,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
780998
Đề phòng dịch “chân, tay, miệng” lan ra miền Bắc
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Đề phòng dịch “chân, tay, miệng” lan ra miền Bắc

Cập nhật lúc 18:31, Thứ Hai, 03/04/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Dịch “chân, tay, miệng” đang bùng phát ở các tỉnh phía Nam được Bộ Y tế cảnh báo và đề phòng về khả năng lây lan ra các tỉnh miền Bắc.

Soạn: AM 741777 gửi đến 996 để nhận ảnh này

 

Trước tình hình bùng phát dịch “chân, tay, miệng” ở Ninh Thuận, Bộ Y tế đã cử một đoàn chuyên gia dịch tễ vào khảo sát, tập huấn chuyên môn và cung cấp miễn phí 3 tấn Chloramin B cho khu vực này vệ sinh môi trường.  

Ngày 3/4, PGS TS Nguyễn Văn Bình - Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thành viên trong đoàn chuyên gia cho biết: Tính đến 3/4, đã phát hiện 150 bệnh nhân “chân, tay, miệng” ở Ninh Thuận và 90 bệnh nhân khác ở Kiên Giang, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối tượng mắc bệnh chủ yếu dưới 5 tuổi. Biểu hiện chung của trẻ ban đầu bị sốt, biếng ăn, sau đó nổi mụn mọng nước ở chân, tay, miệng. 

PGS TS Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, đặc điểm nổi mụn mọng nước dễ nhận biết nhất của bệnh “chân, tay, miệng”. Một số trường hợp phát hiện không kịp thời, đưa đến cơ sở y tế chậm đã tử vong. Nhiều trường hợp cứu được nhưng cũng bị di chứng nặng nề ảnh hưởng đến não.  

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, đã phân lập được virus gây bệnh “chân, tay, miệng” là Entero virus 71 gây ra.

Entero virus 71 sống chủ yếu ở các nước nhiệt đới và lây chủ yếu qua đường tiêu hoá. Virus này cũng dễ lây, tấn công chủ yếu vào trẻ dưới 5 tuổi cho nên tại các khu vực đông trẻ em như nhà trẻ, mẫu giáo, khu dân cư... cứ một trẻ mắc bệnh thì nhiều cháu khác bị lây theo.  

PGS TS Nguyễn Văn Bình đưa ra khuyến cáo với người dân: do bệnh dễ dàng lây qua đường tiêu hoá nên nó có khả năng lan ra miền Bắc nếu công tác ngừa bệnh không tốt. Để hạn chế bệnh nhân, khống chế được dịch lan ra nhiều địa phương khác gần Ninh Thuận, Kiên Giang và miền Bắc, Bộ Y tế đã cung cấp hoá chất cho vùng có dịch phun khử khuẩn,  khoanh vùng dịch.  

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp tuyên truyền đến cộng đồng dân cư vệ sinh môi trường nhà ở, đặc biệt là chú trọng vệ sinh cá nhân, đồ dùng cá nhân sạch sẽ để hạn chế sự tồn tại của Entero virus 71.

Gia đình có trẻ em phải cho trẻ  ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, không mút ngón tay... 

Nếu phát hiện có trẻ trong lớp mẫu giáo mắc bệnh thì cho trẻ nghỉ ở nhà chữa bệnh, không đến lớp nữa, tránh lây sang bạn khác. Nếu thấy trẻ sốt cao, biếng ăn nên đưa đến cơ sở y tế điều trị, không nên tự chữa bệnh cho trẻ ở nhà.

  • Lệ Hà

,
,