là một bệnh không miễn dịch và có thể tái phát; lại không có thuốc phòng ngừa.
Đối với các bậc phụ huynh, triệu chứng bệnh lý đã rất dễ dàng nhận biết. BS Tăng Chí Thượng kể lại có nhiều bà mẹ đưa con đi khám nói rõ ràng bệnh trạng là khám bệnh tay -chân - miệng. Nhưng vấn đề điều trị hiện nay thì chưa có những phương pháp đặc hiệu.
Nhằm đối phó với căn bệnh này, BV Nhi Đồng 1 đã tiến hành khám theo dõi và lọc bệnh. Đồng thời kết hợp với các chuyên gia Đài Loan, bệnh viện đang xây dựng một phác đồ chẩn đoán và xử trí bệnh tay - chân - miệng và các biến chứng và đẩy mạnh nghiên cứu những loại thuốc đặc hiệu nhằm nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân trước những tấn công của siêu vi rút.
Bên cạnh đó, Nhi Đồng 1 đang xây dựng tiêu chuẩn ngoại trú, mỗi ngày tái khám cho các bệnh nhân mắc bệnh nhưng chưa có dấu hiệu biến chứng thần kinh.
Ngoài ra, theo BS Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, đối tượng nguy cơ chính là trẻ đang theo học ở các nhà trẻ.
Trên 50% bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng đều dưới 2 tuổi. Đây là lứa tuổi chưa ý thức được việc tự giữ gìn vệ sinh. Vì vậy, vấn đề chủ yếu trong phòng bệnh vẫn là vệ sinh cá nhân và nhà cửa.
-
Hương Cát